Nhớ về thời bao cấp: Chuyện ăn cắp xăng dầu

Hầu như ai lớn lên trong thời bao cấp đều chứng kiến cảnh ăn trộm xăng dầu. Nhưng phần lớn những câu chuyện “chôm chỉa” xăng dầu thời đó rất nhỏ nhặt chứ không quy mô, hệ thống như bây giờ… Đó còn là những câu chuyện cười ra nước mắt.

Cháy nhà vì mấy lít xăng

Buổi trưa, khu tập thể nghèo của nhà máy ô tô, người ta phát hoảng rồi hô hoán vì một đám cháy. Mấy đứa nhỏ đen nhẻm mếu máo, ôm chiếc bàn ủi Liên Xô cùng chiếc quạt “con cóc” ào ra ngoài đường. Người lớn nhúng những chiếc mền (chăn) vào nước rồi đập lửa. Chỉ sau mười phút, đám cháy thiêu rụi một căn nhà nhỏ.

Không có thiệt hại về người. Tài sản lớn nhất bị thiệt hại là một con heo chuẩn bị xuất chuồng. Bữa thịt heo nướng đãi cả khu tập thể, đổi lấy những người đàn ông tận dụng bạt xe tải, gỗ tạp dựng lại nhà cho người hàng xóm. Thời bao cấp, mọi thứ công cán đều được quy đổi rất dễ thương mà tiền bạc hầu chưa len lỏi vào tâm hồn bất kì ai.

Nguyên nhân vụ cháy sau đó được xác định: Chiếc xe máy công vụ của cơ quan được một bảo vệ rút trộm một chai xăng. Lí do ăn trộm là vì anh này muốn ở nhà mình có chút xăng, khi mượn được chiếc xe cup 79 của ai đó thì… đổ vào chạy, hoặc chở vợ con đi ăn chè.

Trưa đó, người vợ nấu ăn. Mấy đứa nhỏ thấy xoong cá kho, háo hức quá, thọc đũa gắp trộm thì làm ngã bếp lò, lửa tém tới chai xăng rồi phát hỏa.

Trộm xăng xe ô tô

Chú H. là một tài xế chở lãnh đạo. Cả nhà máy chỉ có hai đến ba chiếc xe ô tô con. Trước mỗi bận lãnh đạo nhà máy đi công tác, đi họp trên Sở thì chú H. đánh xe ra cửa hàng, dùng tem phiếu mua xăng. Xăng dầu được đựng trong những chiếc can bằng kim loại của Mỹ.

Sau mỗi chiều, chú H. lén lút đem một, hai lít xăng đựng trong vỏ chai rượu Nàng Hương đem về nhà mình. Thấy chú H. lúc nào cũng chạy chiếc xe cub 79, người ta dị nghị rồi tiến hành theo dõi.

Cuối cùng quy luật chôm chỉa xăng dầu của chú H. cũng bị phát hiện ta. “Thủ đoạn” để biển thủ vài lít xăng của chú H là khi đổ xăng vào xe ô tô chở sếp, chú chừa lại một ít dưới can.

Lượng xăng dùng không hết, chú “cán bộ đường lối” này đưa cho vợ bán lại. Những năm 1980s, việc bán xăng lẻ là phạm pháp. Vợ chú toàn bán lén, lợi nhuận thu được cũng chỉ mua được cho con vỏn vẹn vài cuốn tập học trò, hoặc cây bút chì.

Đến các kiểu trộm cắp xăng dầu gây hậu quả lớn

Trong cuốn sách viết về tài xế có tên “Cuộc đời sau tay lái” của tác giả Trần Kiêm Hạ có kể về một người tài xế tên Xuân, biệt danh “Xuân chó”. Sở dĩ ông tài xế có tên này vì trong những chuyến xe đêm, ông thường xuyên canh những con chó chạy ra đường rồi tìm cách ủi xe vào cán chết.

Thời bao cấp, đơn vị có thêm miếng thịt chó cải thiện đạm là niềm vui lớn cho nhiều anh em khác của ông. Ngoài ra, ông còn là người nổi tiếng chạy xe tiết kiệm xăng dầu, bằng cách khi xe xổ đèo, ông trả số về 0 rồi cho chạy trớn.

Một bữa, ông Xuân chó thấy từ xa, qua ánh đèn pha thấy trong đống rơm có động đậy. Thói quen và kinh nghiệm giúp ông Xuân biết có chó sau rơm. Ông dí miếng ga, rồi đạp mo cho xe chạy trớn, tránh tiếng gầm động cơ, chó chạy. Chiếc xe lao vào. Hai bánh xe cán chết hai người đang xúc rơm… Từ đó, ông bỏ vô lăng, sau khi mãn hạn tù.

Thông thường, các chủ xe đã tính toán quãng đường cho lượng nhiên liệu tiên hao. Các tài xế đường dài ngoài phần lương, vẫn muốn có thêm thu nhập. Họ gian lận bằng cách xổ đèo, xe chạy với số 0, tức là chạy trớn. Một phần xăng dầu không tiêu hao do động cơ không hoạt động đó đôi khi chỉ mua được gói thuốc lá nhưng đổi lại là mạng sống của nhiều người.

Mấy năm trước, trên đường đèo Đại Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận diễn ra vụ tai nạn kinh hoàng làm chết 9 người Nga.

Vụ tai nạn thương tâm sau đó cũng chìm trôi theo thời gian, nhưng tại các diễn đàn, người ta cho rằng, chính việc “tiết kiệm” xăng dầu đã dẫn tới hậu quả đó. Nguyên tắc lên đèo bằng số nào thì xuống đèo bằng số đó đã không được tài xế tuân thủ.

Khi xe chạy trớn theo quán tính, tài xế sẽ dùng thắng nhiều hơn. Bộ phận bơm dầu thắng dễ bị hỏng dẫn tới hiện tượng xe mất thắng và lao vào núi, hoặc xuống vực.

Trộm cắp xăng dầu, dù nhỏ hay lớn không chỉ đơn thuần là thói gian xảo của một số người vì nguồn lợi nhỏ, nhưng hậu quả bao giờ cũng khó lường là vậy.

Và giờ, nó đã thành một “kỹ nghệ”, táo bạo, liều lĩnh…

Theo PETRONEWS

Tags: , ,