Nhận diện lãng phí – vấn nạn lớn gấp bội phần tham nhũng

Người ta thấy kẻ nào tham nhũng thì hết sức căm ghét và mong cho chúng vào nhà đá để hết đời đục khoét công quỹ và hút máu dân lành. Nhưng trong thực tế, lãng phí thường gây thiệt hại lớn gấp hàng trăm lần tham nhũng, mà con người lại ít lên án gay gắt.

Lãng phí có nhiều loại. Có thể tạm quy vào mấy loại lãng phí sau: Lãng phí tiền của, lãng phí thời gian, lãng phí tài nguyên…

Trước hết nói về lãng phí tiền của. Hằng ngày các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, các tập đoàn kinh tế và các tổ chức khác thường phải chi dùng hàng tỉ, nhiều tỉ đồng cho các hoạt động thường xuyên của họ. Nếu biết chi tiêu tiết kiệm thì tránh được lãng phí tiền của. Nếu chi tiêu bừa bãi thì sẽ lãng phí nhiều tiền hơn.

Xin tạm nêu một ví dụ: Cả nước ta mỗi ngày có hơn 1.000 cuộc họp lớn nhỏ. Bình quân mỗi cuộc họp chi phí ít nhất khoảng vài triệu đồng thì mỗi ngày chúng ta đã tiêu hết trên vài ba tỉ đồng cho các cuộc họp đó. Nhưng trong thực tế có nhất thiết phải tổ chức hơn một ngàn cuộc họp không? Và nếu chỉ tổ chức một nửa số cuộc họp trên thì mỗi ngày ta đã tiết kiệm được một nửa số tiền phải bỏ ra rồi. Nếu tính sơ sơ, 1 năm chúng ta có tới trên 300.000 cuộc họp và số tiền chi cho các cuộc họp đó là khoảng 600-700 tỉ đồng. Số tiền ấy có thể làm được 200 chiếc cầu treo cho vùng sâu, vùng xa.

Một thí dụ khác: Mỗi ngày trên đất nước này tổ chức hàng chục lễ khởi công và lễ khánh thành lớn nhỏ. Mỗi lễ khởi công hay khánh thành chi hết từ vài tỉ đồng cho việc dựng rạp, bàn ghế, đội xe xúc, xe san ủi, trang trí quanh và trong khu vực làm lễ. Mươi cô người mẫu bưng khay đựng kéo, một tấm lụa đỏ dài cả chục mét, vài chục chiếc xẻng mới toanh có sơn đỏ nơi cán xẻng và có gắn nơ đỏ thắm, thùng gỗ dài hàng vài chục mét đổ đầy cát, mỗi đại biểu tham dự nhận một phong bì vài trăm ngàn (phong bì cho khách VIP thì vài triệu đồng) và một bông hoa gài ngực áo. Phông màn, cờ xí… đủ cả. Sau khoảng nửa giờ hoặc một tiếng đồng hồ buổi lễ kết thúc trong trống dong cờ mở tốn kém vài tỉ bạc, các xe xúc, xe san ủi trở về nơi tập kết, các đại biểu giải tán, công trường trống hoác hằng tháng, thậm chí nửa năm trời chưa khởi động lại… Vậy dăm trăm buổi lễ khởi công và khánh thành tiêu hết mấy ngàn tỉ đồng? Người dân đặt câu hỏi có cần phải làm lễ to như thế hay không, có cần phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng vào chuyện lễ lạt đó hay không?

Mỗi năm có vài nghìn đoàn lớn nhỏ ra nước ngoài tham quan, thăm thú, hội nghị, hội thảo… Đoàn nhỏ vài ba người tiêu tốn hàng tỉ đồng, đoàn lớn hàng chục người thì tiêu tốn dăm bảy tỉ đồng. Nếu đi mà học được người ta rồi mang về thực hiện ở trong nước thì tốt, còn nếu đi chỉ cưỡi ngựa xem hoa, kết hợp đi thăm con, cháu thì chẳng thu được điều gì hay mà chỉ mất tiền oan của Nhà nước. Tính ra mỗi năm ngân sách cũng phải chi cho các chuyến đi này hàng nghìn tỉ đồng, vậy có lãng phí không?

Vừa rồi Bộ Tài chính công bố cả nước có mấy vạn chiếc xe công và để nuôi số xe đó mỗi năm chi không dưới 20.000 tỉ. Cứ mỗi ông lên làm thủ trưởng bộ và cơ quan ngang bộ lại mua một xe mới, mỗi ông bí thư mới, chủ tịch mới của các tỉnh, thành lại đổi một xe mới, vậy thì chỉ chết dân thôi, ngân sách nào chịu nổi.

Nhân đây xin đề nghị xem xét là việc có quá nhiều chương trình truyền hình, kênh truyền hình đài quốc gia đã có thời lượng chuyên đề nhưng vẫn có nhiều kênh riêng với bộ máy như một đài quốc gia là rất lãng phí. Một ngày phải có 150 giờ mới lướt hết nội dung trùng lặp này.

Vài năm nay do tình hình lạm phát và suy thoái, chính phủ yêu cầu các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức tiết kiệm chi hằng năm 10%. Năm ngoái cả nước đã tiết kiệm được gần 4.000 tỉ đồng. Năm nay chỉ tính khoảng một trăm tập đoàn và tổng công ty, nơi ít thì tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng, nơi nhiều thì hàng nghìn tỉ đồng. Như vậy Khối Doanh nghiệp Nhà nước đã tiết kiệm chi khoảng 20.000 tỉ đồng. Các cơ quan hành chính sự nghiệp khác cũng giảm chi nữa thì con số tiết kiệm cho ngân sách năm nay cũng lên tới ba, bốn chục nghìn tỉ đồng. Số tiền tiết kiệm chi đó có thể xây được cả chục chiếc cầu lớn như cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì, có thể làm thay đổi diện mạo giao thông đô thị ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác.

Lãng phí thời gian: Như trên đã nêu, việc tổ chức mỗi ngày hơn một nghìn cuộc họp các loại trong cả nước đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian đã ai tính chưa? Chỉ cần giảm 1/3 số cuộc họp đó mỗi năm ta đã tiết kiệm được 300.000 giờ họp vô bổ. Nếu giảm thêm các buổi lễ lạt khởi công và khánh thành nữa, giảm bớt hội hè đình đám nữa, ta sẽ tiết kiệm mỗi năm thêm 300.000 giờ nữa để chuyển vào lao động, sản xuất ra của cải vật chất thì mang lại lợi ích không nhỏ cho xã hội.

Lãng phí tài nguyên: Ở đây là lãng phí nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường, làm bao nhiêu dòng sông chết, gây tổn hại tới vật nuôi, cây trồng. Việc sử dụng đất đai sai mục đích cũng làm thiệt hại không biết bao nhiêu tài nguyên, gây nên bao khó khăn cho người nông dân. Xin hỏi ai được lợi khi xây dựng tới 300 khu công nghiệp, khu chế xuất với nửa triệu hécta đất nông nghiệp? Người ta tính, muốn lấp đầy 300 khu công nghiệp, khu chế xuất này phải mất khoảng 20 năm nữa. Ai là thủ phạm xây dựng 144 sân golf, trong đó chỉ riêng Bình Thuận đã có trên 10 sân? Mà thực chất các sân đó là những khu biệt thự xây để bán, còn phần đất sân golf chỉ chiếm chưa đầy một nửa!

Rồi còn bao nhiêu lãng phí do làm ăn theo phong trào, người ta có địa phương mình cũng phải có, để đến nỗi rượu bia sản xuất ra quá nhiều không có người tiêu thụ, quá nhiều nhà máy đường, nhà máy xi măng… Trên đất nước ta còn có hàng trăm dự án bỏ đất hoang nhiều năm như Dự án Safari Củ Chi, nhiều khu đất hoang hóa từ lâu nay ở Mỹ Đình, các nhà máy rượu và dệt kim Đông Xuân ở ngay giữa trung tâm Hà Nội mà cũng bị bỏ hoang ít nhất 7-8 năm nay, trong khi Hà Nội đang thiếu khá nhiều khu đất xây trường học các cấp…

Nếu những người lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty, các vị lãnh đạo các ngành ở Trung ương cũng như ở các tỉnh, thành chăm lo dến chuyện tiết kiệm, chống lãng phí, đừng có tư tưởng tiêu tiền chùa không biết xót thì 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta còn đạt nhiều thành tích nổi bật hơn nữa, cuộc sống của chúng ta còn cao hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người của dân ta không chỉ là trên dưới 2.000USD như hiện nay. Của cải, tài nguyên của chúng ta sẽ không bị lãng phí đến như thế mà để dành cho những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hơi hơn, có nhiều lợi ích hơn trong tương lai, mang lại no ấm cho mọi người, phồn vinh cho đất nước!

Theo NGUYỄN KIM / NĂNG LƯỢNG MỚI

 

 

Tags: