Ngoại trưởng Liên bang Nga: Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới Ấn Độ…

Chúng ta đang chứng kiến sự xuống cấp của các mối quan hệ kinh tế quốc tế do Phương Tây gây ra, sự biến đổi các mối quan hệ này thành vũ khí, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.

Ngoại trưởng Liên bang Nga: Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới Ấn Độ…

Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov tại phiên họp toàn thể của Hội nghị cấp Bộ trưởng G20 về chủ nghĩa đa phương, kinh tế thế giới và phát triển.

New Delhi, ngày 2 tháng 3 năm 2023

Các đồng nghiệp kính mến!

Chúng tôi rất biết ơn những người bạn Ấn Độ đã đón tiếp nồng nhiệt và lãnh đạo có hiệu quả G20, tăng cường quan hệ của G20 với các quốc gia Nam Bán Cầu. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria liên quan đến những trận động đất có tác động phá hoại kinh hoàng.

Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi của New Delhi nhằm xây dựng một tương lai chung của toàn nhân loại. Lời kêu gọi này đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh đối đầu địa chính trị ngày càng gia tăng. Chúng tôi chia sẻ các nhiệm vụ thiết thực do nước chủ nhà Ấn Độ trên cương vị Chủ tịch G20 đặt ra là củng cố chủ nghĩa đa phương và vượt qua các cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế thế giới.

Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới Ấn Độ trên cương vị Chủ tịch G20 và các đồng nghiệp từ các quốc gia Nam Bán Cầu vì hành vi khiếm nhã của một số phái đoàn Phương Tây, những kẻ đã biến nội dung của chương trình nghị sự G20 thành một trò hề nhằm đổ trách nhiệm trước những thất bại của họ trong chính sách kinh tế sang những người khác, chủ yếu là sang Nga. Thật nhảm nhí khi đại diện của những quốc gia mà lãnh đạo của họ đã từng thừa nhận rằng kể từ năm 2015 đã từng phá hoại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện nay lại đang bơm vũ khí cho Ukraina để tiến hành cuộc chiến chống Nga.

Chủ nghĩa bài Nga khốc liệt đang tỏ ra man dại khi người ta nhớ rằng chưa bao giờ các thành viên Phương Tây trong G20 than thở tại các cuộc họp hàng năm về hàng trăm nghìn nạn nhân trong các cuộc phiêu lưu của Washington ở Trung Đông núp dưới chiêu bài hóa giải các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia cách xa biên giới Hoa Kỳ hàng vạn dặm.

Chúng tôi thấy không có giải pháp thay thế nào cho trật tự thế giới hợp pháp duy nhất được thể hiện trong các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi Hiến chương là sự bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia, tuân thủ nghiêm ngặt các điều ước quốc tế, bao gồm các công ước phổ quát về quyền của các dân tộc thiểu số đã bị chế độ Kiev chà đạp thô bạo trước sự hân hoan của các ông chủ Phương Tây. Nga kiên quyết phản đối các nỗ lực phá hủy cấu trúc hiện nay của luật pháp quốc tế hòng thay thế nó bằng các “quy tắc” và “tiêu chuẩn kép” mang tính tự nguyện.

Sự hình thành một thế giới đa trung tâm đòi hỏi phải thừa nhận tính chất đa dạng về văn minh và tôn trọng lợi ích của nhau. Cần phải từ bỏ logic có tác dụng phá hoại của sự thống trị, độc tài và trừng phạt. Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy của các trung tâm ảnh hưởng mới ở Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Quá trình hội nhập vẫn đang tiếp tục diễn ra trong các khu vực của Liên minh kinh tế Á-Âu. Triển vọng đang mở ra cho việc kết hợp tiềm năng của liên minh này với các hiệp hội và sáng kiến đa phương khác trên lục địa chung của chúng ta như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, ASEAN. Chúng tôi dự định tích cực sử dụng các khả năng của sáng kiến do Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đề xuất về việc tạo ra một không gian hội nhập rộng rãi của quan hệ đối tác Á-Âu mở rộng.

Chúng tôi sẽ cố gắng dân chủ hóa quản lý kinh tế. Chúng tôi ủng hộ tư cách thành viên của Liên minh Châu Phi trong G20. Chúng tôi ủng hộ việc tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong IMF, Ngân hàng Thế giới và WTO, xóa bỏ sự độc quyền của Phương Tây trong các tổ chức nhân quyền và môi trường.

Chúng ta đang chứng kiến sự xuống cấp của các mối quan hệ kinh tế quốc tế do Phương Tây gây ra, sự biến đổi các mối quan hệ này thành vũ khí, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi bị sốc trước hành vi phá hoại không bị trừng phạt nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt chính Nord Stream nằm trong khu vực trách nhiệm của NATO và EU. Chúng tôi yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra trung thực và nhanh chóng về hành động khủng bố này với sự tham gia của Nga và các bên quan tâm khác. Chúng tôi ủng hộ việc đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng tiếp cận cho tất cả các quốc gia có nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng với giá phải chăng và loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh. Việc thúc đẩy một chương trình nghị sự xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng thành công phải được thực hiện mà không được áp đặt các mô hình tốn kém với các công nghệ đắt tiền lên các quốc gia mang thêm gánh nặng gây phương hại cho các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Cần phải chấm dứt ngay các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp, mọi hình thức vi phạm tự do thương mại quốc tế, thao túng thị trường, áp giá trần giá tùy tiện và các nỗ lực khác nhằm chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của nước khác.

Đã đến lúc cần chấm dứt việc sử dụng thẻ phân phát lương thực. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do các hành động của Phương Tây vốn đã và đang in hàng nghìn tỷ đô la và euro kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 để ra sức thu gom thực phẩm trên khắp thế giới. Hiện nay, phần lớn ngũ cốc được xuất khẩu từ Ukraina đang được bán với giá ưu đãi trên thị trường Liên minh châu Âu mà không được chuyển đến các nước nghèo nhất. Hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga bị cản trở công khai trên toàn thế giới trong khi các đại diện của EU-những người quen thói nói dối, lại ra sức thuyết phục mọi người điều ngược lại. Các lô hàng phân bón của Nga, trong đó có các lô hàng chuyển cho Châu Phi, vẫn đang bị chặn tại các cảng của Châu Âu. Phương Tây đã táng tân lương tâm khi họ chôn vùi sáng kiến nhân đạo nổi tiếng của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Trong bối cảnh đó, Nga đang đa dạng hóa quan hệ kinh tế, mở rộng thương mại với các đối tác theo hợp đồng. Chúng tôi đang tham gia vào việc thành lập một trung tâm phân phối khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi khác vào tháng 7 năm nay. Trong khuôn khổ BRICS, SCO, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đang hình thành các hành lang giao thông đáng tin cậy, hệ thống thanh toán độc lập và mở rộng thanh toán bằng tiền quốc gia.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể để đảm bảo ổn định kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại bình đẳng trong G20. Chúng tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh Delhi trong tháng 9 năm nay sẽ cho phép hóa giải một phần những rủi ro do chính sách ích kỷ của Phương Tây gây ra.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM 

Tags: ,