Nâng cao dân trí còn quan trọng hơn tăng tốc GDP

Tăng trưởng GDP có thể bị triệt tiêu khi xã hội phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề do vấn đề dân trí gây ra.

Nâng cao dân trí còn quan trọng hơn tăng tốc GDP

Nhiều người hiếu kỳ xuất hiện bất cứ nơi nào mà họ nghe có thông tin về Tuấn “khỉ” để hóng chuyện và “livestream”. Ảnh: Người Đưa Tin.

Nhiều tai nạn thảm khốc, như vụ nổ lớn ở Hà Đông đã không xảy ra nếu người dân được trang bị những kiến thức cần thiết cho cuộc sống như không thể chấp nhận chuyện khai thác vật liệu nổ làm phế liệu, đặc biệt là ngay trong khu dân cư.

Em học sinh ở Daklak đã không đến nỗi phải cưa chân chỉ vì gãy chân nếu em và gia đình cương quyết đòi phải được chuyển viện khi bác sĩ điều trị có dấu hiệu tắc trách. Nhìn rộng ra nữa, nông dân và chính quyền địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã không phải chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán và ngập mặn nếu đã chú ý đầy đủ đến những cảnh báo rất sớm mà các nhà khoa học đã nêu ra từ năm ngoái về tác động của hiện tượng El Niño trong đó nói rất rõ về khả năng hạn hán và ngập mặn như thế nào. Lúc đó họ đã biết chủ động chuyển đổi cây trồng, phương thức canh tác chứ không phải chờ đến giờ mới loay hoay tìm cách.

Điều quan trọng trong dân trí không hẳn là kiến thức hay thông tin mà là khả năng nhận biết đâu là quyền và nghĩa vụ của mỗi người. Ví dụ một người đi khám bệnh được bác sĩ kê toa viết tháu, không tài nào đọc ra. Thay vì lên mạng xã hội để than phiền, ca thán, tại sao không yêu cầu vị bác sĩ đó viết lại toa thuốc cho rõ ràng – đó là quyền tối thiểu của người đi khám bệnh. Lịch sự nhưng cương quyết vì đó là quyền của mình, là sự an nguy cho bản thân. Một doanh nghiệp bị sách nhiễu, thay vì chờ đến dịp gặp các vị lãnh đạo ngành hay địa phương, tại sao không mạnh dạn khiếu nại ngay từ đầu. Trong một xã hội lành mạnh, người thực thi công vụ phải “sợ” dân chứ không phải ngược lại vì nếu người dân không hài lòng họ có quyền khiếu nại ở cấp cao hơn và không người thực thi công vụ nào muốn bị khiển trách cả.

Nhưng để thực thi quyền của mình thì người dân và đặc biệt là doanh nghiệp không được thỏa hiệp với cái xấu, cái sai chỉ vì sự thuận lợi nhất thời. Nhiều doanh nghiệp hiện nay có thói quen bắt tay với người thi hành công vụ, có thể là ngành thuế, quản lý thị trường hay các nơi cấp phép… Có thể nhờ quen biết hay bằng cách “bôi trơn” mà doanh nghiệp được ngó lơ một số thiếu sót nhỏ. Nhưng chính những thiếu sót nhỏ đó sẽ trở thành rào cản lớn khi doanh nghiệp muốn tìm công lý bởi họ đã tự nguyện biến thành con tin cho sự thỏa hiệp. Lúc đó dù biết mình làm đúng chuyện này nhưng do đã sai ở chuyện khác nên doanh nghiệp không còn có thể mạnh miệng phản ứng.

Tăng trưởng GDP có thể bị triệt tiêu khi xã hội phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề do vấn đề dân trí gây ra. Đóng góp vào GDP của các công ty đa cấp bất chính không biết là bao nhiêu nhưng rõ ràng thiệt hại cho xã hội, cho người dân, nhất là dân nghèo, dễ bị tổn thương là rất lớn. Chính vì thế, bên cạnh các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thiết nghĩ Nhà nước cần có những chương trình truyền thông thiết thực để nâng cao dân trí, giúp người dân tự trang bị vũ khí thông tin để ứng phó với cái xấu. Đó cũng chính là cách phòng xa để chống tham nhũng hiệu quả nhất.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN (2016)

Tags: