⠀
Mùa xuân dưới góc nhìn thơ thiền Việt Nam
Trong thiền học, phương thức soi chiếu quy luật của đạo bằng hình tượng thiên nhiên có nguồn gốc từ triết lý thiên nhân hợp nhất của Đạo giáo và vạn vật nhất thể của thiền. Con người luôn được đặt trong vị trí giao hòa với tự nhiên, trở thành một phần của tự nhiên, cần hành động theo quy luật của tạo hóa bởi đó là luật của vũ trụ, vô tư, vô ngã. Thiền vô ngôn mà biểu được đa ý sự vĩnh hằng, bất diệt của tự nhiên. Mỗi hình ảnh, âm thanh mùa xuân đều được thấu biết một cách tinh tế qua tâm thức của các thiền gia – thi sĩ.
Tác giả: Phạm Thị Thu Hương.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 405, tháng 3/2018.
Mùa xuân trở thành cảm hứng bất tận của nguồn chảy thi ca muôn đời từ truyền thống đến hiện đại. Nếu như thi ca biểu đạt ý niệm mùa xuân đơn thuần qua cảnh sắc thấm đượm tình ý của thi nhân thì thơ thiền lại mang hình thái và sắc độ khác biệt, vừa hội ý niệm về cảnh xuân, lại hòa lẫn tư tưởng đạo thiền. Hình ảnh mùa xuân từ nhành hoa bừng nở buổi sớm mai, làn gió an lành, tiếng sấm vang rền… đều không chỉ là cảnh sắc thức gợi xúc cảm của thi nhân mà là sự ẩn tàng của ý niệm thiền lý sâu xa. Mỗi hình tượng xuân như vậy đều được hiện hữu trong mối quan hệ gắn kết, biểu đạt ý niệm mùa – đạo thiền của thi sĩ – thiền sư, tạo nên một không gian xuân tràn đầy dư ba, sắc ý.
1. Hoa xuân
Hoa xuất hiện trong thơ thiền với tần số cao nhưng không chỉ hiện thân cho cái đẹp, sức xuân tràn đầy như thi ca nói chung mà còn biểu trưng cho bản chất, quy luật vận động của vũ trụ, nở tàn theo quy luật của tạo hóa. Dưới ánh nhìn của tâm thiền, hoa trong sự sinh diệt là con đường thức nhận đến chân như, bến viên giác của đạo. Hoa xuân trở thành một dấu hiệu của mùa xuân, với các chu trình đối cực của sự sống: hoa khai – hoa lạc, với các dạng thức khác nhau: hoa ảnh, hoa dung, các loài hoa xuân: mai, đào hồng, lý bạch… Những bức tranh mùa xuân với muôn vàn dạng thể, trạng thức không đơn thuần là xúc cảm của thi nhân trước thiên nhiên mà còn là sự gửi gắm của giáo lý thiền học, mượn hoa để nói về đạo.
Hoa biểu trưng cho cái đẹp mong manh bởi tính chất chóng tàn trước tác động của ngoại cảnh và sức công phá của thời gian. Cảm thức về hoa là ngợi ca cảnh sắc, cái đẹp, sự nuối tiếc cho cái đẹp mong manh, hay mượn hoa để nói về phù du cuộc đời. Hoa trong thơ thiền cũng mang tính chất chung ấy song còn bao chứa cả ý niệm về đạo. Thông qua hình tượng hoa xuân, hành giả biểu đạt sự hư ảo, mong manh, phần sắc giả tướng của bản thể. Trong Xuân vãn, Trần Nhân Tông cho thấy hình ảnh hoa dưới ánh nhìn của tâm thế con người đã đắc đạo, thấu suốt lẽ chân như bản lai diện mục.
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim kham phá đông hoàng điệu
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
Dịch nghĩa:
Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ sắc với không
Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa
Ngày nay đã khám phá được bộ mặt chúa xuân
Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng
(Xuân vãn)
Bằng sự nghiệm suy của cuộc đời, hành giả thấu triệt về sắc tướng, nhận chân bản thể của vạn pháp, để hòa mình vào thiên nhiên trong tư thế an tịnh của Thiền. Khi đã thức nhận được bộ mặt chúa xuân, cái đẹp tàn lụi không còn vướng bận với người tu đạo. Sự mong manh, hư ảo của hoa cuối xuân không mang cái nhìn bi quan mà an nhiên tự tại trước lẽ dời đổi của tạo vật, quy luật của tự nhiên, bình thản đón nhận lẽ sinh tử.
Sơn phòng mạn hứng 2 có sự tịch lặng của thiên nhiên, có sự tàn lụi của cảnh xuân. Con người trước cảnh xuân ấy, thả trôi tất cả vướng bận thị phi, lợi danh của bụi trần theo hoa buổi sớm, theo trận mưa đêm.
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Dịch nghĩa:
Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm
(Sơn phòng mạn hứng 2)
Cảnh xuân tuy có sự vận động nhưng cuối cùng đọng lại ở sự tĩnh lặng của cảnh và tâm. Từ hoa lạc (hoa rụng) đến hoa tận (hoa rụng hết) là một chu trình nhanh chóng mong manh của sự tàn úa. Từng cánh hoa rụng rơi là sự phôi phai của cái đẹp tạo hóa, vô thường của tạo vật. Nhưng con người hiển lộ tâm thế an nhiên trút bỏ lợi danh thị phi vào sự đổi thay bởi đã thấu hiểu lẽ đời, nhận ra sự vô thường của vạn pháp.
Trong thơ viết về mùa xuân, hoa mai mang giá trị biểu trưng cao. Hoa mai trong thơ thiền được sử dụng để biểu trưng cho sự thanh khiết, sức sống mãnh liệt:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch nghĩa:
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết
Đêm qua một cành mai đã nở trước sân
(Cáo tật thị chúng)
Giữa cảnh nở tàn cùng mùa xuân với bách hoa khai, bách hoa lạc, cành mai của tâm thức đạt ngộ, tâm thiền đã giác vẫn khai hoa. Hoa mai trong Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư là biểu trưng của chân như bất diệt.
Những hình ảnh về sự gắn kết, giao hòa giữa muôn vật luôn xuất hiện thường trực trong thơ viết về mùa xuân. Hoa và điệp gắn bó, quấn quýt biểu trưng cho sự gắn kết trong thiên nhiên mùa xuân. Nhưng hoa – điệp không chỉ là thiên nhiên thực tại, đó còn là triết lý thiền. Nhiều thiền sư dùng hình ảnh gắn kết giữa hoa và điệp để dẫn dắt đệ tử đến với con đường giải ngộ.
Tham đồ hiển quyết, Hoa điệp đều mượn hình tượng hoa và điệp để giác ngộ đệ tử về sự hư ảo. Hoa và điệp là những vật bên ngoài thân, có sự biến đổi của riêng chúng, song là giả tướng, huyễn ảo. Chỉ do vọng tâm tục niệm mà con người để tâm nhìn thấy những thứ hư vô ấy, bởi thế đừng nên bận tâm về hoa và điệp.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì
Dịch nghĩa:
Nhưng hoa với bướm vốn dĩ đều là hư ảo
Chớ nên bận tâm về hoa với bướm
(Hoa điệp)
Qua đôi mắt thiền quán của Trần Nhân Tông, hoa và điệp lại là sự quyến luyến của mùa xuân đầy sức sống với hình ảnh đôi bướm trắng: “Phách phách sấn hoa phi” trong Xuân hiểu. Hình ảnh quấn quýt của hoa và điệp làm bức tranh xuân trở nên sống động, tươi vui, ý niệm về sức xuân tươi vui nhuốm trọn cảnh thơ. Cặp hoa, điệp không còn là hình ảnh ám dụ truyền tải giáo lý mà là sự tương giao hòa hợp của chúng sinh, sự đan quyện gắn bó của sức xuân đang thịnh.
Hình tượng hoa mang nhiều giá trị biểu trưng như hình ảnh của thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, của sức sống đang sinh sôi cũng là hình ảnh ẩn tàng những ý vị triết lý thiền thâm áo. Hoa với những đặc trưng riêng là biểu trưng cho sự hư huyễn của sắc, giả tướng của vạn pháp, vô thường của tạo hóa, cũng là biểu tượng cho mùa xuân bất diệt, bản thể của tâm thiền đạt ngộ.
2. Gió xuân
Gió xuân là dấu hiệu đầu tiên của mùa, đem theo sự thay đổi của khí trời. Địa, thủy, hỏa, phong là bốn yếu tố cấu thành cơ bản của muôn vật. Gió mang tính động, luân chuyển, mang đặc tính về sự vô hình, chỉ có thể cảm mà không thể nắm bắt. Bởi vậy, gió được quan niệm như một biểu hiện của giả tướng bên ngoài, phi thực.
Trong thơ thiền, hình tượng gió xuân mang nhiều ý niệm thâm áo. Gió xuân là dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân, đem đến sự đổi thay cho muôn vật. Gió mang luồng khí ấm áp khắp nhân gian, khiến chồi non nảy lộc, hoa cỏ nở bừng. Trong Tảo mai 2, gió xuân đem đến sự đổi thay diệu kỳ:
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn
Hoa áp chi đầu noãn vị phân
Dịch nghĩa:
Chỉ năm ngày sợ rét lười ra khỏi cửa
Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn
Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan
Hoa trĩu nặng đầu cành, hơi ấm chưa định rõ
Ngọn đông phong thổi đã làm tan chảy băng giá của mùa đông, hoa bắt đầu trĩu trên cành. Cảnh xuân vừa sang, với tiết ấm chưa rõ hẳn, giá rét chưa tan đi chính bởi ngọn đông phong thổi đem đến bao tươi mới của cảnh vật. Gió thổi qua cây là hồn của cảnh vật trong sự đan quyện, giao hòa.
Gió xuân cũng mang cảm thức về thời gian bởi nó gắn với sự chuyển dời, thay đổi của muôn vật. Người thiếu phụ trong Khuê oán, nuối tiếc xuân qua, trách làn gió mùa xuân không thổi, đem theo sự tàn lụi của mùa: “Hoàng ly bất ngữ oán đông phong” (Chim oanh vàng bặt tiếng, oán gió đông) (Khuê oán).
Trả lời cho câu hỏi về gia phong của Phật hiện tại (Thích Ca), gió xuân cũng được dùng để biểu ý cho sự tự nhiên sinh sôi nảy nở theo quy luật tạo hóa:
Bạch thủy gia phong mê hiểu yến
Hồng đào tiên uyển túy xuân phong
Dịch nghĩa:
Nước trắng mênh mông chim én lạc
Vườn tiên đào thắm gió xuân say
(Sư đệ vấn đáp)
Từ đặc tính về sự đổi thay trong sắc khí mùa, mang lại sự sinh sôi cho vạn vật, gió xuân được xem như yếu tố quan trọng cho sự tạo sinh. Xuất phát từ sự đổi thay ấy, khung cảnh mùa xuân với hoa nở trong gió trở thành hình ảnh biểu trưng cho bừng nở của đạo.
Tự đắc nhất triêu phong giải đống
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài
Dịch nghĩa:
Một sớm gió đông thổi tan băng giá
Trăm hoa như cũ reo trước gió xuân
(Nhập trần)
Hoa xuân cùng gió xuân là sự tương tác trong mối quan hệ nhân quả, hòa hợp. Bài thơ về nhập trần nhưng là thoát tục, bởi con người đi vào cõi bụi trần với một tư thế tự do không câu chấp, hình ảnh của sớm gió đông thổi tan băng giá là hình ảnh của con người đạt đạo. Gió xuân biểu trưng của sự thanh tẩy những vọng niệm tâm tục của con người để đạt đến sự giải thoát, đạt ngộ như trăm hoa nở trong gió xuân.
Gió tuy có thể cảm được nhưng không thể thâu tóm một cách cụ thể, hữu hình nhưng lại vô hình như “gió cành thông lòng sông trăng sáng” (Tầm hưởng, Minh Trí). Gió được Trần Tung ví với tâm hư rỗng, có mà không trong Vạn sự quy như: “Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng” (Tâm như gió mát, tính như cỏ bồng). Sự vô hình và hữu hình, tính chất khó nắm bắt cụ thể của gió được thể hiện yếu tố siêu thoát của tâm thiền. Đối với sự miêu tả về cảnh sắc, gió xuân không nắm bắt được bằng thị giác song có thể thẩm nhận bằng xúc giác, tâm cảm.
Gió xuân mang đến sự đổi thay cho cảnh sắc, gắn với những giá trị biểu trưng trong những trạng huống cụ thể. Sự vô hình và tính động cũng như sức tạo sinh mà gió xuân đem lại gắn với các yếu tố thiên nhiên khác đã tạo nên sự đổi thay cho cảnh sắc và lòng thiền. Gió xuân được cảm nhận qua sự đổi thay, giao hòa vô hình của muôn vật trong khí dương đang thịnh bởi một tâm thiền thanh tịnh, cảm nghiệm được nét vi diệu trong tương giao của vạn vật.
3. Thanh âm mùa xuân
Mùa xuân trong thơ thiền không chỉ được hiện hữu bằng cảnh sắc hữu tình với hoa xuân, gió xuân mà bằng cả thanh âm mùa xuân – sự bừng ngộ chân như. Dưới góc nhìn của thơ thiền, âm thanh tiếng sấm rền vang, tiếng chim kêu, tiếng chuông chùa giữa khung cảnh mùa xuân mang những ý niệm khác biệt, nhuốm đầy tâm ý về đạo.
Âm thanh được xem như một phương pháp bừng ngộ chân như khi Thiền Tông phủ nhận việc chấp nê vào ngôn ngữ, coi đó như là thứ giả tướng cản trở người tu hành tri kiến được Phật tính trong mình. Một trong những phương pháp của thiền là dùng âm thanh để đạt ngộ cho đệ tử. “Lâm Tế xuất thế, chỉ dùng phương pháp đánh gậy và quát tháo để dạy học trò” (Niêm tụng kệ). Một âm thanh vang vọng, đột ngột có tác dụng thức tỉnh người tu học tâm còn u minh, chưa tỏ chân tính.
Tiếng chuông là một dạng âm thanh quan trọng, biểu trưng cho sự thức tỉnh tâm mê. Nhà chùa dùng âm thanh tiếng chuông nhắc nhở con người về sự vô thường của cuộc đời và việc cần trấn chỉnh tu hàn. Khiến con người thế gian chạy theo danh lợi bừng tỉnh, kêu gọi mọi người mau thoát khỏi bể khổ mênh mông. Tiếng chuông chùa có khả năng làm bừng vỡ, thức tỉnh tâm hồn những điều tốt đẹp, xua đuổi điều xấu: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời ngừng nghỉ, chúng sinh chịu hình phạt được tạm thời an vui” (Kinh Tăng Nhất A Hàm). Tiếng chuông mang ý nghĩa của sự an vui, tốt lành, nên được dùng để ví tiếng sấm mùa xuân báo hiệu sức sống cho muôn vật.
Thượng đế liên sầm tịch
Thái thanh thì nhất chung
Dịch nghĩa:
Thượng đế thường hiu quạnh
Thỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc
(Động Thiên hồ thượng)
Âm thanh trong tu thiền có giá trị thức tỉnh tâm hành giả, giải thoát tâm khỏi thể xác hư rỗng, giả tướng, nhìn thấy chân như bất diệt. Không Lộ thiền sư với “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Ngôn hoài) làm rung động cả không gian cô tịch. Đó là tiếng thét cho sự giải thoát bản thể khỏi xác thân, hòa nhập với vũ trụ không cùng. Chỉ với nhất thanh ấy đã xáo động cả thái hư vĩnh hằng, chứng tỏ bản lĩnh, tâm thế của người đạt đạo.
Tiếng sấm rền mùa xuân làm hạt giống nảy mầm cây. Âm thanh của tiếng sấm trong thiên nhiên xuân cũng như tiếng quát của thiền sư đối với đệ tử, có tác dụng khai ngộ tâm mê. Thức tỉnh của Phật tính vốn có trong mỗi người, cần có sự chấn động, dồn ép mới phát lộ. Triết lý của đạo về Phật tính và phương pháp ngộ đạo được hiển lộ qua sự trực diện của âm thanh vang vọng.
Cảnh xuân chìm trong trạng thái hư không, tĩnh mịch, lòng người dẹp bỏ thị phi, trút bày vào thiên nhiên. Lòng thiền an định, thiên nhiên u tịch. Tất cả không gian nội tâm và ngoại cảnh đều chìm trong trạng thái của sự tĩnh lặng, trầm lắng. Tiến trình tàn lụi của cảnh xuân đã hoàn thành. Một tiếng chim kêu “nhất thanh đề điểu” làm xáo động không gian tĩnh mịch, làm thức tỉnh tâm thiền tĩnh lặng, báo hiệu một chu trình mới của vũ trụ. Âm thanh mang giá trị thức tỉnh ấy đem đến cho người thiền một tâm thế an nhiên đón nhận quy luật vô thường tạo vật.
Âm thanh có một vai trò không nhỏ đối với việc tu thiền của người học đạo. Dưới những dạng thức khác nhau: âm thanh tiếng chuông, tiếng sấm mùa xuân, tiếng chim kêu, trong những trạng huống riêng đem đến sự thức cảm mang đậm ý vị thiền. Đó là sự giải thoát bừng ngộ của tâm thiền đạt đạo, báo hiệu cho niềm vui an lạc hay sự nhận thức quy luật tự nhiên, để người tu học đón nhận với tâm an định.
Mùa xuân dưới góc nhìn thơ thiền mang dư vị riêng, một tiếng sấm rền vang, một chồi non bừng nở ban sớm, một làn gió ấm áp thổi không chỉ tạo nên khung cảnh xuân đầy hương sắc như bao hình ảnh thơ thường thấy trong thi ca, mà còn dung chứa ý niệm thiền uyên áo. Cảnh sắc xuân dưới thanh nhãn và tâm thế của thi sĩ – thiền sư hiện lên nhuốm màu của đạo thiền, biểu đạt nhận thức về quy luật tự nhiên, sự vô thường của tạo hóa. Mùa xuân nhuốm màu thiền đạo góp phần làm phong phú thêm bức tranh xuân đa sắc trong thi ca Việt Nam.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Văn học, Thiền, Văn hóa Việt, Mùa xuân