Một ý tưởng về thiết chế liên bang cho Việt Nam

Cả nước có độ 8 đến 10 tiểu bang. Cách chia tiểu bang có thể tham khảo hành chính thời Minh Mạng, thời Pháp thuộc (1945-1954), tham khảo mô hình chia vùng từ thời TBT Lê Duẩn và tham khảo các cách chia quân khu…

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm cá nhân, mang tính chất tham khảo của blogger 5xu.

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho nước ta nghèo, yếu, sức cạnh tranh kém, tiềm lực vươn lên đuối, chính là vì nước ta có khác biệt vùng miền quá lớn. Khác biệt không chỉ ở tiếng địa phương, văn hóa vùng miền, tính cách con người, mà còn khác ở khí hậu, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng. Khác biệt cả ở các tập quán làm nông, làm sản xuất nhỏ, kinh doanh, sử dụng vốn. Một chính sách nhất quán cho cả nước, chắc chắn là không thể hiệu quả.

Chính sách công nghiệp hoặc dịch vụ công nghiệp, nếu hiệu quả ở Tp Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ thất bại ở Lào Cai. Chính sách khuyến khích nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản ở Miền Tây, đương nhiên là vô nghĩa ở Hà Giang. Trẻ em tp Hồ Chí Minh đã khác trẻ con Hà Nội. Trẻ thành phố khác hẳn trẻ nông thôn. Trẻ nông thôn thì không giống gì trẻ miền núi. Việc bắt hàng triệu đứa trẻ về cơ bản là khác xa nhau ấy, phải học bằng sách giống nhau từ lớp 1 đến lớp 12 là một điều không chỉ không khoa học mà còn hơi ác. Các chính sách thuế khóa cũng vậy. Thậm chí cả các chính sách liên quan đến lao động như hộ khẩu, lương cơ bản, bảo hiểm, giáo dục cơ sở, thậm chí an ninh cộng đồng, cũng không thể hiệu quả ở các vùng miền khác nhau nếu chỉ có một chính sách chung để áp dụng. Nên tôi nghĩ nước mình nên chăng đi theo mô hình liên bang.

Cả nước có độ 8 đến 10 tiểu bang. Cách chia tiểu bang có thể tham khảo hành chính thời Minh Mạng, thời Pháp thuộc (1945-1954), tham khảo mô hình chia vùng từ thời TBT Lê Duẩn và tham khảo các cách chia quân khu. Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh có thể là hai bang mà không cần gắn thêm với tỉnh khác. Các tiểu bang, tùy vào dân số và vai trò kinh tế chính trị, sẽ có một số lượng cán bộ chủ chốt được vào Trung Ương Đảng. Sẽ có một tỷ lệ phân chia thế nào đấy. Ví dụ Trung Ương Đảng có 125 Trung Ương Ủy Viên, thì mỗi tiểu bang có từ 6 đến 10 ông, tùy theo bang lớn nhỏ, và do các đảng viên địa phương bầu lên như là đại diện của họ. Các ông Trung Ương Ủy Viên vào TW Đảng sẽ hoạt động như các thượng nghị sỹ. Các ông ấy sẽ phải đấu tranh quyền lợi (chính sách) cho tiểu bang của mình. Thỏa hiệp với ông ở tiểu bang khác để ra chính sách chung cho Liên Bang. TW Đảng cũng sẽ bầu ra Bộ Chính Trị. Bộ Chính Trị sẽ quyết hết các vấn đề lớn của đất nước. Tất nhiên khi hoạt động kiểu thượng nghị viện thế này, chính nhân dân sẽ giám sát các debate chính sách của họp hội nghị TW.

Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sẽ tự động được luật hóa. Cực kỳ minh bạch. Động tác này, nói ngắn gọn, chính là thể chế hóa vai trò Đảng (cầm quyền) và luật hóa các nghị quyết TW. Trung ương Ủy viên cũng không chỉ đến từ các tiểu bang, mà còn đến từ Nội Các chính phủ, tức là các Bộ trưởng. Bộ Trưởng cũng đương nhiên là TW ủy viên. Bộ trưởng sẽ do Thủ tướng chọn và Bộ Chính Trị thông qua. Các bộ trưởng – thượng nghị sỹ aka TW ủy viên này được vào TW mà không cần lá phiếu của địa phương nên sau này địa phương không thể gây sức ép lên họ. Khác với các nghị sỹ đi lên từ tiểu bang, sức ép phải phục vụ lợi ích đia phương khiến cho họ không đầu hàng các nghị sỹ ngồi trong nội các. Tuy nhiên, bộ trưởng sẽ hoạt động chính trị chuyên nghiệp, đấu tranh cho bộ mình và thỏa hiệp với các bộ khác (chính là chính quyền Liên Bang). Còn chính sách của Bộ, khi được TWD hoặc BCT thông qua, sẽ không do Bộ trưởng triển khai mà Thứ trưởng sẽ toàn quyền triển khai. Thứ trưởng không phải là chính trị gia mà là một chuyên gia-công chức cao cấp. Các tiểu bang sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Ví dụ cạnh tranh thu hút đầu tư. Cạnh tranh về dịch vụ. Ví dụ có bang mạnh về giáo dục, sẽ hút sinh viên giỏi và giàu của cả nước. Hay có bang mạnh về y tế, sẽ chữa bệnh cho người có tiền chi trả của cả nước.

Căn bệnh thành tích địa phương kiểu tỉnh nào cũng phải có sân bay, có cảng, có khu chế xuất lớn, có trường đại học…, tự nhiên hết bệnh. Các tiểu bang, nếu có đề xuất tốt, các TW ủy viên chiến đấu tốt, sẽ xin được cơ chế đặc khu riêng cho mình. Ví dụ Tiểu Bang Miền Đông Nam Bộ sẽ xin cho Vũng Tàu thành đặc khu, chuyên làm dịch vụ tài chính và casino. Hay Đồ Sơn làm đặc khu giải trí hehehe. Các tiểu bang, do đặc thù địa lý kinh tế riêng, sẽ sản xuất được các sản phẩm mà họ giỏi nhất. Dẫn đến “ngoại thương” xảy ra giữa các tiểu bang, kích thích phát triển mạnh mẽ. Chính sách thuế má, từ đó cũng nên khác biệt. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ thực sự phải lao động, cạnh tranh từ tiểu bang đến liên bang, qua đó tích lũy vốn tư bản, vốn công nghệ, vốn lao động và vốn tên tuổi; thay vì chỉ tích lũy vốn quan hệ và cơ hội rít nhanh vơ vội không thèm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ như hiện nay. Chỉ khi thành phần kinh tế tư nhân mạnh và hiệu quả, có chiều sâu vốn, công nghệ, quản trị, thì nền kinh tế của đất nước mới có tiềm năng phát triển được.

Suốt từ năm 86 đến giờ, kinh tế tư nhân giàu thì giàu thật, nhưng toàn giàu từ cơ hội mua đi bán lại, không đất đai chứng khoán thì cũng mua đi bán lại hết điện thoại lại đến nồi cơm điện mà chả sản xuất ra nổi một cái gì, dù là cái ấm đun nước. Chính quyền liên bang sẽ dùng tiền ngân sách chính phủ để làm hạ tầng lớn hoặc dịch vụ công: đường cao tốc liên bang, xuyên việt, tàu cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, mua tàu ngầm, máy bay chiến đấu, chống ma túy, chống buôn phụ nữ…

Người đứng đầu chính phủ liên bang sẽ là Thủ tướng. Thủ tướng có ghế trong thượng viện (TWĐ) và BCT. .. Về cơ bản, chính phủ sẽ “bé” lại rất nhiều, nhưng chuyên sâu hơn. Như Bộ Giáo Dục, không còn phải ngồi làm sách giáo khoa cho cả nước, mà chỉ đơn giản là làm chuyên môn, đặt ra các tiêu chuẩn đào tạo, đi kiểm định chất lượng đào tạo ở các tiểu bang, cầm ngân sách chính phủ đi xây trường công ở những bang cần hỗ trơ. Chính quyền địa phương làm đường nội bang, các công trình cỡ nhỏ phục vụ tiểu bang. Bộ Chính Trị và TWĐ sẽ bổ nhiệm nhân sự cho hệ thống tư pháp và Ngân hàng quốc gia. Hệ thống tư pháp sẽ có hai cấp chính, tòa án tiểu bang và tòa tối cao. Việc bổ nhiệm này cứ 4 năm làm một lần, nhưng lệch 3 năm so với bầu cử vào TWĐảng. Ví dụ Trung Ương Đảng bầu (từ các tiểu bang lên) năm 0 thì đến năm 3 sẽ bổ nhiệm. Quốc hội như hiện nay, vốn chỉ là hình thức, không hiệu quả, sẽ chuyển thành Hạ viện, hạ nghị sỹ đến từ các tiểu bang, nhiệm kỳ chỉ hai năm một lần.

Theo 5XU BLOG

Tags: