Một số suy nghĩ mới về Hội nghị Genève năm 1954

Mặc dù các nhà nghiên đã tốn không ít giấy mực viết về Hội nghị Genève, nhưng cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau và một số vấn đề cần làm rõ.

Một số suy nghĩ mới về Hội nghị Genève năm 1954

Tác giả: GS. TS. Vũ Dương Huân (Học viện Ngoại giao)

Đây là tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Kỷ niệm 65 năm chiến dịch Điện Biên Phủ “từ trận chiến tầm quốc tế” đến cơ sở cho sự hòa giải và phát triển bền vững”, do Trường ĐHKHXHNV (ĐHQGHN), Học viện Ngoại giao, Cục Văn thư và Lưu trữ, Đại sứ quán Pháp và Đại học Moontpellier, Pháp tổ chức, Hà Nội, ngày 2-3/5/2019.

Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương đã diễn ra cách đây đúng 65 năm. Đây là Hội nghị quốc tế đa biên lớn mà Việt Nam tham dự. Tham gia Hội nghị có 9 đoàn đại biểu, trong đó có 5 cường quốc thế giới. Hội nghị đã diễn ra từ 8/5/1954-21/7/1954, trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp hẹp cấp Trưởng đoàn. Hội nghị chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn I: 8/5-19/6/1954; Giai đoạn II: 20/6 – 9/7/1954; Giai đoạn III: 10/7-21/7/1954. Đặc biệt, Hội nghị khai mạc đúng vào ngày hôm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Hội nghị đã ra tuyên bố chung và 3 hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước Việt Nam, Lào và Cămpuchia, chính thức kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân các nước Đông Dương (1946-1954). Có được kết quả như trên chính là nhờ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đòn quyết định là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hội nghị đã để lại nhiều bài học đắt giá cho ngoại giao Việt Nam.

Mặc dù các nhà nghiên đã tốn không ít giấy mực viết về hội nghị, nhưng cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau và một số vấn đề cần làm rõ như: tham gia Hội nghị là một sai lầm? Chúng ta có bị động khi quyết định tham gia Hội nghị, và tại sao Việt Nam không đàm phán trực tiếp với Pháp như đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

1. Các đánh giá khác nhau về kết quả Hội nghị

Có những đánh giá khác nhau về kết quả Hội nghị. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ biết có hai loại ý kiến:

a) Loại đánh giá thứ nhất

Hội nghị Giơ-ne-vơ là một thắng lợi to lớn, phán ánh đúng so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị, trên thế giới va không có hạn chế. Đây là nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ở nước tha thời gian trước đây. Ví dụ: Đại cương lịch sử Việt Nam đánh giá “Giải pháp Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương là sự phản ánh tương quan lực lượng đối sánh của các bên tham chiến trên chiến trường ở Đông Dương và lực lượng các nước lớn trên trường quốc tế…Vì hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ nên Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến kéo dài trong 9 năm, đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện, nhất là mặt quân sự”.[1] Báo cáo chính trị tại Đại hội III của Đảng ta họp tháng 9/1960 đã viết: “Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước ta là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ”.[2] Nói chuyện với Hội nghị Ngoại giao lần thứ 3 (14/1/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Sau kháng chiến đến Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, lúc đó ngoại giao của ta thành quốc tế rồi. Ta đã có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác giúp đỡ. Lúc đó, trong nước ta thắng, nên ngoài nước cũng thắng, nó ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng có cái khó là ở chỗ Mỹ muốn nhẩy vào thay thế Pháp và muốn ta nhận vĩ tuyến 17. Tình hình lức đó chỉ có hòa hay đánh. Nếu ta không chịu hòa, thì sẽ phải đánh. Ta tranh đấu mãi từ vĩ tuyến 15, đến vĩ ruyến 16, rồi đến 17. Đến đây ta không nhượng nữa, nó phải chịu. Vì thế, nay ta có Miền Bắc được hoàn toàn giả phóng và đang xây dựng CNXH. Ít người biết đến điểm này. Hồi đó nếu ta không nhận hòa thì tức là mắc mưu Mỹ. Tất nhiên thắng lợi thu được là do mình có Điện Biên Phủ, ngoài ra lại có sự giúp đỡ của các nước anh em nữa”.[3]

b) Loại đánh giá thứ hai

Hội nghị Giơ-ne-vơ là thắng lợi to lớn của nhân dân ba nước Đông Dương, song bên cạnh thắng lợi có không ít hạn chế. Đây là đánh giá của rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Hội nghị Giơ-ne-vơ. Có thể kể cac bài viết cua các nhà nghiên cứu như Hà Văn Lâu, Nguyễn Quang Tạo, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Phúc Luân, Nguyễn Mạnh Hà…Ngoài ra, các công trình nghiên cứu lớn như Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945-2000 (2002), Bộ Ngoại giao: 70 năm xây dựng và phát triển (2015)…

Thắng lợi mà các nhà nghiên cứu chỉ ra là Pháp rút quân chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, chấm dứt chế độ thuộc địa ở Đông Dương, các nước công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước Đông Dương; Miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, làm căn cứ địa vững chắc cho giải phóng Miền Nam sau này, căn cử pháp lý cho đấu tranh tại Hội nghị Paris, là thắng lợi to lớn của Nhân dân 3 nước Đông Dương và cổ vũ cho phong trào đấu tranh của nhân dân Á, Phi Mỹ Latin…

Bên cạnh thắng lợi còn có nhiều hạn chế như: vĩ tuyến phân vùng ở Việt Nam không thể là vĩ tuyến 17 mà có thể lùi về phía Nam; thời hạn tổng tuyển cử là 2 năm và không bao giờ diễn ra; đại biểu kháng chiến Lào và Cămpuchia không được tham dự Hội nghị và kháng chiến Cămpuchia không có vùng tập kết; thời gian chuyển quân ở Việt Nam quá dài đến 300 ngày gần như theo yêu cầu của Pháp… Tuy nhiên, có những công trình chỉ khẳng định là Hội nghị có những hạn chế, song không nêu hạn chế là những vấn đề nào. Ví dụ “Ngoại giao Việt Nam 1945-2000” viết: “Đối với Việt Nam kết quả cũng như một số mặt hạn chế của Hiệp định Giơ-ne-vơ…phần nào đã phản ánh chiều hướng chính trị thế giới và tương quan lực lượng giữa các phe sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”.[4]

Một vấn đề khác là có đánh giá khác nhau giữa các nhà nghiên cứu về Hiệp định Giơ-ne-vơ có phản ánh đúng tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường không? Xung quanh vấn đề này có hai ý kiến khác nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Quang Tạo, Nguyễn Phúc Luân, Đại tá TS Nguyễn Mạnh Hà… đều khẳng định kết quả hội nghị phản ánh đúng tương quan lực lượng trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán. Đại tá TS Nguyễn Mạnh Hà viết: “kết quả mà Đoàn ta đạt được ở Giơ-ne-vơ cũng đã phản ánh tương quan lực lượng quân sự tại chiến trường Đông Dương lúc đó. Ngoài ra, phải tính đến tương quan lực lượng trên bàn Hội nghị và xu thế quốc tế lúc đó”.[5]

Tháng 10 năm 1998, Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy TW, dựa trên những thành tựu nghiên cứu mới, tư liệu mới đã đưa ra đánh giá như sau: “Hội nghị Giơ-ne-vơ chỉ là một bước tạm ngưng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để ta củng cố thắng lợi đã giành được chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ta ký Hiệp định Giơ-ne-vơ như vậy là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp như thế là phù hợp, phán ánh đúng so sánh lực lượng ta – địch trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó. Ví lúc này về phía địch, thực dân Pháp tuy thất bại lớn nhưng còn lực lượng và còn đằng sau Pháp là đế quốc Mỹ đang có mưu đồ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Còn ta lúc đó thắng to nhưng cũng có khó khăn mới, chưa đủ điều kiện để tiếp tục chiến tranh giải phóng cả nước. Trên trường quốc tế, các nước anh em trong đó có Liên Xô, Trung Quốc đều muốn có hòa bình để xây dựng đất nước và đều muốn cuộc chiến tranh ở Đông Dương đi tới một giải pháp”.[6]

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Hiệp định không phản ánh đúng tương quan lực lượng trên chiến trương. Đại tá Hà Văn Lâu, nguyên thành viên Đoàn đàm phán của chúng ta tại Hội nghị cho rằng “hiệp định không phán ánh đầy đủ xu thế thắng lợi của ta trên chiến trường và xu thế của cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và Pháp”.[7] Minh chứng cho đánh giá này là ở chỗ sau Điện Biên Phủ, ở Đông Dương Pháp thiệt hại lớn, mất gần ¼ quân số, đã ở thế phòng ngự, không có khả năng tiến công, nguy cơ bị tiêu diệt là thực tế. Điều lo lắng nhất của Pháp lúc đó là làm sao đảm bảo lực lượng còn lại tránh bị tiêu diệt. Thế của địch là thế thua, bị động về chiến lược và chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong khi khả năng tăng viện là không có. Tướng Navarre được Chính phủ Pháp cho quyền quyết định rút khỏi Hà Nội để “tránh Hà Nội là một Điện Biên Phủ thứ hai”. CIA cũng cho rằng “tình hình quân sự, chính trị của Pháp ở Đông Dương là tồi tệ” và Sách số 9 về quan hệ Mỹ – Việt Nam đánh giá: “Nếu đà đó không bị ngăn chặn thì nó sẽ đưa đến sự sụp đổ của Pháp vào nửa sau của năm 1954”.[8] Nhận định của đại tá Hà Văn Lâu là chính xác bởi tương quan lực lượng trên chiến trường giữa ta và Pháp là xấp xỉ, song sau Điện Biên Phủ, chúng ta có lợi lớn về thế. “Thế là tổng thể các hoàn cảnh, điều kiện mà lực lượng mỗi bên tham chiến dựa vào để phát huy sức mạnh trong chiến tranh (tác chiến). Những yếu tố cơ bản của thế là: điểm đứng, trận địa; vị trí chiến trường (địa bàn tác chiến), bố trí lực lượng, tình hình quân sự, chính trị, kinh tế, dân cư, địa hình và khí tượng thủy văn ở địa bàn tác chiến; diễn biến tác chiến và chiến tranh chung; tình hình chính trị trong nước, trong khu vực và quốc tế. Thế lợi thì lực nhỏ trở thành mạnh, thế không lợi thì lực lớn trở thành yếu. Nghệ thuật quân sự Việt Nam coi thế là nhân tố quan trọng, thế lợi kết hợp với lực tất tạo được sức mạnh lớn để đánh bại kẻ thù”.[9]

c) Loại đánh giá thứ ba

Trên cơ sở nghiên cứu những tư liệu mới, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ của chúng ta là sai lầm. Đây là ý kiến mới, chưa xuất hiện công khai. Kết luận đó được trình bày tại hội thảo khoa học nội bộ của Bộ Ngoại giao diễn ra vào 27/7/2004. Tại hội thảo khoa học đó nhà nghiên cứu Lưu Đoàn Huynh khẳng định việc ký kết Hiệp nghị Gionevơ năm 1954 là sai lầm nghiêm trọng, sau Điện Biên Phủ nhẽ ra cần đánh tiếp thì có thể giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước sớm hơn, không phải kéo dài đến 21 năm. Hiệp định để lại hệ quả to lớn nghiêm trọng, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thiệt hại về người và của rất lớn vì thời gian dài và kẻ thù lớn mạnh gấp bội so với thực dân Pháp…[10]

Nhiều ý kiến cho rằng sau Điện Biên Phủ, chúng ta không có khả năng đánh tiếp do tương quan lực lượng giữa ta và địch. Khi đó, quân Pháp còn 330.000, còn chủ lực của ta chỉ có 290.000, chưa kể số tổn thất trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ… Tuy ta thắng lớn, tinh thần quyết chiến quyết thắng đang dâng cao, nhưng do dốc toàn lực vào trận Điện Biên Phủ nên sức bộ đội ta phần nào mỏi mệt, vũ khí trang bị cần bổ sung, đặc biệt là số thương vong của bộ đội không phải là nhỏ.[11]

Tương quan lực lượng trên chiến trường hoàn toàn đúng, song phải thấy chúng ta thắng ở thế. Sau Điện Biên Phủ thế của Việt Nam như chẻ tre, quân Pháp vỡ từng mảng lớn. Chính vì vậy, mà tại cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp với Chu Ân Lai ở Liễu Châu, Nam Ninh, Trung Quốc (3-5/7/1954), Hồ Chí Minh đánh giá về triển vọng tình hình Việt Nam như sau: “Nếu như bây giờ chúng ta tiếp tục chiến tranh thì vẫn có thể được nhưng cũng phải đến 3 năm nữa thì chúng ta mới giải phóng được hoàn toàn Miền Nam, nếu không có sự can thiệp của Mỹ. Nhưng sự can thiệp của Mỹ là rõ ràng. Tôi nghĩ như vậy là giải pháp quân sự là không mong muốn và chúng ta phải thương lượng. Và nếu thương lượng thì gặp phải những ý kiến này, ý kiến kia”.[12]

Như vậy, sau Điện Biên Phủ, tuy tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Pháp trên chiến trường chưa có lợi cho ta, song chúng ta có được cái thế. Mặt khác, khác với Pháp hậu cần của chúng ta là tại chỗ và chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, huy động mọi nguồn lực cho chiến tranh, mặc dù có khó khăn song vẫn có thể thực hiện được. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới cho rằng chúng ta có thể đánh tiếp để giải phóng hoàn toàn đất nước, với điều kiện là không có sự can thiệp của Mỹ. Mỹ có can thiệp khi ta tiếp tục cuộc chiến để giải phóng đất nước?

Nhà nghiên cứu Lưu Đoàn Huynh khẳng định: vào thời điểm năm 1954, Mỹ không có khả năng và không có ý định can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Có những lý do như sau:

– Vừa mới kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, Mỹ chết và bị thương khoảng 180.000 người. Nếu ngay sau đó lại đưa quân đi đánh nhau ở châu Á nữa thì nhân dân Mỹ sẽ kiên quyết phản đối. Cho nên, Tổng thống Eisenhower đưa ra Học thuyết “đôminô” được nhắc đi, nhắc lại, là nhằm thăm dò dư luận Mỹ, nhưng không được dư luận Mỹ hưởng ứng;

– Nếu Mỹ can thiệp trực tiếp bằng quân sự thì coi chừng chạm trán với Trung Quốc. Đó là điều Mỹ không muốn;

– Đảng Cộng hoà đã đề ra chính sách quốc phòng mới, gọi là “new look”. Nội dung “New look” là chỉ dùng không quân và hải quân thôi, không dùng bộ binh trong khi đối phó với kẻ thù. Lúc đó, trong Quốc hội Mỹ, một số nghị sĩ đang dự thảo luật cấm Tổng thống đưa quân chiến đấu ra nước ngoài, nếu không được Quốc hội duyệt. Truman ngày xưa đã lạm dụng quyền của tổng thống mà không được Quốc hội cho phép khi tham chiến ở Triều Tiên. Tổng thống Eisenhower phải cử Ngoại trưởng Dulles gặp các thượng nghị sĩ chủ chốt của hai đảng để vận động. Đa số các thượng nghị sỹ được hỏi ý kiến đều nói rằng, chúng tôi hiểu tình hình nghiêm trọng lắm. Nhưng nếu mang lục quân đi thì chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi chỉ đồng ý là dùng hải quân, không quân và phải có kế hoạch hành động thống nhất với các đồng minh.[13]

Ngay cả trong Bộ Tổng tham mưu cũng chống việc gửi quân ra nước ngoài tham chiến. Tướng Richxuyê là người chống mạnh nhất và lôi kéo những người khác chống. Richxuyê nói là đã dại quá khi mang lục quân vào châu Á rồi, nay không dại nữa. Mấy lần bỏ phiếu thử ở Thượng nghị viện đều thất bại. Vì vậy, ngày 8/6/1954, mới xuất hiện bài của nhà báo S. Rôbớt, nói về cái ngày mà nước Mỹ không gây chiến tranh, tức là lấy thông tin của tháng Tư và tập hợp lại viết nên bài báo đó. Những điều đó cho ta thấy 80% là Mỹ không có khả năng can thiệp. Mà nếu can thiệp, Mỹ cũng sẽ rất lúng túng, nhất là nếu vào Miền Bắc Việt Nam thì Mỹ sẽ rất gay go.

Nhà nghiên cứu Phan Doãn Nam cũng cho rằng năm 1954, Mỹ không có ý định can thiệp quân sự vào Đông Dương khi ông viết: sau chiến tranh Triều Tiên Mỹ cũng rất ớn phải đụng đầu với Trung Quốc. Mỹ nói là thề sẽ không bao giời sa lầy vào cuộc chiến tranh trên lục địa châu Á. Hơn nữa Mỹ muốn Pháp tiếp tục chiến tranh và chủ trương nếu có can thiệp thì can thiệp tập thể khi lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO). Nhưng Anh, Pháp kiên quyết phản đối lập SEATO trước Hội nghị Giơ-ne-vơ vì lo sẽ phá Hội nghị và Mỹ sẽ đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, có thể khẳng định: không có cơ sở để nói rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Đông Dương năm 1954.[14]

Như vậy, sau Điện Biên Phủ, chúng ta không đánh tiếp và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ là bỏ lỡ thời cơ giải phóng hoàn toàn đất nước. Tất nhiên, chính quyền Mỹ có thể thay đổi chính sách. Việc điều chỉnh chính sách phải cần có thời gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ sẽ không kịp điều chỉnh chính sách khi ta giải phóng cả nước.

Việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ bản thân Trung Quốc cũng thừa nhận là một sai lầm. Theo Nguyễn Quang Tạo, tháng 11/1968, cố vấn Lê Đức Thọ gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị, Trần Nghị cho rằng việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lúc đó là sai lầm. Vì nó mà nhân dân miền Nam bị chết nhiều. Sau đó một tháng thì Đoàn Bí thư Trung ương Cục miền Nam do Nguyễn Văn Linh dẫn đầu thăm Trung Quốc, có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp Đoàn. Trong buổi gặp, thì chính Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng thừa nhận việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ là sai lầm. Khi chúng ta hỏi tại sao Trung Quốc lại đồng ý mở Hội nghị và Trung Quốc cũng tham gia ký Hiệp định, thì Chu Ân Lai trả lời là Liên Xô muốn như vậy.[15] Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng cho rằng việc ký hiệp định Giơ-ne-vơ là không đúng. Lý Đơn Tuệ, Giáo sư kiêm chức Đại học Bắc Kinh có viết hai bài nghiên cứu: “Mấy vấn đề về quan hệ Việt – Trung những năm 1950-1970”, bình luận sơ lược về “Văn kiện Lê Duẩn bàn về quan hệ Việt – Trung”; và bài “Chiến tranh Đông Dương và địa vị ngoại giao của Trung Quốc trong màn kịch hai tam giác”. Hai bài đều có chung cách phân tích, cuối cùng đi đến việc Mao Trạch Đông sau này đã tự phê bình, thừa nhận Trung Quốc đã phạm sai lầm về vấn đề chiến tranh Đông Dương, coi Hiệp định Giơ-ne-vơ là một thất bại.[16]

Đấy là những kết luận được các nhà nghiên cứu rút ra sau này. Rất tiếc, thời điểm khi chuẩn bị tham gia Hội nghị, chúng ta đã không nắm được. Lý do chúng ta không nắm được tình hình nước Mỹ, tình hình thế giới nói chung có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan:

– Trước hết, nhiệm vụ trung tâm, tối quan trọng của cả nước chính là mặt trận quân sự. Chúng ta phải tập trung sức người, sức của cho cho mặt trận này.

– Chúng ta chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến công tác ngoại giao. Bộ Ngoại giao lúc đó có số lượng cán bộ rất hạn chế, biên chế của Bộ chỉ có vài chục người. Phòng Nghiên cứu (Phòng 3) theo dõi các nước, khu vực, thông tin, báo chí với hơn chục cán bộ.[17] Bộ trưởng Ngoại giao không có trong cơ cấu Trung ương, nói gì đến Bộ Chính trị. Ngoài ra, cơ sở vật chất cho công tác đối ngoại, trong đó cho công tác nghiên cứu và thông tin rất hạn chế.

– Cán bộ ngoại giao nói chung, cán bộ nghiên cứu nói riêng đều chưa được đào tạo và cũng không có kinh nghiệm và nhạy cảm chính trị.

– Cơ quan đại diện quốc gia ở nước ngoài là tai mắt cho đất nước, có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong nghiên cứu các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta chỉ mới có Đại sứ quán tại Bắc Kinh (1951) Matxcơva (1952), và cuối năm 1953, đầu năm 1954, chúng ta mở thêm 3 Biện sự sứ (Tổng Lãnh sự quán) ở Côn Minh, Nam Ninh và Quảng Châu, Trung Quốc. Biên chế của các cơ quan đại diện cũng rất hạn chế và cán bộ cũng chưa được đào tạo, chưa có kinh nghiệm nghiên cứu.[18]

Nguyên nhân chủ quan: Theo tôi, đây là nguyên nhân chính.

– Trước hết là nguyên nhân nhận thức. Chúng ta chưa thực sự coi trọng công tác nghiên cứu nói riêng và công tác ngoại giao nói chung. Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh chỉ tổ chức Phòng Bí thư và Phòng Tuyên truyền, không có Phòng Nghiên cứu. Trong nghiên cứu chủ yếu chỉ là điểm tin. Còn Đại sứ quán tại Matxcơva có phòng nghiên cứu song rất yếu. Năm 1948, chúng ta có cử ra ngoài 12 cán bộ trẻ cao cấp, nhưng không giao cho họ làm công tác nghiên cứu để đánh giá tình hình thế giới. Khi tổ chức Đoàn tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, ở Bộ Ngoại giao cũng không tổ chức Nhóm nghiên cứu hỗ trợ cho Đoàn đàm phán. Mặc dù, ở Bắc Kinh, chúng ta cũng lập Nhóm công tác. Nhóm cũng đã chuẩn bị một số tài liệu phục vụ đàm phán, song quả thật là không thể gọi là nghiên cứu được.

– Nguyên nhân khác là chúng ta quá tin tưởng ở Liên Xô, Trung Quốc và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chúng ta nghĩ là có thể hoàn toàn dựa vào Liên Xô, Trung Quốc cả về công tác ngoại giao cũng như nghiên cứu ngoại giao. Chính vì cả tin nên Đoàn đàm phán của chúng tại tại Hội nghị Giơ-ne-vơ không có cơ yếu, không có máy đánh mật mã mà hoàn toàn nhờ đoàn Trung Quốc. Tất các điện đi, điện đến của Đoàn đều phải nhờ Trung Quốc. Không có cơ yếu làm sao giữ được bí mật? Thậm chí, chúng ta còn sử dụng phiên dịch chính là anh Văn Trang, người Trung Quốc.

Chúng ta không có nghiên cứu nên không nắm được Mỹ không thể can thiệp vào chiến tranh Đông Dương sau Điên Biên Phủ. Quyết định ký Hiệp định Giơ-ne-vơ của chúng ta còn có nhân tố tác động từ chính phía Trung Quốc. Trung Quốc luôn thổi phồng khả năng can thiệp cua Mỹ để hù họa chúng ta. Mục tiêu chính của Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ chính là phải ký được Hiệp định và chia cắt Việt Nam, nhằm đẩy Mỹ ra xa và có khu đệm an ninh ở phía Nam Trung Quốc, Chu Ân Lai đã nhiều lần lưu ý Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng về khả năng Mỹ can thiệp vào Chiến tranh Đông Dương nếu không ký được Hiệp định. Do không nghiên cứu, không nắm được tình hình thế giới, tình hình Mỹ, thực chất chính sách của Trung Quốc và Liên Xô đối với Việt Nam, nên Việt Nam buộc phải nghe theo Trung Quốc. Mặt khác, chúng ta đều nghe theo Trung Quốc vì tình thần quốc tế vô sản, và Trung Quốc, Liên Xô đang là hai nước viện trợ chính cho cuộc kháng chiến của chúng ta.

Ngoài việc dùng sự can thiệp của Mỹ làm con ngoáo ộp để hù dọa Việt Nam, Trung Quốc còn sử dụng con bài đe dọa ngừng viện trợ. “Tại cuộc họp trù bị giữa ba Trưởng đoàn Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tại Matxcơva vào tháng 4/1954, Chu Ân Lai công khai tuyên bố: nếu Việt Nam tiếp tục chiến tranh thì Trung Quốc không có khả năng giúp đỡ và viện trợ như trước được nữa”, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Hà Văn Lâu nhớ lại.[19] Thực ra, Trung Quốc tuyên bố như vậy chỉ để ép Việt Nam phải ký Hiệp định, nếu Mỹ mà đưa quân vào đến sông Hồng, Trung Quốc lợi dụng đưa quân sang ngay, vì đây là khu vực an ninh của Trung Quốc. Ngay khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mới bắt đầu, năm 1965, Trung Quốc đã tìm cách đưa quân vào Miền Bắc nước ta rồi.

2. Chúng ta có bị động khi tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ không?

Trước khi diễn ra Hội nghị Giơ-ne-vơ, đã có thời gian khá dài để chúng ta nghiên cứu và chuẩn bị tham gia Hội nghị. Liên Xô, Trung Quốc là hai thành viên chính chi phối hội nghị. Quan điểm của họ liên quan đến giải pháp thực sự đã hé lộ khá rõ từ rất sớm.

Tháng 10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật tham dự Đại hội 19 Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhân dịp này, Stalin gợi ý: nếu tình hình chiến sự có lợi cho Việt Nam thì có thể cân nhắc khả năng đàm phán với Pháp. Sau khi Stalin qua đời (3/1953), Ban lãnh đạo mới của Liên Xô do N. Khơrútxốp đứng đầu càng đẩy mạnh hơn chủ trương hòa hoãn với Phương Tây.[20] Tín hiệu thứ hai là tháng 12/1952, Hội đồng Hoà bình Thế giới họp ở Viên, Áo, thông qua một nghị quyết kêu gọi giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Malaixia. Nghị quyết của Hội đồng do Liên Xô và Trung Quốc thúc đẩy. Đoàn đại biểu của Việt Nam do ông Xuân Thủy dẫn đầu đã tham dự Hội nghị này. Như vậy là từ 1952, Liên Xô, Trung Quốc đã có ý đồ đàm phán giải quyết chiến tranh Đông Dương rồi.

Ngày 27/7/1953, Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký kết. Ngay ngày hôm sau, Trung Quốc ra bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo. Trong xã luận nói rằng, nên có một cuộc hội nghị để giải quyết vấn đề Đông Dương trên cơ sở như đã giải quyết vấn đề Triều Tiên, tức là chia cắt Việt Nam. Tiếp đó, tờ báo Krasnaia Zvezđa (Sao Đỏ) của Liên Xô, ngày 3/8/1953, cũng nói gần gần như vậy.

Tại sao những hiện tượng ấy mình không biết để đề phòng, để khi xảy ra mình bị động? Về ngoại giao, nguời ta hay nói rằng, anh chỉ có thể đối phó với một vấn đề nào đấy nếu anh có chuẩn bị trước. Không chuẩn bị trước thì chỉ có chết!

Ta cũng không nghiên cứu quan hệ giữa Liên Xô và một số phong trào cách mạng đã bị tan tác vì bàn tay của Liên Xô. Ví dụ, cách mạng Iran từ 1944 đến 1946. Vì chính quyền Iran đút lót cho Liên Xô dầu hoả, Liên Xô rút quân và phong trào cách mạng ấy tan rã ngay, bị diệt hết. Một minh chứng khác là Phong trào cách mạng ở Hy Lạp sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đảng Cộng sản ở nước này là lực lượng xung kích, đã xây dựng được Mặt trận thống nhất mạnh như Việt Nam. Nhưng vì mù quáng tin tưởng Liên Xô và hy vọng Liên Xô sẽ vào để giải phóng Hy Lạp, họ không biết Liên Xô đã thoả thuận với Anh, coi Hy Lạp là khu vực ảnh hưởng của Anh. Cuối cùng, Đảng Cộng sản Hy Lạp bơ vơ, bị tước vũ khí, và cách mạng Hy Lạp bị đàn áp khốc liệt. Sau đó, tổ chức kháng chiến lại lại bị thất bại ngay. Một thực tế khác là trong quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ năm 1927 đến năm 1935, Liên Xô làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc thiệt hại như thế nào. Vì vậy, từ 1935, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện đường lối độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, không cho Liên Xô can thiệp và cuối cùng thắng lợi.

Những vấn đề như thế, nếu chúng ta nghiên cứu thì có thể biết và rút ra bài học cho mình. Họ muốn khống chế mình nên không bao giờ dạy mình nguyên tắc đó. Mình phải tự biết lấy. Từ tháng 1/1950, chúng ta đã lập cơ quan đại diện ở Bắc Kinh, rồi Đại sứ quán tại Matxcơva (4/1952), nhưng không tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề chiến tranh Triều Tiên. Cơ quan đại diện đã không nghiên cứu nghiêm túc, chỉ điểm tin thôi. Nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy cả Liên Xô và Trung Quốc đều lợi dụng Triều Tiên cho lợi ích của mình. Nước nào cũng coi lợi ích dân tộc là vĩnh viễn và trên hết. Triều Tiên lúc đầu tưởng bở, sau bị thiệt hại mới ngớ ra.

Trong giới nghiên cứu cho rằng, khi tình hình chưa rõ ràng, nếu anh nghiên cứu kỹ, thấy được một số tín hiệu nguy hiểm và anh có biện pháp, thì lúc đó dư địa tự do hành động của anh sẽ rất lớn. Khi mọi người đều biết, người ta đều có biện pháp cả rồi, thì anh rất khó hành động. Như trường hợp của chúng ta, tháng 4 năm 1954, họ mới mời ta tham dự thì chúng ta đã ở vào thế không cựa quậy được nữa. Chúng ta cũng có một số cử chỉ, việc làm rất cố gắng trong thế bị động, nhằm giành lại thế chủ động, nhưng đều thất bại. Sau bài xã luận Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 28/7/1953 về đình chiến tại Triều Tiên đến khi họp Hội nghị Giơ-ne-vơ cách nhau 10 tháng, nếu chúng ta thực sự coi trọng nghiên cứu chiến lược, có đường lối độc lập tự chủ, không ỷ lại, họp bàn, tìm cách đối phó, thì 10 tháng chúng ta sẽ tìm ra biết bao nhiêu kế sách. Tục ngữ có câu: “Nhất dạ sinh bách kế”. Chúng ta có 300 “dạ” mà không sinh ra được vài kế sao? Nhưng ở đây vì không ai đọc, không theo dõi, không hiểu, nên cuối cùng chúng ta bị rơi vào thế bị động và bị chi phối.

Vậy là do thiếu nghiên cứu chiến lược, nên 1954 chúng ta bị người ta lừa. Điều đó trước hết ta cần tự trách mình. Bây giờ nhìn lại nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ mới thấy hết tai họa mà nó gây ra là từ việc ta cả tin Liên Xô, Trung Quốc.

3. Tại sao Việt Nam không đàm phán trực tiếp với Pháp theo đề xuất của Hồ Chí Minh?

Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Expressen, Thụy Điển. Nội dung bài trả lời phỏng vấn có 4 ý lớn:

– Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc chiên tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cung;

– Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh…, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo đường lối hòa bình, thì nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam DCCH sẵn sàng tiếp nhận ý muốn đó;

– Cơ sở cho thương lượng là Pháp phải thật sự tôn trọng nền độc lập của Việt Nam;
Nếu nước trung lập nào muốn cố gắng xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng thương lương thì sẽ được hoan nghênh. Nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam DCCH và Chính phủ Pháp.[21]

– Từ trước đến nay, chúng ta thường nhấn mạnh 3 nội dung đầu mà ít để ý đến nội dung thứ tư. Như vậy, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ là thương lượng này là của hai bên Việt, Pháp, chứ không phải là việc của các nước lớn hay của nước nào khác.

Đây có phải là một tuyên bố như là một “đòn ngoại giao”, như sau đó Trung ương nhận định là đã làm cho Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Tâm ở miền Nam bị đổ, hay là một biện pháp “rào trước”? Thực sự đây là một sự tiên đoán chính xác của Hồ Chủ tịch? Chiến dịch Đông – Xuân giành thắng lợi, và Thủ tướng Pháp nhiều lần nêu ý kiến muốn thương lượng với Việt Nam. Ngay khi Pháp chuẩn bị kế hoạch Nava thì đã báo cho Nava biết là sẽ thương lượng với Việt Minh.

Ngày 20/10/1953, Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ thương lượng với Việt Minh. Quốc hội Pháp yêu cầu Chính phủ phải làm mọi việc để thương lượng và đạt được hoà bình với Việt Minh. Trong báo cáo của Uỷ ban An ninh Quốc gia Mỹ có nhận định là Pháp chuẩn bị kế hoạch Nava cũng chỉ nhằm mục đích là thương lượng với Việt Minh thôi, chứ không phải nhằm giành thắng lợi quân sự một cách áp đảo để tiêu diệt Việt Minh. Trong một áp lực lớn như thế thì không có một Chính phủ nào của Pháp lại không muốn thương lượng với Việt Minh cả. Đó là những nhận định của Mỹ.

Tại sao ý tưởng đàm phán trực tiếp với Pháp lại không được thực hiện? Trước hết, nguyên nhân khách quan là Liên Xô và các nước lớn tại Hội nghị Beclin (25/1-18/2/1954) thỏa thuận họp Hội nghị Giơ-ne-vơ giải quyết vấn đề Triều Triên và Đông Dương. Việt Nam lại là nước nhỏ, không thể ngăn cản quyết định của các cường quốc. Nguyên nhân thứ hai là Pháp thấy giải quyết chiến tranh Đông Dương trong khuôn khổ hội nghị các cường quốc có lợi cho Pháp hơn. Nguyên nhân tiếp theo, có lẽ là nguyên nhân chính: Chúng ta đã không nhận thức ra, chưa lường trước được hệ quả thỏa hiệp của các nước lớn đối với lợi ích của chúng ta. Ngoài ra, một nguyên nhân chính khác là chúng ta quá tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản, quá tin vào Liên Xô, Trung Quốc. Do quá tin vào Liên Xô, Trung Quốc mà ngoại giao Việt Nam thiếu năng động, sáng tạo trong việc thúc đẩy triển khai ý tưởng tuyệt vời của Hồ Chí Minh. Nếu ta sớm bàn với Liên Xô, rất có thể Liên Xô sẽ ủng hộ quan điểm của chúng ta, vì cũng phù hợp với quan điểm của Liên Xô là giải quyết chiến tranh Đông Dương bằng đàm phán. Sự khác nhau chỉ là đàm phán trong khuôn khổ các nước lớn hay khuôn khổ Việt-Pháp mà thôi. Chính Stalin cũng đã gợi ý Việt Nam nên đàm phán với Pháp là gì?

Tóm lại, qua nghiên cứu nhiều tư liệu mới, nên một số học giả đi đến những đánh giá mới về Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương trên ba vấn đề: Hiệp định là một sai lầm; Việt Nam hoàn toàn bị động tham gia Hội nghị mặc dù có không ít thời gian để chuẩn bị; và nguyên nhân việc chúng ta đã không triển khai ý tưởng của Hồ Chí Minh về đàm phán trực tiếp với Pháp. Người La Mã có câu: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời”. Chúng ta cần làm rõ những vấn đề của quá khứ nhằm tránh những trường hợp tương tự trong tương lai. Đây là ý kiến cá nhân, tác giả mong mạnh dạn được chia sẻ với các quý vị.

————————

Chú thích:

[1] Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 1998, tập 3, tr.126.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội 2002, tập 21, tr. 502.
[3] Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, Hà Nội,1994, tr.11.
[4] Bộ Ngoại giao (Nguyễn Đình Bin -chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. CTQG, Hà Nội 2002, tr.162.
[5] Hà Văn Lâu: Kết quả và tác động của Hội nghị Gienevơ năm 1954 đối với cách mạng Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Bộ Ngoại giao: Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại. Tái bản lần thứ nhất, Nxb. CTQG, Hà Nội 2016, tr.112.
[6] Hà Văn Lâu: Sđd, tr.112-113
[7] Đại tá TS Nguyễn Mạnh Hà: Mấy đánh giá về kết quả Hội nghị Giơnevơ: Bộ Ngoại giao: Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại, Sđd, tr.154.
[8] Tài liệu lưu tại Học viện Ngoại giao.
[9] Trung tâm Từ điển bách khoa Quân sự Bộ Quốc phòng: Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. QĐND, Hà Nội 1996, tr.746.
[10] Ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao: Sđd, tr.48-49.
[11] Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Sđd, tr.154.
[12] Trích theo Đào Huy Ngọc: Đánh giá kết quả Hội nghị Gơnevơ (Trích ghi âm lời Hồ Chí Minh tại Hội nghị Liễu Châu với Chu Ân Lai ngày 3-5/7/1954),Ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao: HTKH ngày 27/7/2004, tr. 31.
[13] Ban nghiên cứu Lịch sử ngoại giao: Sđd, tr.51-52.
[14] Ban nghiên cứu Lịch sử ngoại giao, Sđd, tr.18.
[15] Ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao, Sđd, tr.56.
[16] Học giả Trung Quốc và nước ngoài bình luận về Trung Quốc của thế kỷ XX – quan điểm mới và tài liệu mới: Nxb. Nhân dân Giang Tây, Trung Quốc, 5-2003.
[17] Bộ Ngoại giao (Vũ Khoan chủ biên): 70 năm xây dựng và phát triển, Nxb. CTQG, Hà Nội 2015, tr. 68.
[18] Bộ Ngoại giao: 70 năm xây dựng và phát triển, Sđd, tr.93.
[19] Ban nghiên cứu Lịch sử ngoại giao: Sđd, tr 23.
[20] Bộ Ngoại giao: 70 năm xây dựng và phát triển, Sđd, tr.95.
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội 2011, tập 8, tr. 340-341.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,