⠀
Một góc nhìn tâm lý học về sự lười biếng của con người
Chẳng có ai lại muốn mình trở thành kẻ bất tài, lãnh đạm hay vô dụng cả. Nếu bạn nhìn vào hành động (hoặc tính ù lì) của một người và chỉ thấy sự lười biếng, ấy là bạn đang lờ đi những điểm mấu chốt.
Tác giả: Devon Price
Nguồn: https://humanparts.medium.com/laziness-does-not-exist-3af27e312d01
Biên dịch: Huỳnh Gia Bảo.
Tôi là giáo sư tâm lý học từ năm 2012. Trong 6 năm qua, tôi đã thấy không biết bao sinh viên thuộc đủ mọi lứa tuổi trì hoãn bài luận văn, vắng mặt vào ngày thuyết trình, không làm bài tập và nộp bài trễ hạn. Tôi đã thấy nhiều cử nhân tương lai đầy triển vọng không đăng ký đúng hạn; tôi đã thấy nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ mất hàng tháng hay hàng năm trời để làm đi làm lại một bản thảo luận án; tôi đã từng có một sinh viên đăng ký cùng một lớp học của tôi hai kỳ liên tiếp, nhưng cả hai lần đều không có mặt.
Tôi nghĩ rằng lỗi không nằm ở sự lười biếng.
Không bao giờ.
Trên thực tế, tôi tin rằng sự lười biếng không tồn tại.
Tôi là một nhà tâm lý học xã hội, vì vậy tôi chủ yếu quan tâm đến các yếu tố tình huống và hoàn cảnh thúc đẩy hành vi của con người. Khi bạn muốn dự đoán hay lý giải hành động của một người, hãy nhìn vào các quy chuẩn xã hội và hoàn cảnh của người đó sẽ giúp đưa ra kết quả khá chính xác. Các ràng buộc tình huống thường giúp dự đoán được hành vi tốt hơn nhiều so với tính cách, trí thông minh hay những đặc điểm cá nhân khác của người đó.
Vì vậy, khi tôi thấy một sinh viên không hoàn thành bài tập, trễ deadline hay không đạt được kết quả trong những khía cạnh khác của cuộc sống của họ, tôi tự hỏi, “Các yếu tố hoàn cảnh nào đã cản trở sinh viên này? Những nhu cầu nào hiện vẫn chưa được đáp ứng?” Và khi nói đến “hành vi biếng nhác”, đặc biệt gợi ra cho tôi một câu hỏi, “Phải chăng tồn tại những rào cản mà tôi không thể nhìn thấy?”
Luôn có những rào cản. Nhận ra chúng và xem chúng là chính đáng sẽ là bước đầu tiên giúp ta phá bỏ những kiểu hành vi ‘lười biếng’.
Sẽ tốt hơn khi chúng ta đối xử với hành vi “kém cỏi” của một người bằng sự tò mò thay vì phán xét. Tôi đã học được điều này từ một người bạn của tôi, nhà văn và nhà hoạt động Kimberly Longhofer, tác giả của quyển sách Self-Published Kindling: The Memoirs of a Homeless Bookstore Owner với bút danh Mik Everett. Kim hoạt động rất sôi nổi trong phong trào chống kỳ thị và cung cấp chỗ ở cho người khuyết tật và người vô gia cư. Những bài viết của cô về cả hai chủ đề này là một trong những tác phẩm soi sáng nhất mà tôi từng đọc. Một phần là vì Kim rất thông minh, nhưng phần lớn là do nhiều thời điểm trong cuộc đời, Kim từng là người khuyết tật và vô gia cư.
Chính Kim là người đã dạy tôi rằng việc chỉ trích một người vô gia cư vì muốn mua rượu hoặc thuốc lá là hoàn toàn điên rồ. Khi bạn phải ở ngoài đường, ban đêm thì lạnh lẽo, thế giới bỏ quên bạn và tất cả mọi thứ thì khó chịu đến mức đau đớn. Cho dù bạn ngủ dưới chân cầu, trong lều hay ở nơi trú ẩn, thật khó để có một giấc ngủ ngon. Bạn có khả năng bị chấn thương hoặc mắc các bệnh mãn tính làm bạn khó chịu một cách dai dẳng nhưng lại chẳng nhận được sự chăm sóc y tế nào. Bạn có lẽ không có nhiều thực phẩm bổ dưỡng để ăn.
Trong hoàn cảnh khốn nạn đó, việc nốc một chai rượu hay hút vài điếu thuốc lại thành ra hợp lý vô cùng. Như Kim giải thích với tôi, nếu bạn phải nằm ngoài trời lạnh thì nhấp một chút rượu có thể là cách duy nhất giúp bạn sưởi ấm và ngủ ngon. Nếu bạn thiếu ăn, suy dinh dưỡng thì vài điếu thuốc có thể là thứ duy nhất xua đi cơn đói. Và nếu bạn còn đang chiến đấu với một cơn nghiện, thì đúng đấy, đôi khi bạn phải làm bất cứ điều gì để các triệu chứng biến mất, để bạn có thể sống sót.
Ít ai chưa từng nếm cảnh màn trời chiếu đất nghĩ được như vậy. Họ đặt những tiêu chuẩn đạo đức của mình vào các quyết định của người nghèo, có lẽ để tự an ủi về những bất công của cuộc đời này. Với nhiều người, thật dễ dàng để tin rằng người vô gia cư phần nào phải chịu trách nhiệm cho khổ đau của họ hơn là thừa nhận những yếu tố thuộc hoàn cảnh.
Và khi bạn không hiểu được hoàn cảnh của một người—tất cả những khó chịu nhỏ nhặt và những tổn thương lớn quyết định cuộc sống của họ, thật dễ dàng để áp đặt những kỳ vọng cứng nhắc và phi thực tế lên hành vi của người đó. Tất cả những người vô gia cư nên bỏ rượu và tìm việc mà làm đi. Đừng bận tâm đến chuyện hầu hết bọn họ đang mắc các chứng bệnh thể xác cùng triệu chứng về sức khỏe tâm thần, và luôn phải đấu tranh để được công nhận là con người. Đừng bận tâm rằng họ không thể có được một đêm ngon giấc hoặc một bữa ăn đàng hoàng trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Đừng bận tâm rằng ngay cả đối với người có cuộc sống thoải mái, dễ dàng như tôi, đôi lúc vẫn thèm một chút cồn hay mua sắm linh tinh. Bọn họ phải sống tốt hơn.
Nhưng họ đã làm hết sức rồi. Tôi biết những người vô gia cư làm việc toàn thời gian và hết lòng chăm sóc những người khác trong cộng đồng. Là một kẻ không nhà có sung sướng gì. Và khi một người vô gia cư hay người nghèo bị dồn đến bước đường cùng và đưa ra một “quyết định tồi tệ”, thì luôn có một lý do chính đáng cho việc đó.
Nếu bạn không thể hiểu nổi hành vi của một người, đó là vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ. Đơn giản thế thôi. Tôi rất biết ơn Kim và những bài viết của cô đã giúp tôi nhận ra sự thật này. Không có lớp tâm lý học nào đã dạy tôi điều đó. Nhưng bây giờ, qua một lăng kính mới, tôi đã có thể hiểu rõ tường tận những hành vi thường bị chúng ta cho là dấu hiệu của sự suy đồi đạo đức. Và tôi vẫn chưa tìm thấy bất kỳ hành vi nào mà mình không thể lý giải hay đồng cảm.
Chúng ta hãy nhìn vào một dấu hiệu của “sự lười biếng” là bất cứ điều gì ngoại trừ: sự trì hoãn.
Mọi người hay khiển trách những kẻ trì hoãn. Dưới con mắt chưa có nhiều kinh nghiệm thì trì hoãn công việc trông có vẻ lười biếng. Ngay cả những người thường xuyên trì hoãn cũng có thể nhầm lẫn hành vi của họ với sự lười biếng. Bạn đáng lẽ phải làm việc gì đó, nhưng bạn lại không làm—đó là suy đồi đạo đức, phải không? Tức bạn là một kẻ bạc nhược, thiếu động lực và lười biếng, phải không?
Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu tâm lý giải thích sự trì hoãn như một vấn đề về chức năng, chứ không phải hệ quả của sự lười biếng. Khi một người không thể bắt đầu một dự án mà họ quan tâm, thì thường là do a) lo lắng về những nỗ lực của mình không “đủ tốt”, hoặc b) bối rối không biết phải bắt đầu từ đâu. Không phải do lười biếng. Trên thực tế, sự trì hoãn thường xảy ra khi công việc đó có ý nghĩa và cá nhân người ấy lo không biết có đảm đương tốt được hay không.
Khi bạn tê liệt vì sợ thất bại, hoặc bạn thậm chí không biết cách bắt đầu một công việc lớn và phức tạp, thì thật là khó để hoàn thành công việc đó. Điều này không liên quan gì đến ham muốn, động lực hay các giá trị đạo đức cả. Những người hay trì hoãn có thể sẽ bắt bản thân làm việc trong nhiều giờ. Họ có thể ngồi trước một trang giấy trắng, không làm gì khác ngoài tự hành hạ mình, hết lần này đến lần khác đổ lỗi cho bản thân—Những việc đó sẽ chẳng thể khiến cho việc bắt đầu trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, ước muốn được hoàn thành công việc có thể làm họ thêm stress, khiến việc bắt tay vào công việc còn khó khăn hơn.
Thay vào đó, giải pháp là tìm ra những vướng mắc trong tâm lý của người hay trì hoãn. Nếu nỗi lo lắng là một rào cản lớn, người trì hoãn thực sự cần phải rời xa khỏi máy tính/sách/ tài liệu và thư giãn đầu óc. Việc bị người khác gắn mác “lười biếng” có thể dẫn đến chính hành vi ngược lại.
Tuy nhiên, thông thường, vướng mắc mà những người trì hoãn hay gặp phải đó là thách thức về chức năng điều hành—họ phải vật lộn để phân chia một trách nhiệm lớn thành một loạt nhiệm vụ rời rạc, cụ thể và có thứ tự. Dưới đây là một ví dụ về chức năng điều hành trong hành động. Tôi đã hoàn thành luận án của mình, từ đề xuất ý tưởng đến thu thập dữ liệu và cuối cùng là bảo vệ luận án, trong hơn một năm. Tôi đã có thể viết luận văn của mình khá dễ dàng và nhanh chóng vì tôi biết rằng mình phải:
1) thu thập những nghiên cứu về chủ đề;
2) phác thảo dàn ý;
3) lên lịch những ngày cần viết;
và 4) xem xét, sửa đổi, lược bỏ để được thành quả cuối cùng.
Không ai dạy tôi cách phân chia thứ tự công việc như thế cả. Và cũng chẳng ai ép tôi tuân thủ lịch trình của mình. Việc thực hiện các nhiệm vụ như thế này phù hợp với cách thức hoạt động của bộ não phân tích, hơi tự kỷ và siêu tập trung của tôi. Hầu hết mọi người không có được ân huệ đó. Họ cần đến một cấu trúc bên ngoài để giúp họ tiếp tục viết—ví dụ, thường xuyên tham gia buổi viết theo nhóm với bạn bè và thời hạn do người khác đặt ra. Khi phải đối mặt với một thử thách lớn, hầu hết mọi người đều muốn có lời khuyên về cách phân chia thành các nhiệm vụ nhỏ hơn và các mốc thời gian hoàn thành. Để theo dõi tiến độ, phần lớn mọi người đều sẽ phải cần các công cụ tổ chức, chẳng hạn như danh sách việc cần làm, lịch, sổ ghi chép hoặc giáo trình. Sẽ chẳng phải là sự lười biếng khi một người cần sử dụng những thứ trên để có thể hoàn thành được công việc. Chỉ đơn giản là họ có nhu cầu. Chúng ta càng hiểu được điều đó, chúng ta càng có thể giúp mọi người phát triển tốt hơn.
Tôi đã từng có một sinh viên thường xuyên nghỉ học. Đôi khi tôi thấy em ấy nấn ná trước cửa lớp, ngay trước khi tiết học sắp bắt đầu, trông có vẻ mệt mỏi. Nhưng khi vào tiết, em ấy lại không xuất hiện. Những khi cô ấy có mặt trong lớp, em trông rất rụt rè. Em ấy ngồi ở cuối lớp, lúc nào cũng nhìn xuống, không nói chuyện với ai. Em ấy cũng có đóng góp trong các bài tập nhóm, nhưng chẳng bao giờ phát biểu trong các bài thảo luận chung của lớp.
Rất nhiều đồng nghiệp của tôi nhìn vào sinh viên này và nghĩ rằng em lười biếng, vô tổ chức hoặc thờ ơ. Tôi biết điều này bởi vì tôi đã nghe cái cách mà họ nói về những sinh viên học kém. Lời nói và giọng điệu của họ thường sẽ có sự phẫn nộ và chỉ trích, “Tại sao sinh viên này lại xem môn của tôi chả ra gì vậy? Tại sao họ lại không làm tôi cảm thấy quan trọng, thú vị, thông minh?”
Nhưng trong môn học của tôi có một bài nói về kỳ thị bệnh tâm thần. Đó là một niềm đam mê của tôi, bởi vì tôi là một nhà tâm lý học thần kinh. Tôi biết lĩnh vực này không hề công bằng với những người như tôi. Cả lớp và tôi đã thảo luận về những chỉ trích phi lý của mọi người đối với người mắc bệnh tâm lý. Những khi trầm cảm bị cho là lười biếng, người có tâm trạng thay đổi đột ngột bị quy cho cái tội thao túng, và những người mắc bệnh tâm thần “nghiêm trọng” bị coi là vô dụng hoặc nguy hiểm.
Em sinh viên yên-lặng-hay-nghỉ-học cũng đã lắng nghe buổi thảo luận một cách cực kỳ chăm chú và thích thú. Sau giờ học, khi mọi người ra về hết, em ấy nán lại và muốn được nói chuyện với tôi. Em ấy tiết lộ rằng mình đang mắc một chứng bệnh tâm lý và đang tích cực điều trị bệnh. Em ấy bận rộn với các liệu pháp chữa trị và đống thuốc men, cùng với đó là những tác dụng phụ đi cùng. Đôi khi, em ấy không thể rời khỏi nhà hoặc ngồi yên trong lớp. Em ấy không dám nói với các giáo sư khác lý do tại sao mình hay nghỉ học và đôi khi trễ hạn bài tập. Họ sẽ nghĩ rằng em ấy đang dùng căn bệnh của mình như một cái cớ. Nhưng em ấy tin tưởng tôi sẽ hiểu.
Và tôi đã hiểu. Nhưng tôi cũng rất tức giận vì em đã khiến tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với triệu chứng bệnh của em. Em ấy phải đi học toàn thời gian, có một công việc bán thời gian và đang chiến đấu với một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng. Và hôm nay em đã biết mình muốn gì và bày tỏ tâm tư với tôi. Em sinh viên này quá dữ dằn rồi, không phải là một kẻ lười biếng. Tôi đã nói với em ấy như vậy.
Em ấy đã học thêm nhiều lớp của tôi sau đó. Dần dần em đã có thể hòa nhập hơn. Vào năm ba và năm tư, em trở thành một người đóng góp tích cực cho lớp, thậm chí còn quyết định nói chuyện cởi mở với bạn bè về căn bệnh của mình. Trong các cuộc thảo luận trên lớp, em đã thách thức tôi và đặt những câu hỏi vô cùng xuất sắc. Em cũng đã chia sẻ rất nhiều những ví dụ thực tế về các hiện tượng tâm lý với chúng tôi. Khi em ấy cảm thấy không ổn, em sẽ nói với tôi, và tôi để em nghỉ học. Các giáo sư khác, bao gồm cả những người trong khoa tâm lý học, vẫn chỉ trích em, nhưng trong một môi trường mà những rào cản tâm lý của em được nhìn nhận và hiểu rõ, em đã phát triển mạnh mẽ.
Những năm qua, tôi đã gặp vô số sinh viên ở trường bị đánh giá thấp do những chướng ngại trong cuộc sống của họ đã không được nhìn nhận đúng đắn. Có một cậu sinh viên mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường xuyên đến lớp muộn, do những ép buộc của tâm trí đôi lúc khiến cậu bị mắc kẹt mãi ở một việc. Có một cô gái vừa thoát khỏi một mối quan hệ ngược đãi, vẫn phải đang điều trị chấn thương tâm lý mỗi tuần. Thậm chí còn có một sinh viên nữ đã bị bạn cùng lớp tấn công tình dục, và vẫn phải ngày ngày ngồi chung lớp với hắn ta, trong lúc trường đang điều tra vụ án.
Những sinh viên này đều sẵn lòng đến với tôi để chia sẻ những vướng mắc trong lòng. Bởi vì tôi đã thảo luận về các căn bệnh tâm thần, những chấn thương tâm lý và sự kỳ thị trong những lớp của mình, họ biết tôi sẽ thấu hiểu. Cùng với một vài sự thích ứng, họ đã đạt nhiều kết quả tốt trong học tập. Những sinh viên này đã có được sự tự tin và nỗ lực nâng cao điểm số, tìm kiếm cơ hội thực tập và chuẩn bị tốt nghiệp. Tôi luôn ngưỡng mộ bọn trẻ. Khi tôi còn là sinh viên đại học, tôi chẳng thể tự nhận thức được đến thế. Tôi thậm chí đã không thể làm được điều tương tự như bọn nhỏ là tìm kiếm sự giúp đỡ.
Các sinh viên với những rào cản không phải lúc nào cũng được các giáo sư tâm lý, đồng nghiệp của tôi, đối xử tử tế như vậy đâu. Một giáo sư nổi tiếng vì nhất quyết không cho làm kiểm tra bù và không cho phép đến muộn. Bất kể tình huống gì, những yêu cầu của cô ta luôn cứng nhắc. Theo cô, không có rào cản nào là không thể vượt qua, không có giới hạn nào được chấp nhận. Các sinh viên luôn cảm thấy ngột ngạt trong lớp học của cô. Họ xấu hổ về quá khứ bị tấn công tình dục, về chứng lo âu hay trầm cảm của mình. Khi một sinh viên học kém trong lớp của cô nhưng lại thể hiện rất tốt trong lớp của tôi, cô đã nghi ngờ.
Tôi cảm thấy ở đây có một sự mâu thuẫn về mặt đạo đức rằng bất kỳ nhà giáo dục nào cũng đều rất khắc nghiệt với những thế hệ tương lai. Điều đặc biệt đáng sợ là người mang thái độ thù địch với các sinh viên lại là một nhà tâm lý học. Sự bất công và thiếu hiểu biết này luôn khiến tôi phải rơi nước mắt mỗi khi thảo luận về nó. Đó là một thái độ phổ biến trong giới làm giáo dục, nhưng không sinh viên nào đáng phải chịu nó.
Tất nhiên, tôi biết rằng các nhà giáo dục không được đào tạo để thấy được những rào cản tâm lý vô hình của sinh viên. Một số trường đại học tự hào về việc từ chối tiếp nhận những sinh viên khuyết tật hoặc mắc bệnh tâm lý, họ đã nhầm lẫn sự độc ác với sự nghiêm khắc về trí tuệ mất rồi. Và, vì hầu hết các giáo sư là những người có con đường học tập suôn sẻ, nên họ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận những góc nhìn của sinh viên đang vật lộn với trầm cảm, quá tải cảm giác, tiền sử tự làm hại bản thân, nghiện ngập hoặc rối loạn ăn uống. Tôi có thể nhìn thấy các yếu tố bên ngoài dẫn đến những vấn đề này. Cũng như tôi biết rằng hành vi “lười biếng” không phải là một sự lựa chọn chủ động. Tôi biết rằng những thái độ chỉ trích hay tỏ ra thượng đẳng thường do thiếu hiểu biết về hoàn cảnh của người khác.
Và đó là lý do tại sao tôi viết bài này. Tôi hy vọng có thể đánh thức các nhà giáo dục đồng nghiệp của mình-ở mọi cấp độ- trước thực tế rằng nếu một sinh viên đang gặp khó khăn, có lẽ cậu ấy đã không chọn như thế. Cậu ấy có lẽ cũng muốn làm tốt hơn và vẫn đang cố gắng. Rộng hơn, tôi muốn tất cả mọi người hãy mở lòng mình tìm hiểu và đồng cảm hơn với những cá nhân bị cho là “lười biếng” hay vô trách nhiệm.
Nếu một người không thể nhấc mình ra khỏi giường, hẳn phải có cái gì đó đang làm họ kiệt sức. Nếu một sinh viên không viết bài luận, hẳn là bài tập có một vài khía cạnh khiến họ không thể làm được nếu thiếu trợ giúp. Nếu một nhân viên liên tục trễ deadlines, hẳn phải có điều gì đó khiến cho việc tổ chức và hoàn thành công việc đúng kỳ hạn trở nên khó khăn. Ngay cả khi một người đang có hành vi tự hủy hoại bản thân thì luôn có nguyên nhân cho việc đó—những nỗi sợ mà họ đang cố vượt qua, một số nhu cầu chưa được thỏa mãn, thiếu tự trọng. Con người không ai chọn sự thất bại hay thất vọng cả. Chẳng có ai lại muốn mình trở thành kẻ bất tài, lãnh đạm hay vô dụng cả. Nếu bạn nhìn vào hành động (hoặc tính ù lì) của một người và chỉ thấy sự lười biếng, ấy là bạn đang lờ đi những điểm mấu chốt. Luôn luôn có một cách giải thích và những rào cản. Chỉ vì bạn không thể nhìn ra hoặc không thừa nhận chúng là chính đáng thì đâu có nghĩa là chúng không tồn tại. Hãy nhìn cho kỹ. Có lẽ không phải lúc nào bạn cũng nhìn nhận về hành vi con người theo lối này. Không sao đâu. Giờ thì bạn đang làm. Hãy thử một lần xem sao.
Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM
Tags: Tâm lý học