Một cái nhìn về quyền lực của Hun Sen ở Campuchia

Có một số lý do giải thích cho việc tại sao tiểu sử quan trọng của Hun Sen lại chưa xuất hiện trước đây, bên cạnh việc một bài viết “thẳng thắn và không sợ hãi” có thể khiến tác giả khó có thể được quay trở lại Campuchia.

Một cái nhìn về quyền lực của Hun Sen ở Campuchia

Tác giả: Milton Osborne, nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy. Đây là bài điểm cuốn Hun Sen’s Cambodia của tác giả Sebastian Strangio, New Haven and London: Yale University Press, 2014.

Nguồn: Milton Osborne, “Hun Sen’s Cambodia: Review,” Contemporary Southeast Asia Vol. 37, No. 1 (2015), pp. 134-36.

Biên dịch: Phạm Văn Chính | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng.

Có một thực tế đáng chú ý là trước khi cuốn sách xuất sắc của Sebastian Strangio được xuất bản năm 2014, chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào về Hun Sen, cựu chiến binh Khmer Đỏ, chính trị gia đáng chú ý nhất của Campuchia và là người giữ chức thủ tướng lâu nhất trên thế giới. Tôi đưa ra nhận định này sau khi đã biết rõ về cuốn Strongman: The extraordinary life of Hun Sen [Lãnh đạo chuyên quyền: Cuộc đời đặc biệt của Hun Sen] (2013) của hai tác giả H.C và J.B. Metha, một cuốn sách dù hữu ích theo góc nhìn biên niên ký nhưng về cơ bản lại thần thánh hóa nhân vật.

Có một số lý do giải thích cho việc tại sao tiểu sử quan trọng của Hun Sen lại chưa xuất hiện trước đây, bên cạnh việc một bài viết “thẳng thắn và không sợ hãi” có thể khiến tác giả khó có thể được quay trở lại Campuchia.

Thứ nhất, theo nhận định của tôi, là những khó khăn mà các nhà bình luận phương Tây về nền chính trị Campuchia đương đại đang phải đối mặt trong việc dung hòa sự nghiệp thành công đáng kể của Hun Sen – ít nhất là đến bây giờ – với những phương tiện mà Hun Sen đã sử dụng để đạt được sự thành công đó. Rõ ràng Hun Sen là một nhà lãnh đạo chuyên chế, người cai trị một chế độ chứa đầy sự dung túng (cho sai trái) và tham nhũng, và cũng là người đã đàn áp các đối thủ chính trị của mình một cách tàn bạo. Tóm lại, với nhiều nhà quan sát, Hun Sen không phải là một đề tài thu hút để mô tả. Sức quyến rũ hạn chế của Hun Sen xảy ra với các nhà quan sát ở cả phương Tây lẫn châu Á, khi Lý Quang Diệu thậm chí còn nhận xét Hun Sen cùng đồng sự của ông trong Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là “hết sức vô tình và tàn nhẫn, không có chút xúc cảm nhân tính nào” (utterly merciless and ruthless, without humane feelings).

Ngược lại với sự thiếu thu hút này là khả năng duy trì quyền lực của Hun Sen. Một trong những điểm mạnh trong phân tích của Strangio là ông sẵn lòng công nhận những kỹ năng chính trị của Hun Sen trong khi vẫn phê phán những mục tiêu mà các kỹ năng này được nhắm đến. Ông cũng ghi nhận thành công của Hun Sen với vai trò là một nhà chính trị dân túy theo phong cách truyền thống của Campuchia khi ông hành động với một phong thái tương đối giống nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia là Norodom Sihanouk (tr. 97-98 và 105). Những gì có thể là những bài diễn thuyết dài và tẻ nhạt đối với những nhà quan sát phương Tây lại có thể thú vị đối với những cử tọa của ông, và cho đến tận gần đây, việc phân bổ tiền đầu tư vào vùng nông thôn đã bù đắp lại sự giận dữ của những người chống đối CPP ở các đô thị vì thái độ dễ dãi của nó đối với việc “cướp đất” (land grabbing, tức giải tỏa, thu hồi đất với mức đền bù rẻ mạt – NBT) ở các vùng nông thôn cũng như thủ đô.

Xuyên suốt cuộc thảo luận được chú thích cẩn thận của mình, Sebastian Strangio đã chọn từ “ảo vọng” (“mirage”) để dựng lên khung sườn cho việc tìm hiểu điều đã xảy ra trong suốt thời kỳ Hun Sen giữ chức thủ tướng, và tại sao. Đối với cộng đồng phương Tây vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Campuchia, tác giả lập luận rằng “ảo vọng” về thành tựu đã được thay cho thực tế. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong những sự kiện diễn ra sau cuộc bầu cử được Liên Hợp Quốc giám sát năm 1993. Bất chấp nhiều lợi thế trước bầu cử, CPP nhận được ít phiếu hơn và giành được ít ghế hơn trong Quốc hội so với Đảng bảo hoàng FUNCINPEC. Đối mặt với tình hình này, Hun Sen và bè phái của ông chỉ đơn giản là từ chối chuyển giao quyền lực, đề nghị và cuối cùng cũng đạt được một dàn xếp buộc FUNCINPEC phải chia sẻ quyền lực và công nhận sự tồn tại đáng chú ý của một chính quyền hai thủ tướng. Thế nhưng cộng đồng quốc tế lại hoan nghênh bước phát triển này, điều đã đổ vỡ thành những sự kiện đẫm máu vào năm 1997, khi cuộc “đảo chính” của CPP chống lại phe bảo hoàng đã gióng hồi chuông báo tử cho FUNCINPEC.

Strangio trình bày một cách thuyết phục rằng những gì là sự thật khi đó và sau đó trong nền chính trị Campuchia vẫn tiếp tục đúng trong hầu hết các phương diện khác của xã hội Campuchia đương đại. Như tiêu đề của Chương 5 đã chỉ ra, nền lãnh đạo của Hun Sen là một ví dụ của nền dân chủ giả hiệu. Về kinh tế, Hun Sen và bè phái CPP đã nhiều lần đảm bảo với các nhà tài trợ nước ngoài rằng họ đã sẵn sàng cải cách, và sau đó lờ chúng đi khi đã nhận được những khoản viện trợ. Nhưng phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ vì biết rõ Trung Quốc sẽ sẵn sàng bước vào bất cứ lỗ hổng kinh tế nào của Campuchia do việc cắt giảm viện trợ gây ra. Những tay chân được bảo hộ (của Hun Sen) được hưởng lợi từ việc thiếu vắng hệ thống giám sát của công chúng đối với các doanh nghiệp, chẳng hạn như Sokimex, công ty đã được nhượng quyền béo bở trong việc điều hành Công viên Khảo cổ Angkor, trong khi một nhóm nòng cốt gồm các ông trùm người Campuchia và người Campuchia gốc Hoa đã phất lên cùng với Hun Sen.

Các tổ chức phi chính phủ cũng sẵn sàng chấp nhận ảo vọng mà theo Strangio là đang bao trùm Campuchia của Hun Sen. Ông đã trích những lời cảm nhận của Virak Ou, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Campuchia, “Hun Sen đang nói với những nhà tài trợ … đừng nêu lên vấn đề dân chủ…. Các nhà tài trợ cứ nghĩ ra các chiến lược nhằm thay đổi chính phủ từ bên trong…. CPP thông minh hơn nhiều. Nhưng thực ra anh cũng không cần quá thông minh mới chơi xỏ được những nhà tài trợ, bởi vì họ không thực sự quan tâm đến kết quả” (tr. 227).

Vai trò trọng tâm của khái niệm “ảo vọng” trong phân tích của Strangio thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ đối với Tòa án xét xử Khmer Đỏ (ECCC). Những cuộc tranh luận đã nổ ra quanh việc là liệu trong hình thức hạn chế hiện tại thì ECCC có thể giữ một vai trò đáng kể hay không, nhưng lại không có chỗ để tranh luận về việc nó tồn tại trong hình thức hiện nay là vì Hun Sen đã xác định rằng không nên tìm mọi cách truy tố tất cả những người phạm các tội ác chống lại nhân loại dưới chế độ Khmer Đỏ. Trong chương mười hai, “UNTAC Redux” (“Nói lại về Cơ quan chuyển tiếp Liên Hiệp Quốc tại Campuchia”), Strangio đã liệt kê chi tiết những câu chuyện đáng tiếc của ECCC và nhiều thất bại của nó.

Việc liệu sự nắm giữ quyền lực của Hun Sen ở Campuchia có bị nới lỏng đáng kể do kết quả bầu cử năm 2013 hay không – với kết quả là Đảng Cứu quốc Campuchia của Sam Rainsy giành được số ghế ngoài mong đợi – là vấn đề của tương lai. Hiện tại, cuốn sách của Strangio sẽ vẫn có tầm quan trọng căn bản trong nhiều năm tới trong vai trò một tường thuật chi tiết và sâu sắc về đất nước Campuchia của Hun Sen.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: ,