⠀
Mối duyên nợ giữa Hồ Chí Minh và nước Pháp
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều giai đoạn gắn bó với nước Pháp, tham gia vào nhiều sự kiện trực tiếp liên quan đến quyền cai trị thực dân của người Pháp ở Việt Nam. Nhiều “vết thương” của nước Pháp ở Việt Nam gắn liền với cái tên Hồ Chí Minh. Điều thú vị và cũng là trớ trêu cho những kẻ cai trị thực dân là chính văn hóa Pháp và cuộc Cách mạng Pháp 1789 đã cung cấp, bồi đắp thêm vốn văn hóa và kinh nghiệm cách mạng cho Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh này.
Những hình ảnh và ấn tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lần đầu biết đến nước Pháp, người Pháp không phải là những điều tốt đẹp. Lại phải thấy rằng những lý tưởng cao đẹp được Người ngưỡng mộ và mong muốn tìm hiểu cũng đến từ nước Pháp.
Tháng 10/1929, Nguyễn Ái Quốc nhận án tử hình vắng mặt của tòa án Vinh (quê hương mình) vì tội chống lại ách cai trị thực dân ở Việt Nam. Sau đó gần 17 năm, từ đầu tháng 6/1946 đến ngày 18/9/1946, Hồ Chí Minh thăm nước Pháp trong chuyến đi dài gần 4 tháng (có lẽ dài nhất trong các cuộc thăm ngoại giao của các nguyên thủ) với tư cách thượng khách.
Hiện thực hóa những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Pháp
Là một người dân mất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trải nghiệm những nỗi đau do ách cai trị thực dân gây ra cho dân tộc Việt Nam. Là một chiến sĩ cách mạng quốc tế giàu kinh nghiệm thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc cũng đã chứng kiến và đồng cảm nỗi đau này với nhiều dân tộc khác đang bị áp bức trên thế giới. Chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa tàn bạo như một vết nhơ trong lịch sử và văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh đã mang hết tinh thần và sức lực đấu tranh và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh để xoá đi vết nhơ đó.
Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu sâu sắc Cách mạng Pháp 1789 và đã có mối thiện cảm sâu sắc với những tư tưởng tiến bộ cao đẹp mà cuộc cách mạng này khởi xướng khi đập tan chế độ phong kiến, mở đường phát triển cho một xã hội tương lai. Từ năm 1905, Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc rất sớm với những câu: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, “Đoàn kết là sức mạnh”, “Với 100.000 cánh tay của nhân dân có thể lật đổ tất cả”, “Nhân dân là sức mạnh không ai chế ngự nổi” v.v. Sau này Người kể lại: “Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy” (1). Nguyễn Tất Thành đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là sang tận nơi “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (2).
Khát vọng giải phóng con người, giải phóng xã hội trong Tinh thần cộng hòa của cuộc Cách mạng Pháp 1789 đã được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển khi lãnh đạo tiến hành cuộc cách mạng của dân tộc mình giải phóng xã hội và con người Việt Nam khỏi tình trạng thuộc địa – phong kiến. Tinh thần của cuộc Đại cách mạng Pháp còn một lần nữa hiện rõ trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh ngày 2-9-1945. Nhiều người cho rằng tiêu ngữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc được Hồ Chí Minh đặt dưới dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong các văn bản chính thức sau ngày 2/9/1945 là sản phẩm kế thừa tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn. Có thể điều đó đúng song cũng phải thấy rằng Tôn Trung Sơn cũng là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789.
Tìm mọi cách giữ cho mối quan hệ Việt – Pháp “không có tiếng súng”
Trong thời gian là thượng khách trên đất Pháp, Hồ Chí Minh đã có gần 60 cuộc tiếp xúc với giới báo chí, tiếp xúc với 10 Bộ trưởng trong chính phủ Pháp, 14 tướng lĩnh và đô đốc, gặp gỡ Thủ tướng Pháp Bidault… Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie, Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!. Đó là thông điệp Người thay mặt nhân dân Việt Nam gửi tới nhân dân Pháp và những người cầm quyền Pháp khi đó. Nhưng ở Đông Dương, D’Argenlieu và Valluy tranh thủ tình hình để biến những hành động xâm lược Đông Dương thành “việc đã rồi”. Họ đã lái chính sách của Chính phủ Pháp từ đàm phán sang sử dụng sức mạnh quân sự bằng cách đổ lỗi cho phía Việt Nam gây ra chiến tranh.
Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của Nước Việt Nam mới đã sớm đưa ra chủ trương và chỉ đạo việc tiếp xúc với những người đại diện của Chính phủ Pháp để tìm giải pháp duy trì mối quan hệ Việt – Pháp, tạo sự thân thiện với Nước Pháp mới sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Hà Nội đã có những cuộc tiếp xúc giữa Võ Nguyên Giáp và Jean Sainteny. Ở Sài Gòn có những cuộc tiếp xúc giữa Trần Văn Giàu và Jean Cedile. Hồ Chí Minh cũng đã có những cuộc tiếp xúc với những đại diện của Pháp ở Hà Nội khi đó như Leon Pignon, tướng Alessandri… Nhưng tất cả những điều đó không ngăn được bước chân của đội quân viễn chinh Pháp. Sau này sử gia Philippe Devillers nhận xét: “Nhà ái quốc lớn Hồ Chí Minh đã chủ động đưa bàn tay thân thiện cho nhà ái quốc lớn De Gaulle nhưng tiếc rằng De Gaulle đã bỏ lỡ cơ hội nắm lấy bàn tay đó”. Hệ quả tai hại của điều đó là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai mà Pháp đã sa lầy trong đó 9 năm với nhiều tổn thất.
Trong những ngày cuối năm 1946 nóng bỏng không khí chiến tranh, Chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo vẫn kiên trì tìm mọi cách vãn hồi hòa bình, tìm mọi cách tránh cuộc chiến Pháp – Việt nếu có thể được. Ngày 7/12/1946, trả lời phỏng vấn phóng viên Bernard Dranber (báo Paris – Sài Gòn), Hồ Chí Minh nói: “… Đồng bào tôi và tôi thành thật muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách…” (3).
Khi nhân dân Việt Nam buộc phải Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Chúng tôi, Chính phủ và dân chúng Việt Nam nhất định đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn quốc, nhưng sẵn sàng hợp tác thân thiện với dân chúng Pháp”; “Chúng tôi yêu chuộng các bạn và muốn thành thực với các bạn trong khối liên hiệp Pháp vì chúng ta có chung một lý tưởng: tự do – bình đẳng – độc lập” (4).
Luôn vun đắp mối quan hệ thân thiện Việt – Pháp
Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến chống lại mọi âm mưu và hành động áp đặt ách áp bức của thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hoá của nhân dân Pháp. Điều này còn được thấy rõ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này. Nhà nghiên cứu David Halberstam (Mỹ) viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà Cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hoá và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng” (5).
Trong khi cương quyết đấu tranh với chủ nghĩa thực dân Pháp, xóa bỏ ách cai trị thuộc địa ở Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn luôn trân trọng những giá trị văn hóa Pháp. Trong các diễn từ của mình, khi đề cập đến mối quan hệ Việt Pháp, Người không bao giờ bỏ lỡ dịp nhấn mạnh ý nghĩa và cố gắng xây dựng, phát triển mối quan hệ thân thiện và hợp tác giữa hai quốc gia, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp. Điều này đã định hướng cho quan hệ bang giao Việt – Pháp cũng như tinh thần thân thiện giữa nhân dân hai nước sau năm 1954. Vì những lẽ đó, Hồ Chí Minh đã nhận được sự kính trọng.
———————————-
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tập 1, tr 22
(2) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr 13
(3) Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 3, tr 387
(4) Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 535 – 536
(5) David Halberstam – Hồ – Random house, New york, 1970 – Dẫn lại từ cuốn Hồ Chí Minh – Nhà văn hoá kiệt xuất – Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr 123
Theo NGÔ VƯƠNG ANH / NHÂN DÂN ONLINE