Mata Hari – nữ gián điệp nóng bỏng nhất mọi thời đại

Lịch sử tình báo thế giới ghi nhận nhiều gián điệp xuất sắc là nữ giới, bởi họ có thể nắm được cảm xúc, nhu cầu của đối phương để lấy được thông tin mật.

Mờ sáng 15/10/1917, Mata Hari, một trong những gián điệp nổi tiếng nhất thế kỷ 20, bị đánh thức giữa buồng giam chật chội. Giờ tử của bà đã điểm.

Lính gác đưa cho Mata Hari bút, mực, giấy và phong bì. Bà được phép viết hai lá thư. Mata Hari vội vã ghi lại những dòng thư tay trước khi mang lại đôi tất màu đen, đi giày cao gót và khoác lên mình chiếc áo choàng nhung lót lông.

“Tôi đã sẵn sàng!”, bà nói.

Mata Hari được đưa khỏi buồng giam thuộc nhà tù Saint-Lazare tới một pháo đài cũ ở ngoại ô thủ đô Paris, Pháp. Đồng hồ lúc đó chỉ 5h30 sáng. Mata Hari đối mặt đội hành quyết gồm 12 sĩ quan với súng trường đang chờ bóp cò. Được trao miếng vải trắng để che mắt, Mata Hari từ chối.

“Tôi buộc phải đeo nó ư?”, bà hỏi.

Giai thoại kể rằng khi các sĩ quan giương vũ khí, Mata Hari, 41 tuổi, đã trao nụ hôn gió tới những người hành quyết mình. Rồi súng nổ.

Quyến rũ tuyệt đỉnh

Hơn 100 năm qua, Mata Hari đã được tôn sùng với vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, một diễn viên múa thoát y quyến rũ tuyệt đỉnh. Lịch sử còn biết đến bà với vai trò gián điệp hai mang cho cả Đức và Pháp trong Thế chiến I.

Mata Hari, tên thật là Margaretha Geertruida Zelle, sinh năm 1876 trong một gia đình giàu có tại Hà Lan. Lúc Margaretha còn là thiếu nữ, cha bà, một người bán mũ, phá sản và rời bỏ gia đình. Mẹ Margaretha cũng qua đời khi bà 15 tuổi. Margaretha được gửi đến sống cùng họ hàng.

Năm 18 tuổi, Margaretha gặp gỡ và kết hôn với Rudolph John MacLeod, sĩ quan quân đội Đông Ấn, thuộc địa cũ của Hà Lan. Nhưng đời sống hôn nhân của Margaretha không thuận. Bà bị chồng ngược đãi. Trong một bức thư, Margaretha viết rằng MacLeod, người lớn gấp đôi tuổi bà, “suýt giết chết tôi bằng con dao cắt bánh mỳ”.

Ly dị chồng và chuyển đến Paris làm lại cuộc đời, với vẻ đẹp trời phú, Margaretha quyết định trở thành một vũ công thoát y và nhanh chóng nổi tiếng khắp kinh đô ánh sáng với nghệ danh Mata Hari, trong tiếng Mã Lai nghĩa là “Con mắt của ban ngày”, tức Mặt Trời, nguồn gốc từ vùng Đông Ấn.

Người Paris bàn tán xôn xao về bà, mê đắm bà, phấn khích với những điệu múa mang đậm chất phương Đông. Mata xuất hiện trong dòng văn của nhà phê bình sân khấu nổi tiếng Edouard Lepage: “Cô ấy cao, thanh mảnh, uyển chuyển như một con rắn đang bị tiếng sáo thôi miên”.

Điệp viên hai mang

Nhưng thời gian trôi đi, thị hiếu của công chúng chuyển từ các điệu múa thoát y nóng bỏng, quyến rũ sang những điệu ballet Nga sang trọng, tinh tế.

Thế chiến I bùng nổ, Mata Hari đã ngoài 30 tuổi, bà không còn đủ sức lôi cuốn đám đông đến với mình, chỉ còn có thể cố duy trì cuộc sống nhờ những vũ điệu.

Năm 1914, Mata Hari lưu diễn ở Berlin, Đức. Người Đức tiếp cận bà và ra đề nghị đổi tiền lấy thông tin. Vốn ưa những chuyến phiêu lưu mạo hiểm và luôn muốn tiền bạc rủng rỉnh, bà đã nhận lời làm gián điệp cho Cục Tình báo Đức với mật hiệu H.21.

“Mata Hari chỉ tưởng tượng rằng sẽ làm gián điệp bằng cách thao túng đàn ông, cách mà bà ấy vẫn làm trước chiến tranh. Bà ấy không có bất kỳ động lực chính trị hay tư tưởng nào. Động lực duy nhất bà ấy có là mong muốn một cuộc sống tốt đẹp”, Frederic Guelton, tác giả nghiên cứu về Mata Hari, cho hay.

Nhiệm vụ của H.21 là thu thập tin tức về hoạt động quân sự của Pháp rồi thông báo lại cho tình báo Đức. Tuy nhiên, Elsa Shragmuyller, người phụ trách trực tiếp H.21, cho rằng những thông tin mà bà cung cấp không bao giờ được dùng tới bởi chúng không mang lại ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự.

Tháng 8/1916, Mata Hari về Pháp. Bà gặp đại úy Ladou, sĩ quan Cục Phản gián Pháp và được đề nghị hợp tác.

Mata Hari nhận lời với nhiệm vụ là đến Brussels, Bỉ, lúc bấy giờ đang bị quân Đức chiếm đóng, để thu thập thông tin cho người Pháp.

Song trên đường đến Bỉ, Mata Hari bị cảnh sát Anh bắt nhầm. Việc này khiến thân phận điệp viên Đức của bà bị bại lộ. Anh sau đó thả Mata Hari nhưng cũng báo tin cho phía Pháp.

Ladou yêu cầu bà trở về Paris nhưng bà lại đến Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, quốc gia trung lập. Ở Madrid, Mata Hari làm quen với hai tùy viên quân sự Đức và Pháp. Bà lấy thông tin từ tùy viên quân sự Đức cung cấp cho tùy viên quân sự Pháp và ngược lại.

Cuối cùng, ngày 13/2/1917, sau khi trở về Paris, Mata Hari bị Pháp bắt giữ vì hoạt động gián điệp hai mang.

4 tháng sau, tòa án quân sự Pháp tuyên tử hình Mata Hari với tội danh làm gián điệp, cung cấp thông tin quân sự tuyệt mật cho Đức, khiến 17 chiến hạm của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn quân bị thiệt mạng.

Theo BÁO NÔNG NGHIỆP

Tags: ,