Lương tri kinh tế và nỗi buồn của doanh nhân Việt

Có một khái niệm từng được các nhà kinh tế học tranh luận nhiều năm: “Lương tri của kinh tế”.

Bài viết của doanh nhân Đinh Hồng Kỳ

Nếu lướt qua tòa nhà Macy’s Herald Square vội vã như đa số người dân của Manhattan, New York, lữ khách sẽ bỏ lỡ một câu chuyện.

Ở đó, trước bức phù điêu bằng đồng của hai vợ chồng Isidor Straus và Ida Straus, tôi được nghe kể một câu chuyện đặc biệt. Họ từng đồng sở hữu trung tâm thương mại Macy’s này và là những người đã sống những giây phút cuối cùng trên chuyến tàu Titanic định mệnh ngày 15/4/1912.

Mùa xuân năm đó, họ xuống tàu Titanic sau kỳ nghỉ đông ở châu Âu. Giây phút Titanic va phải tảng băng và dần chìm, bà Ida đã lắc đầu với chiếc thuyền cứu hộ ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em để ở lại bên chồng. Mặc dù ông Isidor cũng được ưu tiên một chỗ cùng vợ trên thuyền cứu hộ nhưng ông vẫn từ chối khi trên boong tàu vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em.

Sống sót sau thảm họa, những người chứng kiến kể rằng ông Isidor đã dõng dạc: “Tôi sẽ không đi trước những người đàn ông khác”. Còn bà Ida nói: “Tôi sẽ không rời bỏ chồng, chúng tôi đã sống cùng nhau và sẽ chết cùng nhau”. Bà yêu cầu cho người hầu gái lên thuyền cứu hộ, đưa cho cô chiếc áo choàng lông và nói rằng bà không cần đến nó nữa. Hình ảnh cuối người sống sót nhìn thấy là ông bà Straus đã nắm tay nhau đứng trên boong tàu.

Cả hai cùng nằm lại trong lòng đại dương vào lúc 2h20’ sáng 15/4/1912. Nhiều người tin rằng hình ảnh cặp vợ chồng già ôm nhau trên giường khi nước đang dâng lên, đã lấy đi nước mắt của bao khán giả trong phim Titanic, được James Cameron lấy cảm hứng từ vợ chồng Straus.

Bức phù điêu bằng đồng của hai ông bà Staus vẫn đang đứng tại đài tưởng niệm nằm ở góc ngã tư Trung tâm thương mại Macy’s với dòng chữ được trích dẫn từ sách Diễm Ca của Cựu Ước: “Nước không thể dập tắt và nhấm chìm được tình yêu”. Còn bức tường bên ngoài của Trung tâm Macy’s in dòng chữ “Họ đã sống một cuộc đời tươi đẹp và đã chết trong vinh quang”. Nó được dựng lên bởi chính các nhân viên của Macy’s sau khi họ qua đời.

Đi qua Mahattan, tôi đã nghĩ đến câu chuyện nhiều lần. Người ta nói nhiều đến nhà Straus với một câu chuyện tình yêu cao đẹp, nhưng tôi, thì suy ngẫm họ dưới góc độ của những doanh nhân: Isidor Straus là một trong những người giàu có nhất nước Mỹ thời điểm đó. Họ còn đang có một gia đình với 7 người con đang độ trưởng thành. Điều gì đã khiến họ chỉ một giây, sẵn sàng buông bỏ gia sản khổng lồ, danh tiếng, quyền lực đã mất cả đời gây dựng?

Có một khái niệm từng được các nhà kinh tế học tranh luận nhiều năm “Lương tri của kinh tế”. Dù vẫn còn nhiều điều chưa ngã ngũ, đại ý, họ nêu ra câu hỏi làm sao để giải quyết xung khắc giữa những hành động mang tính vị lợi của các cá thể trong xã hội với giá trị chung của cộng đồng; đồng thời để có được tăng trưởng kinh tế cân bằng nơi lợi ích chia đều cho tất cả.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế không thể là thước đo chất lượng của nền kinh tế. Bởi nó không chứng minh được rằng những hành trình làm giàu đã cải thiện sự khổ sở của nhóm người thiếu thốn. Nếu không nói là ngược lại, trong nhiều tình huống, nó làm nhóm người yếu thế càng khổ sở hơn.

Bị cáo của nhiều phiên tòa tại Việt Nam những ngày này đang là những quan chức tầm cỡ, là những doanh nhân giàu có nổi danh một thời. Nhưng thật đáng tiếc, một phần sự giàu có ấy từ tiền của Nhà nước, hay chính xác hơn, từ đồng tiền đóng thuế của nhân dân và từ quyền lực của những mối quan hệ công – tư bí mật.

Nền kinh tế thị trường đang thành hình ngày một rõ nét ở Việt Nam. Những thương hiệu lớn cũng bắt đầu định hình từ một lớp doanh nhân Việt và hứa hẹn trở thành những tên tuổi lớn như trung tâm thương mại Macy’s hơn một thế kỷ trước ở Mỹ. Liệu có mấy ai sẽ trở thành những ông bà Straus?

Tôi vẫn biết và vẫn thấy, không ít người đã mất gần một đời kinh doanh để có một thương hiệu tưởng danh giá để đời nhưng rồi lại là hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều người đã quá giàu nhưng tiếp tục rao bán những sản phẩm có hại cho sức khỏe cộng đồng. Nhiều người dùng tiền để mua lợi thế riêng, làm hư quan chức, dựng lên hình ảnh “ảo” của mình và doanh nghiệp trong mắt công chúng, thậm chí để “ve vuốt” lương tâm mình.

Một ngày kia, New York thay bình đổi dạng, có thể trung tâm Macy’s sẽ không còn đứng đó nữa và người đời sẽ mau chóng lãng quên tòa nhà. Nhưng cái tên ông bà Straus thì không. Thương hiệu đó với tôi là thương hiệu lớn bởi nó thấm đẫm lương tri và phẩm cách của những người làm kinh doanh với tâm từ.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,