Lực lượng Contra và vụ bê bối Iran – Contragate của Mỹ

Tháng 11/1986, tờ báo Al-Shiraa của Lebanon đã khui ra sự kiện Mỹ bất chấp lệnh cấm vận, lén lút bán vũ khí cho Iran và viện trợ trái phép cho Contra – các lực lượng lưu vong chống phá Nicaragua. Ngay sau khi báo phát hành, vụ việc nhanh chóng lan tỏa thành một xì-căng-đan chính trị chưa từng có, đe dọa chiếc ghế tổng thống của Ronald Reagan và sau là George Bush.

Lực lượng Contra và vụ bê bối Iran – Contragate của Mỹ

Các chiến binh Contra ở Nicaragua.

Ngày 5/10/1986, một chiếc máy bay vận tải của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền nam Nicaragua. Hai phi công chết tại chỗ, người thứ ba – Eugene Hasenfus, nhảy dù an toàn xuống một cánh rừng rậm rạp. Tin báo chiếc máy bay bị mất tích loan nhanh về văn phòng Phó tổng thống George Bush, nhưng trước đó vài giờ, Hasenfus đã trở thành tù binh của lực lượng Sandinista. Bị kê súng vào đầu trong suốt thời gian áp giải khỏi khu rừng, ý chí “nhất quyết không khai” của Hasenfus bị dao động. Và khi Hasenfus bắt đầu khai, tất cả thông tin nhanh chóng lan tỏa thành một xì-căng-đan lớn nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ với tên gọi Iran – Contragate. Đây là mạng lưới kỳ quái bán vũ khí cho Iran để đổi lại việc giải thoát con tin Mỹ đang bị giam giữ tại Lebanon và gây quỹ viện trợ Contra – lực lượng phản động chống phá Nicaragua. Chính quyền của ông Ronald Reagan lập tức dính phải 2 câu hỏi “làm thế nào?” đau đầu đang cần lời giải đáp:

– Làm thế nào có thể gây quỹ, huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng Nicaragua lưu vong (gọi là Contra) để lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa Sandinista, nhất là sau khi quốc hội đã có điều luật cấm vào năm 1982?

– Làm thế nào giải thoát được các con tin Mỹ bị lực lượng Hồi giáo cực đoan cầm giữ tại Beirut ?

Iran – Contragate đã trở thành đề tài cuốn hút sự theo dõi của công chúng Mỹ trong nhiều tuần liền sau khi được đưa ra xét xử vào ngày 5/5/1987 và được phát trực tiếp qua nhiều kênh truyền hình. Cuộc thẩm vấn nhắm vào nhiều quan chức chính phủ như Vụ phó Vụ Chính trị quân đội Oliver North và người trợ lý Robert McFarlane, cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) John Poindexter, cùng nhiều nhân vật cộm cán như thư ký Nhà Trắng Fawn Hall, thương gia Iran – Albert Hakim và tỉ phú Ả Rập Saudi Adnan Khashoggi.

Thuở sơ khai, CIA có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của Contra từ năm 1981 dưới sự giám sát của giám đốc William Casey. Tuy nhiên, 2 năm sau quốc hội đã yêu cầu CIA phải rút lui hoàn toàn, không được tiếp tục bí mật viện trợ Contra. Một điều luật bổ sung gọi là Boland Amendment ra đời nhấn mạnh tính bất hợp pháp nếu CIA viện trợ cho Contra hoặc kích động chiến tranh bùng nổ giữa Nicaragua và Honduras. Năm 1984, điều luật Boland Amendment II được thông qua, cấm tất cả các cơ quan của chính phủ “dính” đến các hoạt động trên. Cũng chính lúc này, trách nhiệm viện trợ Contra đã được CIA chuyển sang cho NSC và tất cả hồ sơ đều nằm trên bàn Oliver North. Là cựu chiến binh ở Việt Nam, không am hiểu lắm về luật pháp hoặc biết nhưng cứ phớt lờ, North nhanh chóng thiết lập hệ thống cung cấp bí mật quân sự rộng lớn, qui tụ nhiều cựu quan chức CIA và Bộ Quốc phòng, lính đánh thuê, những tên khủng bố và cả những tổ chức phá hoại ở nước ngoài. Thêm vào đó, những tiết lộ của William Casey sau này cho thấy có vài trường hợp viện trợ lực lượng Contra lưu vong đã được sự chuẩn y của nhiều nhánh trong Nhà Trắng, trong đó có Phòng Bầu dục.

Khi nội chiến Nicaragua bùng nổ, chính quyền Ronald Reagan bắt đầu bận tâm với hàng loạt vụ công dân Mỹ bị bắt cóc ngày một tăng tại Lebanon. Lúc này, Iran cũng đang lao vào cuộc chiến với Iraq, và họ đưa ra lời đề nghị bí mật mua vũ khí từ Mỹ để đổi lại việc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp giải thoát con tin Mỹ tại Beirut. Mặc dù biết phía Iran cũng không tốt lành gì, nhất là sau vụ bắt giữ 52 con tin Mỹ trong giai đoạn 1979 – 1981, song McFarlane vẫn chấp thuận và tìm kiếm sự tán đồng của Tổng thống Reagan, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí đang được áp đặt lên Iran. McFarlane giải thích rằng bán vũ khí không chỉ cải thiện quan hệ Mỹ – Iran mà còn làm tăng ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Reagan thì lại bị nỗi ám ảnh khác. Ông đang cảm thấy thất vọng thực sự vì chưa tìm được cách giải cứu 7 con tin Mỹ đang bị một tổ chức Hồi giáo cực đoan cầm giữ tại Beirut. Là một tổng thống, Reagan cảm thấy mình có trách nhiệm phải “đưa những con tin này về nhà” và ông tự thuyết phục bản thân là mình “cũng không hề đàm phán với bọn khủng bố”. Trong khi đó, việc bán vũ khí cho Iran là vi phạm lệnh cấm vận, thỏa hiệp với khủng bố là điều Reagan hứa trong chiến dịch tranh cử là “sẽ không bao giờ làm”. Do đó, ý nghĩ đổi – vũ – khí – lấy – con – tin đã chia nội các Reagan ra làm 2 phe. Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger và Ngoại trưởng George Shultz chống việc thỏa hiệp, nhưng Reagan, McFarlane và Giám đốc CIA – William Casey ủng hộ. Với sự hậu thuẫn của tổng thống, kế hoạch được lặng lẽ tiến hành. Cho đến khi vụ việc đổ bể, đã có 2.000 tên lửa và phụ tùng thay thế được chuyển giao cho phía Iran. Nhưng rủi thay, việc bán vũ khí đổi con tin bỗng dưng biến chuyển theo chiều hướng bất lợi. 3 con tin được phóng thích, nhưng ngay lập tức lại có 3 công dân Mỹ khác bị bắt cóc. Vô hình trung North trở thành một đứa trẻ khờ khạo trước sự xảo quyệt của các tổ chức khủng bố. Sự trớ trêu này được Ngoại trưởng George Shultz ví von là “phiên chợ con tin”.

Tháng 11/1986, Al-Shiraa – một tờ báo ở Lebanon phanh phui sự việc. Bản thân Hasenfus cũng khai toạc là đang làm việc dưới sự phê chuẩn của CIA, khai luôn mã số của 2 viên phi công thiệt mạng. Toàn vụ Iran – Contra nhanh chóng đổ bể. Xuất hiện trên truyền hình quốc gia chiều 25/11/1986, Ronald Reagan và Chưởng lý Edwin Meese lên tiếng bác bỏ khả năng bán vũ khí đổi con tin, nhưng cũng thừa nhận đã “phát hiện” ra đường dây buôn bán vũ khí cho Iran và viện trợ trái phép cho lực lượng Contra chống phá Nicaragua. Cả hai cùng đổ lỗi cho North. Một giờ sau buổi truyền hình ấy, North bị sa thải và sếp của ông ta là cố vấn NSC – John Poindexter, cũng được chấp thuận từ chức.

Mặc dù Reagan hết lời bảo vệ các hoạt động đã xảy ra, song công chúng Mỹ bắt đầu nghi ngờ lòng trung thực của tổng thống. Các cuộc bỏ phiếu trưng cầu sau đó cho thấy chỉ có 14% dân chúng Mỹ tin rằng tổng thống không hề có ý định đổi vũ khí lấy con tin. Trong lúc điều tra có hay không việc đổi vũ khí lấy con tin, chưởng lý Edwin Meese phát hiện chỉ có 12 triệu USD trong tổng số 30 triệu USD tiền bán vũ khí cho Iran được đưa vào két sắt chính phủ. Số còn lại, trung tá Oliver North giải trình: chuyển sang quỹ viện trợ Contra với sự chấp thuận của Cố vấn an ninh quốc gia – đô đốc John Poindexter và sự ngấm ngầm ủng hộ của Tổng thống Ronald Reagan.

North bị sa thải, Poindexter từ chức, song Iran – Contragate không dừng ở đó. Giới báo chí “quây” tổng thống: Ông có biết về những hoạt động phi pháp đó hay không, và nếu không, tính chất nghiêm trọng của vụ việc như thế nào ? Một cuộc điều tra được tiến hành, với việc Reagan bổ nhiệm một ủy ban điều tra do cựu nghị sĩ John Tower dẫn đầu, điều tra toàn bộ vụ Iran – Contra.

Ngày 26/2/1987, ủy ban này ra kết luận sau cùng, suy tôn North là … anh hùng dân tộc và công bố toàn bộ cuộc điều tra trước đây là sai lầm, Tổng thống Reagan, Phó tổng thống Bush không hề liên đới trực tiếp đến vụ việc và tạo điều kiện cho những bị can quan trọng như North, Poindexter được quyền miễn tố, dù trong phiên tòa xét xử, North thừa nhận có nói dối quốc hội, phá hủy chứng cứ, vi phạm luật pháp nước Mỹ và bưng bít thông tin, nhưng “tôi làm tất cả như thế để bảo vệ nước Mỹ”. Cuộc điều tra tiếp theo do Ủy ban độc lập Lawrence Walsh tiến hành trong 8 năm, lôi 14 nhân vật ra cáo buộc tội “che giấu tội phạm”, song vụ án – về cơ bản đã chìm xuồng sau khi ông Bush – lúc này đã là tổng thống phê chuẩn 6 lệnh ân xá vào ngày 24/12/1992, trong đó có lệnh ân xá cho McFarlane – trước đó đã xác định phạm tội với hình phạt 2 năm tù treo, nộp 20.000 USD và 200 giờ lao động công ích, và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Weinberger trước khi ông này bị lôi ra trước vành móng ngựa vì trách nhiệm liên đới.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: , , ,