Loạt ảnh gây choáng ngợp về cảnh sắc Đông Dương năm 1934

Cùng khám phá những cảnh quan kỳ vĩ của xứ Đông Dương xưa qua qua ấn phẩm “1934 Đông Dương thuộc Pháp – Những ngọn núi” (1934 L’Indochine Française – Les Montagnes) của Pháp.

Cảnh rừng rậm ở miền Bắc Việt Nam, Đông Dương năm 1934. Đây là rừng thứ sinh, phát triển trên vùng rừng ở sườn núi từng bị đốt để làm nương rẫy.

Rừng thông ở Thượng Lào, sinh cảnh phổ biến ở khu vực có độ cao trên 1.000 mét so với vực nước biển. Dải rừng này cắt ngang tuyến đườngVinh – Xiên Khoảng, kéo dài về phía Tây Luang Prabang.

Rừng thưa ở Thượng Lào. Loại rừng này phổ biến trên các loại đất nghèo và dễ thấm nước như sa thạch, và đặc biệt là ở các thung lũng ven sông Mekong, với mùa đông rất khô.

Nhà sàn của người dân tộc Thái. Trước hiên nhà, một người phụ nữ đang dệt vải bằng khung cửi thô sơ. Nhà có khung gỗ, sàn làm bằng thâm tre dăm, vách ngăn bằng tre đan, mái lợp bằng cỏ rơm hoặc lá cọ. Trâu bò trú ẩn dưới sàn nhà.

Nhà làm bằng tre nứa của người dân tộc Mán, gần Cao Bằng, miền Bắc Việt Nam. Hai người phụ nữ bên phải đang vo gạo trong chiếc cối gỗ cao. Ở giữa, một người phụ nữ đang cúi mình kiểm tra hạt ngũ cốc. Bên trái, một người đàn ông hái rau trong khu vườn nhỏ có hàng rào bao quanh.

Các phụ nữ và trẻ em của nhiều gia đình người H’Mông đi lễ tại một bản ở Lào, thuộc vùng Trấn Ninh cũ. Nhà của họ được dựng trên nền đất, lợp bằng ngói gỗ. Xung quanh nhà trồng một số cây ăn quả, cụ thể là cây đào.

Chòi trên cánh đồng ngô của người dân tộc Gia Rai ở miền Nam xứ Trung Kỳ. Từ chòi này, người dân xua đuổi những con vật đến phá hoại bằng tiếng hét hoặc mũi tên bắn từ cây nỏ của mình.

Cánh đồng lúa ở thung lũng thượng du thuộc Cao Bằng. Đây là vùng nhiều núi đá vôi, các sườn núi thấp được tạo thành ruộng bậc thang, tưới bằng nước từ một nhánh sông.

Sông Nậm Thi. Bên bờ sông là khu dân cư ngoại vi Lào Cai với nhiều nhà mái ngói dọc con đường lớn và dinh thự kiểu châu Âu trên các quả đồi.

Núi Pia Ya, phía Nam Bảo Lạc, Cao Bằng. Ngọn núi này cao 1.977 mét, được tạo thành từ đá granit hoặc đá gneisses cứng, như hầu hết các ngọn núi khác trong khu vực.

Thác Bản Giốc ở khu vực biên giới Việt – Trung, Cao Bằng.  Đây là một cứ điểm biên phòng của Trung Quốc, nằm ở phía Đông Bắc Cao Bằng. Ở hậu cảnh, phía trái là các đỉnh núi đá vôi. Lúa vừa được cấy xuống những thửa ruộng đã tưới. (>> Các bức ảnh của người Pháp là chứng cứ xác tín cho vấn đề phân định thác Bản Giốc).

Hồ Ba Bể ở Bắc Cạn. Hồ được bao quanh bởi các núi đá vôi hiểm trở, là một trong những hồ nước nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam.

Địa hình hiểm trở ở Chợ Điền, Bắc Cạn. Đây là một vùng có trữ lượng quặng chì kẽm lớn của Đông Dương.

Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, nơi có vô số đảo đá hình thù kỳ lạ được tạo nên từ sự bào mòn của nước biển.

Đảo Cát Bà, phía Nam vịnh Hạ Long. Phía Đông Nam của hòn đảo có một cảng là điểm dừng chân của các tàu thuyền đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ.

Chợ Lỳ Lừa ở Lạng Sơn, xứ Đông Dương năm 1934. Các thương nhân ở đây chủ yếu là người Việt và người Hoa. Trong số những người đến mua bán cũng có nhiều người dân tộc Thái.

Sông Đà xuyên qua các núi đá vôi hiểm trở, thung lũng hẹp và hoang vu. Chỉ những người lái thuyền bản địa mới có thể di chuyển thuần thục trên dòng sông nhiều ghềnh đá này.

Quang cảnh Phong Saly, Thượng Lào, thủ phủ Quân khu 5 (5e Territoire Militaire) của Pháp kéo dài đến cực Bắc của Lào ở thượng lưu Nam Hou, một phụ lưu của sông Mekong.

Ghềnh thác trên sông Mekong ở Thượng Lào. Ở khu vực này lòng sông rộng hàng trăm mét sau các trận mưa và trở thành một kênh hẹp vào mùa khô. Nước chảy siết qua các ghềnh đá, đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của người chèo thuyền địa phương để con thuyền không bị hư hại.

Luang Prabang – cố đô của Lào. Thành phố được xây dựng trên một bán đảo dài, tại hợp lưu của Mekong (chảy từ phải sang trái trong ảnh) và Nam Khan (góc dưới phải), xung quanh một ngọn đồi thiêng, trên đỉnh đồi có một ngôi chùa màu trắng.

Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng, Lào. Đây là vùng cao nguyên có độ cao trung bình 1.200 mét so với mực nước biển, cảnh quan phổ biến là đồng cỏ rộng. Những chiếc chum ở đây được người xưa đục đẽo từ đá, dùng làm quan tài.

Bản làng của người Thượng ở miền Nam xứ Trung Kỳ. Những ngôi nhà dài được dựng kiểu nhà sàn, mái phủ cỏ rơm ở tiền cảnh là nơi sinh sống của một số gia đình. Những ngôi nhà nằm trên cọc cao ở phía xa là kho thóc.

Hồ Lăk ở Đăk Lăk. Đây là một hồ lớn được bao quanh bởi các dãy núi, nằm ở phía Nam Buôn Ma Thuột. Vào mùa khô, bờ hồ trở thành những bãi bùn lầy, nơi người bản xứ trồng lúa. Diện tích hồ mở rộng đáng kể sau những cơn mưa.

Thác Liên Khàng (Liên Khương) ở Lâm Đồng. Thác tạo thành từ dòng chảy sông Đa Nhim, một nhánh của sông Đồng Nai, có độ rộng khoảng 100 mét, đô cao 15 mét.

Thành phố Thakkhek ở Hạ Lào, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Thakhek nằm ở tả ngạn sông Mekong.

Thác Khene trên sông Mekong, khu vực biên giới của Lào và Campuchia. Đây là một chuỗi gồm rất nhiều thác và ghềnh, kéo dài tới 12 km, xen kẽ là các đảo cây cối rậm rạp.

Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thị trấn nghỉ mát nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam. Thị trấn tọa lạc trên một núi đá nhô lên ở rìa châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội 60 km.

Đồn điền cao su ở xứ Nam Kỳ. Cây cao su có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới Amazon, nhanh chóng được nhân lên trên các vùng đất đỏ và đất xám của Nam Kỳ, Campuchia và Nam Trung Kỳ. Có hơn 120.000 ha cao su ở Đông Dương thuộc Pháp.

Mỏ than Cẩm Phả ở Quảng Ninh. Mỏ này nằm trong bể than Hòn Gai, kéo dài hơn 150 km ven bờ Vịnh Bắc Bộ. Nhiều vỉa than nổi lên trên sườn đồi và được khai thác lộ thiên.

S.T

Tags: , , , , , , , , , ,