Lịch sử những cuộc đấu súng tay đôi

Chỉ xảy ra giữa cánh đàn ông với nhau, các cuộc đấu tay đôi trong lịch sử một số nước được xem như là một hình thức bảo tồn danh dự.

Lịch sử những cuộc đấu súng tay đôi

Người ta chưa biết đích xác nguồn gốc đấu tay đôi, chi biết rằng nó phổ biến vào giai đoạn cuối thời Trung cổ và giai đoạn đầu thời hiện đại ở châu Âu. Trong nhiều trường hợp, người ta dùng súng và các vũ khí khác thay vì kiếm. Ban đầu, đấu tay đôi chỉ phổ biến trong tầng lớp quý tộc nhưng về sau đã lan sang các tầng lớp xã hội khác.

Đấu tay đôi phổ biến ở Anh, Ailen, Pháp, Italia, Đức, Nga và một số nước khác. Thời Trung cổ, đấu tay đôi được cho là một “trận chiến phán xét”, trong đó Chúa sẽ đảm bảo rằng người thắng cuộc là người hành động đúng.

Đấu tay đôi có những luật lệ riêng của nó. Người đấu được phép đưa một người nữa đi cùng để hỗ trợ kiểm tra vũ khí của đối thủ và đảm bảo sự công bằng cho hai bên.

Đàn ông có thể đấu tay đôi để quyết định xem ai sẽ là người được quyền cưới một cô gái nào đó mà họ cùng yêu, hoặc đấu tay đôi chỉ là để bảo toàn danh dự. Từ chối lời thách đấu bị coi là hèn nhát. Kẻ thách đấu có thể bêu riếu kẻ từ chối cuộc đấu ở mọi góc phố, quán rượu. Hậu quả là cuộc sống, công việc, mối quan hệ xã hội của người từ chối đấu tay đôi sẽ bị điều tiếng dư luận vùi dập vì lời cáo buộc hèn nhát. Đó là lý do tại sao hầu hết những người bị thách đấu đều buộc phải nhận lời.

Nước Anh năm 1712. Công tước Hamilton và Huân tước Mohun xung đột với nhau quanh một vụ kiện bị “treo” suốt 11 năm. Trong vụ này, Công tước Hamilton đã kiện Huân tước Mohun ra tòa. Trước tòa, Công tước cho rằng một nhân chứng của Huân tước không trung thực. Điều này khiến Huân tước Mohun “cáu tiết” nói rằng nhân chứng đó cũng trung thực như Công tước Hamilton. Lời qua tiếng lại và kết quả là Huân tước Mohun đã thách đấu đối thủ. Ngày 15/11/1712, họ giải quyết với nhau bằng mũi kiếm. Huân tước Mohun chết tại chỗ còn Công tước Hamilton chết trên đường đi cấp cứu. Vụ kiện vì thế mà cũng “chết” luôn theo hai vị quý tộc.

Thời Vua George III trị vì (1760 – 1820), nước Anh ghi nhận 172 vụ đấu tay đôi với 69 người thương vong. Số người chết và bị thương có thể cao hơn nhiều vì có không ít vụ đấu tay đôi được thực hiện bí mật. Năm 1777, người ta đã soạn ra luật đấu với 26 điều buộc phải tuân theo trong các cuộc đấu tay đôi.

Ở Pháp, đấu tay đôi cũng phổ biến nhưng đến thế kỷ 19, các cuộc đấu hiếm khi gây chết người vì phần lớn chỉ dùng kiếm và cuộc đấu sẽ dừng khi một trong hai người đổ máu chứ không đấu cho đến chết. Pháp cũng là nơi có nhiều cuộc đấu tay đôi sáng tạo nhất. Năm 1808, hai đối thủ đã “rủ” nhau đấu súng trên khinh khí cầu, trong đó một người bắn thủng khinh khí cầu của đối thủ khiến cả người làm chứng cũng thiệt mạng. Năm 1843, có một cuộc đấu không dùng kiếm, súng mà lại dùng quả bi a để ném nhau.

Trong khi đó, trận đấu tay đôi đầu tiên được ghi nhận tại Mỹ xảy ra ở bang Masachusetts năm 1621. Điều đặc biệt của cuộc đấu này là cả hai đều là người hầu, không phải tầng lớp quý tộc.

Đấu tay đôi tồn tại hơn 100 năm tại Mỹ. Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ, Alexander Hamilton, có lẽ là người Mỹ nổi tiếng nhất chết vì đấu súng. Ông bị đối thủ chính trị là Aaron Burr – Phó tổng thống Mỹ dưới thời Thomas Jefferson – giết năm 1804 bằng một viên đạn găm vào bụng.

Đến thế kỷ 19, đấu tay đôi phổ biến nhất ở miền nam nước Mỹ nhưng nhiều cuộc đấu không kết thúc bằng cái chết. Vũ khí hay được dùng là súng lục và người đấu súng thường bắn trượt vì theo luật phải bắn trong vòng 3 giây.

Đấu tay đôi gây tranh cãi kể từ thời nước Mỹ mới hình thành. Tướng George Washington, người sau này là tổng thống đầu tiên của Mỹ, phản đối kịch liệt hình thức đấu tay đôi và từng khen ngợi một cấp dưới vì đã từ chối lời thách đấu. Chính khách nổi tiếng Benjamin Franklin cho rằng đấu tay đôi là hành động giết người. Đến năm 1859, 18 bang ở Mỹ đã cấm đấu tay đôi nhưng luật này thường bị phớt lờ và nó vẫn phổ biến ở miền nam và miền tây. Nhiều người không thích đấu tay đôi nhưng vẫn phải tham gia, một phần vì không muốn bị mang tiếng hèn nhát.

Khi Abraham Lincoln còn là nghị sĩ bang Illinois, năm 1842, dưới bút danh Rebecca, ông đã viết một loạt bài châm biếm trên một tờ báo của bang về thượng nghị sĩ James Shields. Shields đã viết thư đòi Lincoln rút lại các bài viết và thách Lincoln đấu tay đôi. Là bên bị thách đấu nên Lincoln có quyền lựa chọn vũ khí. Thay vì chọn súng lục, Lincoln chọn vũ khí là đao. Hai người dự kiến sẽ dùng đao đấu với nhau trên một tấm ván hẹp chẳng có nhiều chỗ để tiến lùi. Lợi thế của cuộc đấu rõ ràng sẽ nghiêng về Lincoln vì ông cao hơn, tay dài hơn. Về sau, Lincoln kể lại với một người bạn rằng ông không muốn giết Shields và cũng không muốn bị giết nên đã chọn đao để có thể tước được vũ khí của đối thủ. Nhưng cuộc đấu đã không diễn ra sau khi bạn bè của hai người thuyết phục họ mang vấn đề ra phân xử rõ ràng. Shields sau này trở thành chuẩn tướng dưới chính quyền của Tổng thống Lincoln.

Khác với Tổng thống Lincoln, Andrew Jackson lại là tổng thống Mỹ đam mê đấu tay đôi. Khi còn trẻ, ông nổi tiếng là một tay đấu lão luyện. Vụ đấu súng với một luật sư tên là Charles Dickinson năm 1806 khiến Jackson bị chỉ trích mạnh mẽ. Dickinson nổ súng trước và làm Jackson bị thương nhẹ còn Jackson bắn trượt. Theo luật, cuộc đấu súng phải ngừng tại đó nhưng Jackson đã bắn phát thứ hai giết chết Dickinson. Tuy nhiên, Jackson không bị truy tố về tội giết người và vụ này cũng chẳng ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của ông.

Về sau, thời nội chiến Mỹ, người ta thấy hình thức đấu tay đôi vì “danh dự” là trò xuẩn ngốc vì nó gây đổ máu quá nhiều. Đầu thế kỷ 20, luật cấm đấu tay đôi trở nên phổ biến và được thực thi trên toàn nước Mỹ. Các cuộc đấu tay đôi thưa dần rồi biến mất.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: