Không đọc sách, chỉ đọc tóm tắt sách: Nên hay không nên?

Gần đây tôi đã có một cuộc trò chuyện với một người bạn thích đọc các bản tóm tắt sách. Anh này là một người rất lười đọc sách, nhưng vẫn muốn có được những ý tưởng từ các cuốn sách. 

Không đọc sách, chỉ đọc tóm tắt sách: Nên hay không nên?

Và thế là anh ta đã tìm ra được một phương pháp: đọc rất nhiều các bản tóm tắt của các cuốn sách hay, làm như thế anh ta không cần phải tốn nhiều thời gian và công sức để đọc các cuốn sách nữa trong khi vẫn thu nạp được những ý tưởng hay từ các cuốn sách đó.

Tôi thỉnh thoảng cũng đọc tóm lược sách hoặc đánh giá, nhưng tôi vẫn còn đọc rất nhiều sách dài, thường về một chủ đề khá cụ thể. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ có thể đọc toàn bộ các cuốn sách hay nhất trong hầu hết các chủ đề. Nếu mục tiêu của bạn là đọc để trở thành một người có nhiều kiến thức hơn, phải chăng chiến lược chỉ đọc các bản tóm tắt sách sẽ có hiệu quả cao hơn?

01. Tại sao bạn đọc?

Có rất nhiều lý do để đọc sách, nhưng 2 lý do phổ biến nhất với hầu hết mọi người là “kiến thức” và “giải trí”. Nếu bạn đọc sách “giải trí” thì việc đọc các bản tóm tắt sách quả là một ý tưởng tồi. Đọc tóm tắt cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết có thể trong chốc lát thỏa mãn trí tò mò của bạn nhưng lại làm mất đi gần như toàn bộ giá trị giải trí của cuốn tiểu thuyết đó. Bạn sẽ đánh mất toàn bộ những tình tiết hấp dẫn, nhưng pha hành động gay cấn, những lời thoại thú vị của các nhân vật, những cơ hội để bạn suy ngẫm hay đưa ra những dự đoán về tình tiết tiếp theo… và rất nhiều những điều tuyệt vời khác.

Với trường hợp đọc sách vì kiến thức thì vấn đề trở nên phức tạp hơn một chút. Anh bạn tôi đã “bảo vệ” cho phương pháp “chỉ đọc tóm tắt sách” bằng những lý luận sau:

– Giá trị về ý tưởng của cuốn sách phân bố không đồng đều. Một phần rất nhỏ của cuốn sách sẽ chứa toàn bộ những ý tưởng chính quan trọng nhất của cuốn sách đó, chúng ta chỉ cần đọc phần này là đủ để nắm bắt tất cả ý tưởng trong cuốn sách.

– Thay vì dành rất nhiều thời gian để đọc một số ít các cuốn sách, chúng ta có thể sử dụng thời gian đó để hấp thu rất nhiều ý tưởng hay ho từ rất nhiều cuốn sách khác nhau. Anh bạn tôi nói rằng bằng cách này anh ta sẽ biết được rất nhiều kiến thức thuộc mọi lĩnh vực trên đời này.

Lập luận của anh bạn tôi nghe cũng rất có lý đấy chứ! Nhưng khi tôi tìm hiểu về những người thành công và nổi tiếng trên thế giới đọc sách, tôi rất hiếm khi thấy họ áp dụng phương pháp này. Trong thực tế, họ áp dụng một chiến lược ngược lại hoàn toàn: đọc đi đọc lại một cuốn sách rất nhiều lần.

Chúng ta hãy xem Kinh tế gia và học giả Tyler Cowen viết về chiến lược đọc những cuốn sách hay của ông ấy như thế nào:

1. Đọc một tác phẩm kinh điển thẳng một mạch, lưu ý những vấn đề quan trọng và khó hiểu, nhưng đừng để chúng giữ bạn lại. Viết ra những câu hỏi ở những chỗ bạn chưa hiểu, nhưng đừng viết ra suy nghĩ của bạn, điều đó sẽ làm chậm bạn lại. Hãy đọc lướt qua những chỗ đó khi cần thiết, đặt mục tiêu hoàn thành cuốn sách làm ưu tiên hàng đầu.

2. Sau khi hoàn thành cuốn sách kinh điển trên, đọc một số lượng các tài liệu thứ cấp và tài liệu tham khảo giúp bạn hiểu rõ hơn cuốn sách chính của bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang tìm kiếm câu trả lời cho một số câu hỏi cụ thể. Nhưng đừng đọc các tài liệu tham khảo trước khi đọc cuốn sách chính vì bán sẽ không biết bạn cần trả lời những câu hỏi nào.

3. Quay trở lại và đọc lại cuốn sách kinh điển, dùng nhiều thời gian nhất mà bạn có thể.

Với những lập luận của anh bạn tôi trên kia, chiến lược của vị học giả này có vẻ như rất kém hiệu quả. Nếu giá trị ý tưởng của một cuốn sách giảm dần, như vậy đọc nhiều lần sẽ có hiệu suất thấp hơn đọc một lần, và đọc một lần sẽ có hiệu suất thấp hơn chỉ đọc bản tóm tắt. Như vậy vấn đề nằm ở đâu?

02. Có gì sai với việc CHỈ đọc tóm tắt cuốn sách:

Lý do thứ nhất: Giá trị quan trọng nhất của cuốn sách là nâng cao tư duy:

Anh bạn của tôi đã mắc một sai lầm khi cho rằng giá trị duy nhất mà các cuốn sách mang lại là các ý tưởng của chúng. Thực ra đọc một cuốn sách hay mang lại nhiều lợi ích cho bạn hơn chỉ là ý tưởng của nó. Đọc một cuốn sách hay và dài đòi hỏi sự tập trung tinh thần, hướng dẫn và gợi ý bạn có những suy nghĩ sâu sắc, đi sâu vào phân tích những ý tưởng, từ đó giúp bạn hiểu rõ và có thể áp dụng được chúng vào thực tế. Suy nghĩ về nội dung của cuốn sách trong lúc bạn đọc mới là hành động quan trọng và có giá trị nhất của việc đọc sách.

Trong khi đó, một bản tóm tắt ngắn của tất cả các ý tưởng chính của cuốn sách sẽ chỉ cho bạn một tiếp xúc hời hợt với những ý tưởng đó. Bạn biết rồi bỏ đó, không đào sâu suy nghĩ về những ý tưởng bởi vì bạn đã thiếu đi một môi trường phù hợp cho việc đào sâu suy nghĩ – quá trình đọc sách.

Lý do thứ hai: Tóm tắt thì phổ biến, hiểu sâu lại rất hiếm:

Hầu như ai cũng có thể lấy vài câu trích dẫn nổi tiếng của triết gia nào đó làm status trên Facebook nhưng chỉ những người đã từng đọc kỹ các tác phẩm của triết gia đó mới hiểu rõ được quan điểm và tư tưởng của ông ta. Hầu như ai cũng biết “lạm phát tức là đồng tiền mất giá” nhưng chỉ những người nghiên cứu sâu về kinh tế mới biết rõ lạm phát là do đâu, ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào, làm cách nào để ngăn ngừa hoặc hạn chế lạm phát, tính toán và dự đoán lạm phát bằng cách nào…Hầu như ai dùng máy vi tính cũng biết máy đột nhiên trục trặc thì chắc là do virus, chắc phải cài lại Win, chắc phải thay phần cứng… nhưng chỉ những thợ sửa máy chuyên nghiệp mới biết phải làm cách nào để kiểm tra và sửa máy một cách nhanh nhất mà không cần phải mò mẫm làm những điều dư thừa.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu bạn chỉ biết những điều mà ai cũng biết, lợi thế cạnh tranh của bạn sẽ rất thấp. Nhưng nếu bạn biết những kiến thức có giá trị mà hiếm người biết, giá trị của bạn sẽ được nâng lên rất cao. Đọc các bản tóm tắt của các cuốn sách sẽ chỉ cho bạn những hiểu biết chung chung, hời hợt nhưng nếu bạn đọc sâu các cuốn sách chuyên ngành, bạn sẽ có một lợi thế cạnh tranh về kiến thức trong chuyên ngành đó mà không nhiều người biết.

Lý do thứ ba: Đọc tóm tắt sách làm gia tăng số lượng ý tưởng nhưng làm suy giảm chất lượng ý tưởng:

Việc đọc các bản tóm tắt sách sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và do đó bạn sẽ tiếp cận được với nhiều cuốn sách cũng như nhiều ý tưởng hơn. Tuy nhiên bởi vì là tóm tắt nên những ý tưởng này thiếu kiến thức nền tảng hỗ trợ cho chúng, do đó những gì bạn có thể làm chỉ là lướt qua bề mặt của chúng mà không thật sự nắm bắt chúng.

03. Khi nào thì bạn nên đọc các bản tóm tắt sách:

Mặc dù việc chỉ đọc các bản tóm tắt sách không phải là một chiến thuật tốt nhưng trong một số trường hợp đặc biệt đọc tóm tắt sách cũng có lợi ích của riêng nó. Dưới đây là 2 ngoại lệ khi mà việc đọc tóm tắt sách tốt hơn đọc cả cuốn sách:

– Đọc tóm tắt sách trước khi mua nó sẽ giúp bạn biết được cuốn sách đó có đáng đọc hay không, nhờ vậy bạn sẽ không phải mua nhầm hay đọc nhầm những cuốn sách không phù hợp với nhu cầu của bạn. Tất nhiên sau khi đã biết rõ cuốn sách đó đáng đọc, bạn vẫn cần phải đọc trọn vẹn cuốn sách.

– Nếu bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực, đôi khi đọc tóm tắt sách sẽ có lợi hơn đọc cả cuốn sách. Ví dụ bạn là một chuyên gia kinh tế đã đọc hàng trăm cuốn sách về đầu tư, khi bạn đọc một cuốn sách mới thuộc chuyên ngành của bạn rất có thể bạn sẽ gặp lại rất nhiều kiến thức căn bản đã quá quen thuộc. Thay vì tốn thời gian đọc lại những điều mà bạn đã hiểu quá rõ, bạn có thể đọc tóm tắt để nắm bắt những ý tưởng chính. Bởi vì những ý tưởng này thuộc về chuyên ngành mà bạn hiểu rõ, chúng vẫn có khả năng kích thích suy nghĩ và quá trình đào sâu của bạn.

Theo 1TACH.COM

Tags: ,