Khi nền nông nghiệp ‘tự sát’ bằng thuốc bảo vệ thực vật

Những người nông dân không chỉ đang sử dụng vô tội vạ những đồng tiền – vốn đã rất ít ỏi mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và cướp đi tương lai bền vững của chính họ.

Khi nền nông nghiệp ‘tự sát’ bằng thuốc bảo vệ thực vật

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp là chuyện đương nhiên. Quốc gia nào cũng vậy, không riêng gì Việt Nam, bởi có sâu bệnh đương nhiên phải phòng trừ. Nhưng phòng trừ thế nào lại là câu chuyện khác.

Có lẽ không mấy quốc gia trên thế giới có cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như Việt Nam. Đại để, nông dân muốn sử dụng thế nào thì… tùy, miễn sao có thể đem lại những vụ mùa bội thu theo cách tư duy của họ. Còn việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây tác hại như thế nào đối với người tiêu dùng hay “bức tử đồng ruộng” ra sao là chuyện của các nhà quản lý, các nhà khoa học. Theo một thống kê gần đây, Việt Nam dẫn đầu thế giới về một số sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, chè… nhưng cũng là quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào loại hàng đầu của thế giới. Điều đáng nói, nếu như những năm 50 của thế kỷ trước, lượng thuốc bảo vệ thực vật nông dân sử dụng chỉ với khoảng 100 tấn thì 40 năm sau con số này đã tăng 150 lần.

Một cuộc khảo sát của ngành nông nghiệp gần đây cho thấy có trên 85% hộ trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên kinh nghiệm và 43% trong số đó đã tăng nồng độ phun gấp đôi so với khuyến cáo của các cơ quan quản lý về lĩnh vực này. Chưa kể, nông dân có thể phun thuốc bất cứ lúc nào nếu phát hiện sâu bệnh và cũng bán sản phẩm bất cứ lúc nào nếu cảm thấy cần tiền. Những kinh nghiệm “không biết từ đâu” của bà con đã đem lại một kết quả hết sức đáng ngại: Có đến 51,24% mẫu rau phát hiện mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng vượt quy chuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc tại nước ta. Và một con số khác cũng rất đáng quan tâm: Cả nước có khoảng 15 – 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật thì có tới 70% trong số đó có triệu chứng ngộ độc. Đáng nói hơn thuốc bảo vệ thực vật không chỉ là một trong mười nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao nhất tại các bệnh viện mà đây cũng là nguyên nhân gây nên căn bệnh đáng sợ: Ung thư! Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 15.000 người mắc căn bệnh quái ác này.

Giới khoa học khuyến cáo: Sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường đất, môi trường nước. Thuốc bảo vệ thực vật không chỉ tiêu diệt nhiều loại côn trùng có lợi trong môi trường, phá hoại hệ sinh thái tự nhiên mà còn làm cho đất nông nghiệp ngày càng nghèo, càng suy kiệt dinh dưỡng… Tuy nhiên, những cái hại vô hình không khiến bà con lo ngại, bởi trước mắt là chuyện cơm áo gạo tiền nên phải trừ sạch sâu bọ, phải có cái đem bán. Người nông dân cũng không cần biết mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu ngoại tệ, nhập bao nhiêu tấn thuốc bảo vệ thực vật… Thế nhưng theo một so sánh, số tiền bỏ ra mua thuốc bảo vệ thực vật năm 2013 là 700 triệu USD, gấp 3 lần giá trị xuất khẩu chè; nếu cộng cả tiền nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lúa giống thì con số này gần bằng tiền thu được từ xuất khẩu gạo. Cái giá như vậy quá đắt và trước hết nông dân là người gánh hậu quả.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia lương thực, chi phí cho mỗi héc ta lúa ở Việt Nam lên tới 502 USD, cao gấp hai lần các nước khác. Trong khi đó, khoảng 80% thuốc bảo vệ thực vật nông dân Việt Nam sử dụng không đúng đối tượng, chủ yếu ảnh hưởng ra môi trường… Như vậy, những người nông dân không chỉ đang sử dụng vô tội vạ những đồng tiền – vốn đã rất ít ỏi mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và cướp đi tương lai bền vững của chính họ. Việt Nam hoàn toàn có thể cắt giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật mà không lo ảnh hưởng đến mùa màng – nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Thế nhưng điều đó có trở thành hiện thực hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân. Một khi những người “chân lấm tay bùn” vẫn “điếc không sợ súng” thì giới khoa học cũng chỉ có thể đưa ra khuyến cáo mà thôi.

Theo HÀ NỘI MỚI (2014)

Tags: