Israel chút nữa đã trở thành nước xã hội chủ nghĩa

Năm 1948, một quốc gia Do Thái chính thức được thành lập tại khu vực Trung Đông, đã gây ra những thay đổi lớn về cục diện chính trị ở đây. Đó chính là Israel và đến nay, nước này đã trở thành “người đại diện lợi ích” của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, ít ai biết được ban đầu Tel Aviv có quan hệ mật thiết với Moskva và trong khi xác lập chế độ, chút nữa đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Lý tưởng chủ nghĩa xã hội nẩy nở trong cộng đồng người Do Thái di cư tới Palestine

Dường như mọi người đều rõ việc lập quốc của Israel gắn liền với phong trào chủ nghĩa phục quốc Do Thái nổi lên mạnh mẽ trong thế kỷ 19. Nhưng có điều thú vị là tư tưởng của vị lãnh tụ phong trào này mang đậm màu sắc chủ nghĩa xã hội. Nhân vật đi đầu trong việc đưa ra luận thuyết phục quốc Do Thái là Moses Hess, nhà tư tưởng của Vương quốc Phổ. Moses Hess không những là một trong những người có tư tưởng chủ nghĩa xã hội sớm nhất ở châu Âu, mà thậm chí còn được Friedrich Engels biết tiếng, giới thiệu với Karl Marx, từng nhiều lần cùng Marx và Engels trao đổi những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề chủ nghĩa xã hội. Đầu thế kỷ 20, những người Do Thái đầu tiên rời Đông Âu đến Palestine. Đại đa số họ từng tham gia phong trào cách mạng ở châu Âu và là những phần tử tích cực trong phong trào công nhân, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Trong số những người Do Thái di dân tới Trung Đông thời kỳ đó có không ít nhân vật sau này trở thành những bậc khai quốc công thần của Israel như Thủ tướng đầu tiên của Israel Ben Gurion, Tổng thống thứ 2 của nước này Itzhak Ben-Zvi và một vị Thủ tướng khác là Golda Meir.

Nhằm làm cho phong trào xã hội ở nơi định cư mới có được sự hoạt động hiệu quả, năm 1909, những người Do Thái Israel đã cho thành lập nông trang tập thể Kibbutz đầu tiên bên bờ hồ Tiberias, thuộc miền bắc Palestine. Tới năm 1948 (trước khi nhà nước Israel ra đời), ở khu vực Palestine đã có tới hơn 200 nông trang tập thể kiểu này. Những quy định của Kibbutz về quyền sở hữu (mọi tài sản thuộc về tập thể), quyền bình đẳng (tất cả các thành viên hoàn toàn bình đẳng với nhau)… thể hiện rõ sắc thái xã hội chủ nghĩa. Không những vậy, các Kibbutz còn nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc phân phối cộng sản chủ nghĩa: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, cùng với xung đột ngày càng tăng giữa người A rập và người Do Thái, các đoàn thể xã hội Do Thái thấy rõ họ không thể chỉ trông chờ vào sự bảo vệ của chính quyền Anh (năm 1920, Liên Hợp Quốc giao cho Anh quyền ủy trị ở vùng đất Palestine), quyết định xây dựng một tổ chức vũ trang chung gọi là Haganah. Ngoài nhiệm vụ duy trì an ninh cộng đồng, Haganah còn có trách nhiệm cảnh báo cho cư dân Do Thái và đẩy lùi các cuộc tấn công của người A rập. Về tổ chức, Haganah được thiết lập mô phỏng Công xã Paris năm 1871 và Hồng quân Liên Xô năm 1918, quyền chỉ huy vốn bị phân tán trước đây được tập trung lại, thành lập Bộ tư lệnh tối cao, Bộ tham mưu… Thành viên Haganah được phân về bố trí bảo vệ các Kibbutz.

Thực dân Anh hận Haganah tới tận xương tủy, không những tiến hành nhiều cuộc bố ráp, vây bắt các thành viên Haganah, mà còn ngầm khuyến khích sự cạnh tranh của phái cấp tiến cánh hữu do Zeev Jabotinsky cầm đầu trong Haganah. Năm 1931, phái Jabotinsky thoát ly khỏi Haganah, thành lập tổ chức quân sự quốc gia Israel, thường được biết đến với tên gọi “Irgun”. Irgun không ít lần tổ chức các cuộc hành quân phá hủy những khu định cư của người A rập, sau đó đổ tội cho Haganah. Mâu thuẫn giữa cánh tả và cánh hữu trong những người Do Thái di cư đến vùng đất Palestine ngày càng lộ rõ.

Năm 1933, Đại hội đại biểu chủ nghĩa phục quốc Do Thái toàn thế giới lần thứ 18 được tổ chức ở Praha (thủ đô của Tiệp Khắc) với mục tiêu chính là bầu một vị Chủ tịch Văn phòng đại diện người Do Thái tại Palestine. Các thế lực chính trị cánh tả và cánh hữu trong những người Do Thái di cư đến vùng đất Palestine kịch liệt đấu tranh nhằm giành được chức Chủ tịch đầy thực quyền này. Vốn có quan điểm chủ nghĩa xã hội, Ben Gurion đột nhiên thay đổi lập trường, bày tỏ ủng hộ “xây dựng một nước Do Thái phi Liên Xô hóa” để giành thêm sự ủng hộ, nhờ đó được bầu làm Chủ tịch Văn phòng đại diện người Do Thái tại Palestin.

Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc, những người Do Thái ở châu Âu được Hồng quân Liên Xô giải cứu khỏi những trại tập trung của phát xít Đức rầm rộ kéo nhau tới Palextin. Đại đa số họ cảm ơn ân đức của Joseph Stalin, hướng về chủ nghĩa xã hội và mang tình cảm này truyền bá, lay động những nhà lãnh đạo của Văn phòng đại diện người Do Thái tại Palestine cũng như Haganah.

Liên Xô từng cung cấp vũ khí cho người Do Thái thông qua đồng minh

Ngược lại với nghĩa cử cao đẹp của Liên Xô: cứu người Do Thái khỏi họa diệt chủng từ tay phát xít Đức, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, tại vùng đất Palestine, chính quyền Anh lại “trở mặt” với người Do Thái. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Luân Đôn đã đồng ý thành lập Lữ đoàn Do Thái, gồm hơn 5.000 quân tình nguyện Do Thái từ Palestine và chấp nhận để lá cờ phục quốc Do Thái làm chiến kỳ của lữ đoàn này.

Nhưng khi những khó khăn trong chiến tranh qua đi, người Anh đã ra lệnh tịch thu vũ khí, thậm chí còn tiến hành bắt giữ, đưa ra tòa nhiều thành viên Haganah, tiêu biểu là trường hợp Eliahu Sacharoff, bị kết án 7 năm tù chỉ vì sở hữu 2 viên đạn nhiều hơn so với giấy phép. Người Do Thái tỏ ra bất mãn với những chính sách nước Anh cho thực thi trên đất Palestine. Điều đó cũng dễ hiểu bởi: vì dầu lửa, người Anh tìm cách lấy lòng khối Arập bằng việc hạn chế số người Do Thái di cư và hạn chế người Do Thái mua đất đai ở Palestine, gián tiếp gây ra cái chết cho hàng nghìn người Do Thái trên những con tầu di cư nhưng bị trục xuất, không cho cập cảng vào đất Palestine.

Đúng lúc này, nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô Joseph Stalin cũng chú ý tới những thay đổi trên mảnh đất Palestine. Stalin rất hy vọng ở đây sẽ có một quốc gia Do Thái thân Liên Xô để từ đó phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đang hình thành ở khu vực Trung Cận Đông. Năm 1947, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thành lập Ủy ban tình báo, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Stalin. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ủy ban này là nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của một nhà nước Do Thái ở Trung Đông và khuyến khích nhà nước đó gia nhập phe xã hội chủ nghĩa. Như một bước đi phối hợp, Stalin còn nới rộng những hạn chế đối với những người Do Thái Liên Xô di cư đến Palestine và chỉ thị cho Tổng cục trưởng Tổng cục Trung Đông và Viễn Đông thuộc Ủy ban tình báo Andrea lựa chọn, tuyển mộ một số người Do Thái di cư, huấn luyện, bồi dưỡng làm nhân viên tình báo nhằm đảm bảo nhà nước Do Thái tương lai sẽ gia nhập phe Liên Xô.

Không để người Do Thái thất thế trong các cuộc xung đột quân sự với người Arập, Stalin còn chỉ thị cho ngành hải quan và tình báo tạo điều kiện thuận lợi cho những cựu chiến binh Liên Xô gốc Do Thái đã từng tham gia Chiến tranh Thế giới hoặc làm công tác đấu tranh địch hậu rời Liên Xô, sang Palestine làm giáo viên giảng dạy kiến thức quân sự, huấn luyện cho các thành viên Haganah. Cuối năm 1947, trong số 25.000 chiến binh của Haganah thì có đến hơn 1/3 là từ Liên Xô tới. Đặc biệt, tiếng Nga còn được sử dụng như một thứ ngôn ngữ chính thức trong các lực lượng chủ chốt của Haganah như thiết giáp, pháo binh, không quân. Sau năm 1947, khi Anh sắp hết quyền ủy trị đối với vùng đất Palestine như Liên hợp quốc giao phó, người Do Thái và người Arập cũng đã sẵn sàng “ngửa bài” với nhau. Nhằm tăng cường thực lực cho Haganah, Ben Gurion chạy đôn chạy đáo khắp nơi lùng mua vũ khí đạn dược. Các quốc gia phương Tây, gồm cả Mỹ ngoảnh mặt làm ngơ. Trong khi đó, lượng vũ khí mà các đoàn thể xã hội của người Do Thái ở các nước mua qua đường buôn lậu lại nhỏ giọt, không thể đáp ứng nhu cầu trang bị của Haganah.

Sau khi biết được điều đó, Moskva đã quyết định bán vũ khí cho người Do Thái thông qua đồng minh Tiệp Khắc. Ngày 1/4/1948, chiếc tầu hàng mang tên Norah chở đầy vũ khí, được ngụy trang trong những kiện hàng “máy móc nông nghiệp” khởi hành đi Palestine. Cho đến khi Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất bùng nổ, Liên Xô và Tiệp Khắc là hai nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Israel. Không những vậy, Liên Xô và Tiệp Khắc còn cung cấp sân bay chuyên dụng, xác lập hành lang trên không để giúp Ixraen huấn luyện phi công, lính dù.



Đi theo tiếng gọi của phương Tây

Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc biểu quyết thông qua Nghị quyết số 181 về việc phân trị Palestine. Tin tức vừa loan, người Do Thái ở Palestine như vỡ òa trong niềm sung sướng. Văn phòng đại diện của người Do Thái tại Palestine trong chốc lát đã “thoát thai” trở thành Chính phủ lâm thời Israel. Nhiều nhân sĩ cánh tả không thể chờ thêm nữa, lên tiếng kêu gọi xây dựng một bản hiến pháp mang phong cách Liên Xô nhằm đặt nền móng pháp lý cho việc Israel chính thức trở thành nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Thậm chí, một vị cựu Tổng tư lệnh của Haganah còn đích thân đến phòng làm việc của Ben Gurion thuyết phục nhà lãnh đạo này nên gia nhập phe xã hội chủ nghĩa sau khi quốc gia Do Thái giành được độc lập. Trong suy nghĩ của vị Tổng tư lệnh đó, việc đứng trong hàng ngũ những nước xã hội chủ nghĩa có lợi hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, thực tế còn cho thấy tới năm 1947, đại đa số tướng lĩnh chỉ huy Haganah có tình cảm tốt với Liên Xô.

Tuy nhiên, điều mà những nhân sĩ cánh tả không thể ngờ tới là Gurion không những cự tuyệt với yêu cầu của vị cựu Tổng tư lệnh kia, mà còn dùng cả uy quyền của mình để ngăn chặn những quan chức của Haganah truyền bá tư tưởng thân Liên Xô ra ngoài. Rõ ràng, trong bối cảnh cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Liên Xô đang diễn ra quyết liệt, Gurion không dám đưa ra một quyết định nào mang tính “nhất biên đảo”: hoặc là đứng hẳn về phía Moskva hoặc là vào chung chiến tuyến với Oasinhtơn. Đặc biệt là khi đó, Gurion cùng các chiến hữu của mình đang tìm kiếm nguồn chi viện tài chính từ những đoàn thể xã hội Do Thái giàu có ở các nước Âu-Mỹ. Thậm chí, để có được sự tiếp tế từ phương Tây, những nhân vật thuộc phái Gurion còn lớn tiếng hô hào: “Có tiền mới có nhà nước Do Thái” và phát đi tín hiệu: “Quyết không cho phép ‘nhuộm đỏ’ nhà nước Do Thái”.

Ngày 14/5/1948, Israel tuyên bố lập quốc. Chỉ vài giờ sau khi lễ lập quốc kết thúc, Israel đã phải hứng chịu đòn hợp vây của 5 nước Arập. Cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất bùng nổ, các nhân viên vũ trang của Haganah lùi dần, lùi dần và cuối cùng là tháo chạy trước những đòn tấn công mãnh liệt của quân đội 5 nước Arập. Trong khi đó, những thành viên Irgun vốn không nghe theo mệnh lệnh của chỉ huy lại càng làm cho vấn đề phức tạp thêm. Bởi hành động tấn công của các phần tử này nhằm vào một số thôn trang Arập đã trực tiếp làm tổn hại tới hình ảnh quốc tế của Israel.

Ngày 26/5, Chính phủ Israel ban hành Luật Lực lượng vũ trang quốc gia, sau đó chính thức thông qua mệnh lệnh xây dựng quân đội, chỉ rõ: “quân quốc phòng” là lực lượng vũ trang hợp pháp duy nhất của Israel, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của tất cả các tổ chức vũ trang khác. Nhưng việc quân đội mới thành lập của Israel không mang tên “quân đội cách mạng” hay “quân đội nhân dân” đã làm cho rất nhiều thành viên Haganah phẫn nộ. Họ kéo nhau đệ đơn từ chức. Gurion phải tìm mọi cách khuyên giải, đồng thời cam kết sẽ kết nạp phần lớn thành viên Haganah vào làm lực lượng chủ lực của “quân quốc phòng” mới khiến những người này rút đơn về.

Ngày 20/6, tàu hàng mang tên Altalena của tổ chức Irgun chở theo những kiện súng đạn từ châu Âu trở về, sắp tới vùng biển ngoài khơi Tel Aviv thì bị chặn lại. Gurion ra lệnh tịch thu toàn bộ số vũ khí trên tầu Altalena và giải giáp vũ trang đối với tổ chức Irgun với lý do vi phạm Luật Lực lượng vũ trang quốc gia. Menachem Begin, nhân vật lãnh đạo Irgun lúc đó, không bao giờ nghĩ rằng Gurion sẽ ra tay với mình, nên ra lệnh cho thuộc cấp trên tầu Altalena kháng cự đến cùng. 16 giờ chiều ngày 22/6, đại bác của quân quốc phòng bắn chìm tầu Altalena. Hơn 200 thành viên Irgun, trong đó có Begin bị tống vào ngục giam với tội danh phản quốc. Nhưng hành động này của Gurion không đơn giản là nhằm loại bỏ nỗi lo canh cánh trong lòng (sự tồn tại của Irgun), mà còn có ý nghĩa bắn đi tín hiệu cảnh cáo đối với thế lực cánh tả do Haganah làm đại diện: “Nếu đi theo Liên Xô cũng sẽ chuốc lấy hậu quả như Irgun”.

Dưới sự giúp đỡ bí mật của Liên Xô, Israel cuối cùng cũng vượt qua cơn hiểm nguy từ cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất. Tuy nhiên, những nhân vật lãnh đạo Israel khi đó đã không đi theo con đường Stalin dự trù. Ngược lại, trước sự sức hấp dẫn của những khoản viện trợ kinh tế, Tel Aviv đã dần dần nghiêng về phe phương Tây. Điều này cũng được khẳng định trong những bản báo cáo tình báo do điệp viên KGB cài cắm ở Israel, Vladimir Wellkiboron, gửi về Moskva. Wellkiboron chỉ rõ Chính phủ Công Đảng của Israel do Gurion lãnh đạo đã xác định lại chính sách quốc gia và đường lối chính trị hợp tác chặt chẽ với Mỹ của Tel Aviv là không thể thay đổi. Rốt cuộc, Stalin cũng biết được Israel đã đưa ra sự lựa chọn chính trị cuối cùng. Đó chính là lý do Moskva chuyển sang ủng hộ các nước Arập.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,