Hồi ức của tướng Liên Xô về những ngày Hà Nội rực lửa năm 1972

Đọc các tổng kết chiến dịch Linebacker II (Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không) của tướng A. Hiupenen trên báo chí, độc giả quốc tế cảm nhận: “Đã chọn được đúng người, đúng việc, đúng lúc” (the right man for the right job at the right time).

Hồi ức của tướng Liên Xô về những ngày Hà Nội rực lửa năm 1972

Quân lệnh như sơn

Một ngày đầu năm 1972, tại sở chỉ huy tập đoàn quân Phòng không số 12, Đại tướng Tư lệnh Tập đoàn quân trao đổi điện thoại hồi lâu với Tư lệnh phòng không quốc gia, nguyên soái Batitsky, rồi truyền đạt lệnh của lãnh đạo tối cao cho cấp phó số một của mình: “Anatoly Ivanovitch! Trên quyết định điều động đồng chí vào một công tác đặc biệt: sang Việt Nam DCCH đảm nhiệm cương vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Xô Viết. Ý kiến của đồng chí thế nào?”

Thiếu tướng Hiupenen Anatoly Ivanovitch (SN 1928) trầm ngâm trước bước ngoặt bất ngờ của đời quân ngũ…

Ngày 15/12/1972, một chuyến bay hơn 20 giờ đồng hồ, từ Moskva – Tashkent – Deli – Calcuta – Yangoon – Vientiane – Hà Nội đáp xuống sân bay quốc tế Gia Lâm. Cùng bay vào “tâm bão” với chồng, và đoàn chuyên gia còn có phu nhân Hiupenen, bà Valentina Petrovna. Vài chục giờ sau, hàng chục pháo đài bay B 52 lao vào xâm phạm vùng trời miền Bắc, hòng “biến Thủ đô Hà Nội thành đống gạch vụn”.

Lao vào những bộn bề chiến sự dưới tầm bom “rải thảm”, tướng Huipenen liên tưởng những ngày thành phố quê hương đội mưa bom của phát xít trong cuộc phong tỏa Leningrad, khi ông còn ở tuổi thiếu niên.

Số phận gắn với SAM 2

Sau 10 năm phục vụ quân chủng Phòng không, lên tới cấp chỉ huy khẩu đội, năm 1957, chàng trai Hiupenen được nhập học Học viện chỉ huy pháo binh Leningrad (BAKA), khoa Phòng không. Đây cũng là năm đồng bộ tên lửa C 75 Dvina (thường gọi là SAM 2, SA – 2) được đưa vào sử dụng.

Tại Học viện, Hiupenen được biết đến không chỉ vì thành tích học tập, mà còn là vô địch toàn trường về vật tự do, giành các giải thưởng về bơi, trượt tuyết tốc độ, tham gia đội tuyển bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền… tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học quân sự của nhà trường.

Tốt nghiệp Học viện, Hiupenen có nhiều lựa chọn, trong đó có đề nghị làm Trưởng khoa chiến thuật – xạ kích của một trường sĩ quan pháo phòng không… Nhưng Hiupenen đã quyết định khởi nghiệp trên cương vị chỉ huy một tiểu đoàn tên lửa phòng không trang bị SAM 2.

Nhờ các kết quả bắn giỏi của đơn vị mình trong các cuộc sát hạch bắn đạn thật, tới năm 1963 tên tuổi chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không (gồm 5 tiểu đoàn, sau cấp trên tin cậy giao huấn luyện thêm 5 tiểu đoàn nữa) Hiupenen đã được biết đến trong toàn quân nhờ thành tích xạ kích và xây dựng đơn vị trang bị vũ khí hiện đại trên một địa bàn đóng quân cực kỳ khó khăn về địa hình, thời tiết, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và hậu cần, kể cả nhà ở cho sĩ quan và gia binh.. phải xây dựng từ số 0.

Sau một năm ở cấp phó sư đoàn trưởng tên lửa phòng không và nhận được huân chương đầu tiên, Hiupenen được bổ nhiệm vào cương vị chỉ huy sư đoàn từ năm 1968, và nhận quân hàm đại tá trước niên hạn.

Sư đoàn phòng không của ông có biên chế vượt khung, gồm hai trung đoàn không quân (máy bay đánh chặn TU – 128, và IAK – 28), ba binh đoàn tên lửa phòng không loại C – 75 và C- 125 trên một hướng chính, một trung đoàn và một lữ đoàn tên lửa phòng không trên hai hướng khác, hai trung đoàn radar.

Những năm 1969 – 1970 trong biên chế sư đoàn xuất hiện vũ khí mới – đồng bộ tên lửa C 200. Từ 1971, khi Hiupenen trở thành một thiếu tướng trẻ nhất ở cấp chỉ huy một Tập đoàn quân Phòng không, đảm trách không phận của ba nước Cộng hòa Trung Á có khí hậu nhiệt đới. Tại một trường bắn trực thuộc biên chế của tập đoàn quân này bắt đầu thử nghiệm đầu tiên một vũ khí mới, sau này được biết đến là đồng bộ tên lửa C 300, mà số mệnh sẽ lại gắn với Hiupenen, sau khi ông từ Việt Nam về, trong hành trang là tổng kết tác chiến của SAM 2.

Bẻ gẫy cánh diều hâu

Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô do Hiupenen đứng đầu kề vai chiến đầu cùng bộ đội Phòng không – Không quân (PKKQ) Việt Nam do Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương đứng đầu. Các báo cáo sau trận đánh của chuyên gia Liên Xô và bộ đội PKKQ Việt Nam sau thử lửa đầu tiên với đội hình B 52 cho thấy, cuộc tập kích của Mỹ bộc lộ ngay những điểm yếu.

Trong “ván cờ” Linebacker II, phía Mỹ đã “ra quân” với lực lượng đông đảo chưa từng có những phương tiện chiến tranh đường không hiện đại nhất thế giới, nhưng vẫn với những nước đi, cách dàn đội hình theo khuôn mẫu… “giúp” bộ đội PKKQ Việt Nam “lấy ít địch nhiều”, đánh bại địch trong cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên nhờ “chia cắt đội hình địch”, bất chấp muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua về công nghệ, đảm bảo hậu cần chiến dịch.

Sau này, thượng tướng Hiupenen chiêm nghiệm, những “gót chân Asin” của đối phương đã giúp Tổng hành dinh và Bộ Tư lệnh PKKQ, “những người đánh cờ”, tính vượt trước kẻ thù nhiều nước cờ, giúp Hà Nội chiến thắng trong cuộc đấu trí quyết liệt nhất, bẻ “gãy cánh” những con “diều hâu” ở Nhà Trắng.

Chiến dịch phòng không của Hà Nội (dù còn thiếu nhiều yếu tố như tác chiến của Không quân tiêm kích Việt Nam còn hạn chế do đội ngũ phi công bay đêm chưa kịp “đủ lông đủ cánh”, đạn tên lửa không đủ, chỉ dành đánh B 52…) trong mắt các đồng đội Xô Viết, trong Linebacker II, là biểu tượng về độ chín của một quân chủng sử dụng vũ khí – khí tài hiện đại, đã “đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn”, để ‘càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng”. Chính sách phòng không nhân dân của Hà Nội và Miền Bắc tới lúc này cũng biểu hiện rõ quan hệ hữu cơ giữa tác chiến của Quân đội Nhân dân và đường lối Chiến tranh nhân dân, tự lực kháng chiến và tận dụng tốt nhất sự ủng hộ của bè bạn năm châu, hồi ức của các cựu chuyên gia phòng không Liên Xô được xuất bản gần đây chỉ rõ.

Tướng Hiupenen hẳn nhớ lại cảm nhận về trách nhiệm quân sự và chính trị giây phút ông được Lãnh đạo Liên Xô giao trọng trách sang Việt Nam, khi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh với Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ngay sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không: “Trong cuộc chiến (trên bầu trời Miền Bắc) này bộ đội tên lửa phòng không đã giành chiến thắng cả về quân sự lẫn chính trị” («Победу в этой войне не только боевую, но и политическую завоевали зенитно-ракетные войска»).

Hậu chiến

Sau chiến tranh, nhận được những huân chương cao quý nhất của hai nhà nước, tướng Hiupenen vẫn vùi đầu vào nghiên cứu, tổng kết. Chỉ sau một năm, năm 1976, ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ: vai trò bộ đội Phòng không trong chiến tranh cục bộ ( «Роль войск ПВО в локальных войнах») được giới khoa học quân sự đánh giá cao về tổng kết kinh nghiệm xây dựng lực lượng và hiện đại hóa vũ khí PKKQ trong thực tiễn chiến tranh hiện đại.

Ông kiêm nhiệm trọng trách chủ tịch Ủy ban Nhà nước về kiểm nghiệm – đưa vào sử dụng các đồng bộ vũ khí phòng không С-300ПС (1981) và С-200Д (1984), trong khi đảm nhiệm các cương vị cấp cao nhất của bộ đội PKKQ Liên xô.

Năm 1991, thượng tướng Hiupenen trông thấy sự sụp đổ của tổ quốc Xô Viết và quyết định nghỉ hưu, sau 6 năm làm giám đốc Học viện Phòng không quốc gia mang tên nguyên soái Jukov. Nhưng cho tới gần đây, trên các cương vị của “mặt trận” học thuật như viện sĩ hàn lâm Viện An ninh, Quốc phòng và Pháp chế Nga, ông hiện vẫn là một trong những tiếng nói quan trọng nhất về chiến lược quân sự.

Theo LÊ ĐỖ HUY / VIETNAMNET

Tags: , , ,