Hội chứng thái nhân cách và sự nguy hiểm của 4% dân số thế giới

Nếu bạn không có cảm giác tội lỗi, hối hận hay hổ thẹn khi làm những điều xấu, bạn thuộc về 4% dân số nhân loại mắc chứng thái nhân cách.

Hội chứng thái nhân cách và sự nguy hiểm của 4% dân số thế giới

Thái nhân cách (psychopathy) là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp psukhe (tâm) và pathos (bệnh tật, đau khổ), và từng được dùng để chỉ bất kì rối loạn tâm thần nào.

Vào thời điểm hiện tại, chứng thái nhân cách được mô tả chính xác nhất trong hai công trình có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này: Without Conscience (Không có Lương tâm) của Robert Hare và The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường) của Hervey M. Cleckley. Một kẻ thái nhân cách đúng chính xác là như vậy: vô lương tâm, và quan trọng hơn cả, điều này được ẩn giấu sau một cái mặt nạ bình thường tốt đến nỗi ngay cả các chuyên gia cũng bị đánh lừa. Một công trình thứ ba gần đây hơn, Snakes in Suits (Rắn độc mặc Com lê) của Robert Hare và Paul Babiak, đã nâng nghiên cứu trong lĩnh vực này lên một tầng cao mới bằng cách nhấn mạnh thực tế là: Nhờ khả năng che giấu bản chất thực sự của chúng, những kẻ thái nhân cách dễ dàng trở thành những con rắn độc mặc com lê nắm quyền kiểm soát thế giới của chúng ta. Nhà tâm lý học từ trường đại học Harvard, Martha Stout, mô tả sự phối hợp chết người này như sau:

– Hãy tưởng tượng – nếu bạn có thể – không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời bạn, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào.

– Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin.

Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lí của bạn khác xa so với họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào.

Bạn không bị kìm giữ khỏi bất cứ mong muốn nào bởi cảm giác tội lỗi hay hổ thẹn, và bạn cũng không phải đối mặt với ai về sự nhẫn tâm của mình. Thứ nước đá trong mạch máu của bạn kỳ quái và khác xa những gì họ từng trải qua đến mức họ hiếm khi có chút ý niệm gì về trạng thái của bạn.

Nói một cách khác, bạn hoàn toàn không có chút vướng bận nội tâm nào, và tiện lợi hơn nữa, khả năng tự do làm bất cứ điều gì mà không bị lương tâm cắn dứt của bạn không ai nhận thấy được.

Bạn có thể làm bất cứ điều gì, và ngay cả khi đó, cái lợi thế kì lạ của bạn so với phần đông những người khác, những người bị giới hạn bởi lương tâm của họ, vẫn thường không bị phát hiện.

Bạn sẽ sống như thế nào?

Bạn sẽ làm gì với lợi thế to lớn và bí mật của bạn, và với sự bất lợi tương ứng của những người khác (lương tâm)?

Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào việc những ham muốn của bạn là gì, bởi vì không phải ai cũng giống ai. Ngay cả những kẻ vô đạo đức sâu sắc cũng không phải đều giống nhau. Một số người – cho dù họ có lương tâm hay không – thích sự thảnh thơi biếng nhác trong khi một số khác đầy ắp những mơ ước và khát vọng cuồng nhiệt. Một số người tài giỏi lỗi lạc, một số ngu đần, và phần lớn, dù có lương tâm hay không, ở vào khoảng giữa. Có những người hung bạo và những người hòa nhã; những cá nhân khát máu và những người không có ham muốn như vậy. […]

Chỉ cần bạn không bị buộc phải dừng lại, bạn có thể làm bất cứ điều gì.

Nếu bạn sinh ra vào đúng thời điểm, được thừa kế cơ nghiệp gia đình, và bạn đặc biệt có tài khơi dậy lòng hận thù và cảm giác bị tước đoạt ở những người khác, bạn có thể sắp xếp để giết hại một số lớn những người khác mà họ không nghi ngờ gì. Nếu có đủ tiền, bạn có thể thực hiện việc này từ xa, nơi bạn có thể ngả lưng ngồi xem trong an toàn và thỏa mãn. […]

Điên rồ, đáng sợ – và có thật trong khoảng 4 phần trăm dân số…

Tỉ lệ phổ biến của chứng rối loạn chán ăn được ước tính là 3.43 phần trăm, và được coi gần như là bệnh dịch. Thế mà con số này vẫn còn thấp hơn tỉ lệ của chứng rối loạn nhân cách chống xã hội. Tâm thần phân liệt, một chứng rối loạn nhân cách được nhiều người biết đến, chỉ xảy ra ở 1 phần trăm dân số – chỉ bằng một phần tư tỉ lệ nhân cách chống xã hội. Và tỉ lệ ung thư đại tràng ở Mỹ, một tỉ lệ được các trung tâm kiểm soát dịch bệnh cho là “cao một cách đáng báo động”, là khoảng 40 trên 100.000 – một trăm lần nhỏ hơn tỉ lệ nhân cách chống xã hội.

Tỉ lệ cao của chứng thái nhân cách trong xã hội con người có ảnh hưởng sâu sắc lên phần còn lại của chúng ta, những người cũng phải sống trên hành tinh này, ngay cả những người chưa bị tổn thương lâm sàng. Các cá nhân trong cái 4 phần trăm ấy làm tổn thương các mối quan hệ của chúng ta, vét sạch các tài khoản ngân hàng của chúng ta, làm kiệt quệ lòng tự trọng của chúng ta, lấy đi các thành quả của chúng ta, và ngay cả sự yên ổn của chúng ta trên trái đất.

Vậy mà đáng ngạc nhiên là nhiều người không biết gì về chứng rối loạn này, hoặc nếu có biết, họ chỉ nghĩ về phần bạo lực của chứng thái nhân cách – những kẻ giết người hay giết người hàng loạt – những kẻ vi phạm pháp luật nhiều lần một cách rõ ràng, những kẻ nếu bị bắt sẽ bị bỏ tù, hay thậm chí có thể bị tử hình bởi hệ thống luật pháp của chúng ta.

Chúng ta thường không biết đến và cũng thường không nhận ra con số lớn hơn của những kẻ thái nhân cách không bạo lực, những kẻ thường không vi phạm pháp luật một cách rõ ràng, những kẻ mà hệ thống pháp luật chính thống của chúng ta hầu như bất lực.

Hầu hết chúng ta không hình dung được sự tương ứng nào giữa việc thai nghén một kế hoạch diệt chủng và việc nói dối với ông chủ về đồng nghiệp mà không chút hối hận. Thế nhưng sự tương ứng về tâm lí không chỉ có ở đó; nó làm ta ớn lạnh. Đơn giản mà sâu sắc, mối liên hệ giữa hai trường hợp là sự thiếu vắng cái cơ chế tình cảm bên trong khiến chúng ta day dứt mỗi khi chúng ta làm việc gì mà chúng ta cho là vô đạo đức, trái với luân lí, vô trách nhiệm hay ích kỉ.

Hầu hết chúng ta cảm thấy có lỗi một chút nếu chúng ta ăn miếng bánh cuối cùng trong bếp, chứ đừng nói đến khi chúng ta tìm cách hại người khác một cách cố tình và có hệ thống.

Những kẻ không có chút lương tâm nào tạo thành một nhóm riêng biệt, dù chúng là những tên bạo chúa giết người hay chỉ là những kẻ nhẫn tâm đâm bị thóc chọc bị gạo trong xã hội.

Sự hiện diện hay vắng mặt của lương tâm là một sự phân chia sâu sắc trong loài người, có thể nói còn quan trọng hơn là trí thông minh, chủng tộc hay thậm chí giới tính.

Cái phân biệt giữa một kẻ thái nhân cách sống ăn bám vào sức lao động của người khác khỏi một kẻ thỉnh thoảng đi cướp các cửa hàng nhỏ hay một tên tướng cướp – cái tạo nên sự khác biệt giữa một thằng du côn bình thường và một tên giết người thái nhân cách – chỉ là địa vị xã hội, động cơ, trí thông minh, sự khát máu, hay đơn giản là cơ hội. Chứng thái nhân cách được định nghĩa trong tâm thần học là một trạng thái đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng đồng cảm hoặc lương tâm, tính khoa trương, ngạo mạn, nhẫn tâm, nông cạn, kém khả năng kiềm chế và hay sử dụng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát của cải, tài nguyên hoặc con người. Kẻ thái nhân cách cũng được biết đến là dễ nóng giận, không cảm thấy hối lỗi hay lo lắng và dễ phạm pháp hay gây tội ác.

Theo DẤU HIỆU THỜI ĐẠI

Tags: