Thế giới ‘đa cực, đa trung tâm’ đang định hình rõ nét?

Như vậy, những động thái có tính chiến lược diễn ra trong năm 2016 và 2017, nhất là ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các cường quốc mới nổi, cho thấy đang có sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới.

Năm 2010 đã đặt dấu chấm hết cho một thế giới “đơn cực” được thiết lập từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh (1991), bằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi ông thừa nhận một “trật tự thế giới đa đối tác”. Tuy nhiên, phải đến Tổng thống kế nhiệm Donald Trump, khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” được khẳng định và sự “bình đẳng”, “cân bằng”, “cùng có lợi”, “có đi, có lại”… trong quan hệ quốc tế được ông Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng một thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét hơn.

Từ định hướng đến định hình

Năm 2010 Tổng thống Mỹ Obama đã thừa nhận một thế giới đa cực hay còn gọi là “trật tự thế giới đa đối tác” và Mỹ đang phải xem xét trao quyền lực thêm cho nhiều “người chơi” khác trong đời sống chính trị thế giới, điều này đã chứng tỏ Mỹ cần phải chứng minh thái độ của mình khi đối mặt với những biến động trong đời sống chính trị quốc tế.

Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Obama đã đưa ra chủ thuyết được gọi là “Chủ nghĩa Obama” với chính sách hướng nội, và chính sách đối ngoại đa phương gắn với quyền lực mềm, nhưng “Mỹ vẫn là số một”, Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo thế giới.

Theo chủ thuyết Obama thì các nguyên tắc cần phải tuân thủ đó là: (1) “Mỹ vẫn là quốc gia mạnh và giàu có nhất trên hành tinh”; (2) “Nước Mỹ vẫn đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền”. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi bởi những chuyển biến cực kỳ quan trọng trong nửa cuối năm 2016 và năm 2017.

Giới phân tích cho rằng, có hai sự kiện mang tính “đột phá” đó là kết quả bầu cử và trưng cầu ý dân ở Mỹ và Anh đã thúc đẩy quá trình chuyển biến mạnh mẽ trật tự thế giới từ định hướng sang định hình với cấu trúc “đa cực, đa trung tâm”.

Sự kiện ngày 12/11/2016 và gần một năm cầm quyền của ông Donald Trump, sự đảo lộn trật tự trong tư duy của người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã tạo dấu ấn trong nền chính trị thế giới với sự chuyển động “khác thường”.

Với tư duy “Nước Mỹ là trên hết” trong chính sách đối nội, và “chủ nghĩa dân tộc” trong chính sách đối ngoại, ông Trump đã vượt qua cả chính sách hướng nội và “không làm chuyện điên rồ” (tức là không đưa quân ra nước ngoài) của người tiền nhiệm Obama.

Chính sách “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi ro” của ông Obama cũng được thay thế bằng việc ông Trump yêu cầu các đồng minh phải tự bảo vệ mình, Mỹ sẵn sàng bán vũ khí cho các nước đồng minh và đối tác để họ bảo vệ nền độc lập, các nước sẽ phải trả tiền khi thuê quân đội Mỹ bảo vệ.

Trên thực tế, ông Trump đã ký sắc lệnh hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với Hiệp định TPP và tuyên bố chấm dứt chiến lược “xoay trục” về châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Trump cũng điều chỉnh một số quan điểm của mình so với cương lĩnh khi còn tranh cử. Theo đó, lời hứa “hâm nóng” quan hệ với Nga đã biến thành gia tăng sự thù địch; ý tưởng “đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, thành quan điểm “cứng rắn”, gia tăng trừng phạt và không loại trừ giải pháp quân sự.

Trong khi châu Á sẵn sàng tâm lý ghi nhận chủ nghĩa “song phương” trong quan hệ thương mại và “biệt lập” trong quan hệ đối ngoại của Mỹ, thì “bất ngờ” trên Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (Việt Nam) ông Trump lại rất coi trọng tổ chức đa phương này, ông không hề nói đến vấn đề nhân quyền – một trong hai nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của người tiền nhiệm Obama.

Ông Trump nói: “Mỹ tự hào là thành viên của cộng đồng kinh tế dưới mái nhà chung Thái Bình Dương”. Ông kiên định chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” và mong muốn tất cả mọi người trong hội trường này cũng coi trọng đất nước mình trên hết.

Theo giới quan sát, lần đầu tiên ông Trump sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” với tần suất 9 lần trong bài phát biểu 4.950 từ, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng có thể ông Trump đã thai nghén một Chiến lược khu vực trong Đại Chiến lược của Mỹ trong tương lai.

Theo giới phân tích, những động thái nêu trên cho thấy chính sách “nước Mỹ là trên hết” chỉ hàm ý nước Mỹ dưới thời ông Trump vẫn là quốc gia số một toàn cầu, nhưng không bao gồm vai trò “lãnh đạo thế giới”.

Trong quá trình tranh cử tuy ông Trump có đề cập cụm từ này, nhưng kể từ khi nhậm chức đến nay ông không hề nhắc lại, nhất là trong chuyến công du châu Á hơn 10 ngày vừa qua, điều đó cho thấy nước Mỹ đã thực sự chấp nhận một thế giới “đa cực, đa trung tâm”, khiến các cường quốc khu vực đặc biệt quan tâm và triệt để khai thác.

“Cuộc đua” tìm vị thế

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược (vành đai, con đường); lặng lẽ tiếp nhận vai trò khu vực bằng những giải pháp “mềm hơn”: gia tăng quan hệ Mỹ – Trung “có đi, có lại”; “đóng băng vấn đề Biển Đông” chấp nhận đàm phán thực chất về COC; hòa dịu và thân thiện hơn với một số nước láng giềng; gia tăng ảnh hưởng và lợi ích trên phạm vi toàn cầu; mở rộng quan hệ với các đối tác ở Trung Đông – Bắc Phi và Mỹ Latin…

Liên bang Nga tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, vượt qua cấm vận, lấy lại vị thế trên trường quốc tế; bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực chiến lược, gia tăng ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương. Họ chủ động trong tiến trình hòa bình Syria, buộc Mỹ và phương Tây phải thừa nhận vai trò quốc tế của mình; gia tăng quan hệ với Trung Quốc, quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản, thiết lập cơ chế “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước.

Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi Hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy “kinh tế đi trước” trong giải quyết vấn đề đang tranh chấp với Nga.

EU đang khởi sắc nhưng vẫn phải trăn trở với mô hình “đa tốc độ” hay “liên bang”, tìm kiếm quan hệ Anh – EU tối ưu thời hậu Brexit, đối mặt với nạn nhập cư, khủng bố, vấn đề Ukraina và quan hệ với Nga. Vấn đề dân túy, cực đoan, tuy không còn “nóng” nhưng vẫn âm ỷ, nhất là số ghế của đảng cánh hữu trong Quốc hội Đức tăng cao.

Trong khi đó, Catalonia bùng phát, khiến nguy cơ mất an ninh tiềm ẩn. Tuy nhiên, EU-27, đứng đầu là Đức vẫn cố gắng để hạn chế sự tác động của Brexit, nhằm lấy lại vị thế của mình với việc nhất thể hóa quân đội châu Âu, tạo sự độc lập tương đối với NATO.

Tại khu vực Trung Đông, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại khu vực, kể cả bằng biện pháp quân sự, liên minh chống khủng bố; gác lại các bất đồng về lợi ích, liên kết với Nga, giải quyết vấn đề hòa bình Syria và khu vực, độc lập hơn với Mỹ và EU.

Australia, Hàn Quốc với vị thế “cường quốc hạng trung” cũng tìm cách vươn lên trong xu thế đa cực hóa thế giới, muốn có tiếng nói độc lập hơn, trong quan hệ với Mỹ, nhưng vẫn tìm cơ chế hợp tác mới để nằm trong sự bảo vệ của đồng minh Mỹ theo hướng “có đi, có lại”.

Đối với ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh ở Manila (Philippines) cho thấy, sự đồng thuận cao hơn trong vai trò trung tâm, nòng cốt và cân bằng lợi ích giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực, nhất là sự tiến bộ trong tiến trình hình thành COC. Vấn đề quan hệ ASEAN với Trung Quốc, Mỹ có chiều hướng thuận lợi hơn trước.

Như vậy, những động thái có tính chiến lược diễn ra trong năm 2016 và 2017, nhất là ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các cường quốc mới nổi, cho thấy đang có sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét hơn là có cơ sở.

Theo NGUYỄN NHÂM / VOV

Tags: