Điều gì đã dẫn đến cuộc binh biến ở Myanmar?

Vụ bắt giữ các lãnh đạo dân sự Myanmar diễn ra sau nhiều tuần quân đội cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, và lo ngại một cuộc chính biến đã xuất hiện từ tuần trước.

Điều gì đã dẫn đến cuộc binh biến ở Myanmar?

Myanmar từng được coi là trường hợp hiếm có trong chính trị quốc tế, khi các tướng quân đội chủ động nhường lại một phần quyền lực cho các lãnh đạo dân sự, rồi tôn trọng cuộc bầu cử năm 2015. Sau cuộc bầu cử được ngợi ca năm đó, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lên nắm quyền, theo New York Times.

Sau 5 năm, Myanmar nay lại rơi vào khủng hoảng, theo sau nhiều tuần tranh cãi về gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng áp đảo hơn so với năm 2015.

Lãnh đạo của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, và các nhân vật cao cấp khác của đảng cầm quyền bị quân đội bắt giữ vào sáng sớm ngày 1/2, theo phát ngôn viên của đảng này.

Các phóng viên nước ngoài ở Myanmar sáng 1/2 cho biết mạng điện thoại ở thủ đô Naypyidaw đang khó liên lạc, và mọi người đang lo ngại việc ra khỏi nhà. Reuters cho biết binh lính đã bao quanh tòa thị chính ở Yangon, trong khi đài truyền hình trung ương đang không phát sóng vì “trục trặc kỹ thuật”.

Quân đội cáo buộc bầu cử gian lận

Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển – đảng thân với quân đội – cáo buộc có 10 triệu phiếu gian lận, và đòi hỏi ủy ban bầu cử công bố danh sách cử tri để kiểm chứng.

Các đảng khác đại diện cho người thiểu số cũng phàn nàn rằng cử tri của họ bị tước quyền bỏ phiếu do bất ổn chính trị tại các địa phương ngay trước cuộc bầu cử, theo New York Times.

Người thiểu số ở một số bang của Myanmar phải tị nạn sang Bangladesh do tình hình bạo lực, bất ổn. Ảnh: New York Times.

Do Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 (tổng cộng hơn 140.000 ca nhiễm, hơn 3.100 ca tử vong), các đảng nhỏ đã kêu gọi quân đội và đảng NLD giải quyết khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại, và tập trung vào chống dịch.

Bà Aung San Suu Kyi có mối quan hệ phức tạp với quân đội. Trước khi lên nắm quyền, bà từng bị quân đội quản thúc tại gia trong 15 năm, và từng được quốc tế ca ngợi vì cuộc đấu tranh bền bỉ cho dân chủ ở Myanmar.

Trong những năm gần đây, sau khi lên nắm quyền kể từ cuộc bầu cử năm 2015, chính bà lại trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất bảo vệ cho quân đội trước các cáo buộc quốc tế về chính sách đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Từ cuối năm 2017, hàng trăm nghìn người Rohingya đã phải đi tị nạn vì những chính sách phân biệt của Myanmar đối với họ, theo New York Times.

Đến cuộc bầu cử cách đây vài tháng, khi bà vẫn duy trì mức ủng hộ cao và NLD tiếp tục được cử tri đồng loạt tín nhiệm, các tướng lĩnh đã công khai thể hiện mất kiên nhẫn với chính cơ chế lãnh đạo dân sự mà họ cho phép dựng nên.

Myanmar mới chỉ có lãnh đạo dân sự khoảng gần một thập kỷ nay, sau gần 50 năm dưới chính quyền quân sự. Nền dân chủ non trẻ của nước này được dựa theo bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, theo đó chia sẻ quyền lực giữa các tướng lĩnh và một chính phủ dân sự.

Trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đảng NLD giành gần 400 ghế trong Quốc hội, tức hơn 60% (1/4 số ghế tự động thuộc về quân đội). Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển thân với quân đội bị đánh bại ở khắp cả nước, chỉ thắng khoảng 30 ghế.

Các nhà quan sát phê phán điều mà họ cho là sự thiếu minh bạch từ phía ủy ban bầu cử, và việc đóng cửa hòm phiếu ở các khu vực người dân tộc thiểu số vì lý do an ninh. Điều này khiến 1,5 triệu cử tri không thể bỏ phiếu, gây thêm bất bình và tâm lý chống đảng NLD ở những khu vực vốn đã bất ổn từ trước, theo AFP.

Người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi ăn mừng chiến thắng của phe NLD vào tháng 11/2020. Ảnh: AFP.

Tin đồn đảo chính nhiều ngày nay

Vụ bắt giữ các lãnh đạo chính phủ diễn ra vào sáng sớm ngày 1/2, chỉ vài giờ trước khi Quốc hội khai mạc phiên họp mới kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.

Nhiều ngày nay, tin đồn về đảo chính đã râm ran ở Myanmar. Hơn chục phái đoàn ngoại giao, bao gồm Mỹ và EU, vào ngày 29/1 đã kêu gọi quân đội và các đảng phái ở nước này “hãy tuân theo các thông lệ dân chủ”.

“Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực thay đổi kết quả cuộc bầu cử và ngăn cản quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar”, tuyên bố của các phái đoàn ngoại giao cho biết. Nhà sử học Thant Myint-U, tác giả cuốn The Hidden History of Burma, cho rằng cần phải “bảo vệ con đường vô cùng hẹp đến với dân chủ của Myanmar”.

Đầu tuần trước, một phát ngôn viên của quân đội tiếp tục kêu gọi kiểm tra lại danh sách cử tri, đồng thời nhất quyết không loại trừ khả năng quân đội tiếp quản chính quyền, nhằm đối phó với tình hình mà ông gọi là “khủng hoảng chính trị”.

Chỉ một ngày sau, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, cũng là nhân vật quyền lực nhất ở nước này, tiếp tục gây sốc khi ngỏ ý ủng hộ kịch bản trên, và nói Hiến pháp có thể bị “hủy bỏ” trong một số tình huống.

Sau tuyên bố chung của các phái đoàn ngoại giao ngày 29/1, quân đội ngày 30/1 lại ra thông cáo nói phát ngôn của tổng tư lệnh đã bị hiểu nhầm, và tuyên bố sẽ tuân theo Hiến pháp. Nhưng thông cáo của quân đội không nhắc cụ thể đến lo ngại về một cuộc đảo chính.

Cuối tuần trước, ngày 29/1, an ninh tại thủ đô Naypyidaw được thắt chặt, với nhiều cảnh sát canh gác các con đường, có nơi dựng hàng rào thép gai.

Người ủng hộ Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển thân quân đội biểu tình tại Naypyidaw, lái xe quanh thủ đô và bật nhạc to để cổ vũ cho những cáo buộc gian lận, theo AFP.

Hàng trăm người kéo tới bên ngoài chùa Shwedagon nổi tiếng ở Yangon để biểu tình phản đối ủy ban bầu cử. Nhiều nhà sư theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn cũng tới mang theo biểu ngữ phản đối “can thiệp từ nước ngoài”.

Trong khi đó, ở một số khu vực của Yangon, cờ đỏ đặc trưng của phe NLD được treo lên cửa sổ hoặc bên ngoài cửa tiệm, nhằm thể hiện sự ủng hộ cho chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, theo AFP.

Cuộc bầu cử tháng 11/2020 mới chỉ là cuộc tổng tuyển cử thứ hai của Myanmar sau gần 50 năm dưới chính quyền quân đội. Ủy ban bầu cử ra tuyên bố tuần trước, khẳng định bầu cử đã diễn ra một cách tự do, công bằng, đáng tin cậy và “phản ánh ý nguyện của người dân”.

Ủy ban bầu cử phủ nhận cáo buộc gian lận diện rộng về danh sách cử tri. Nhưng ủy ban này công nhận từng có sai sót về danh sách cử tri trong các cuộc bầu cử trước đó, và cho biết đang điều tra tổng cộng 287 cáo buộc. Tòa án Tối cao Myanmar đã bắt đầu xử lý các khiếu nại về bầu cử từ ngày 29/1.

Lần cuối người dân Myanmar chứng kiến Hiến pháp bị hủy bỏ là năm 1988, khi chính phủ quân phiệt nắm quyền kiểm soát sau các cuộc biểu tình diện rộng, theo AFP.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,