Đào Duy Anh và quan điểm về Triệu Đà ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là những địa danh lịch sử để nói về thời kỳ đất nước bị chia cắt. Trong giai đoạn đó, hai miền có quan điểm khác nhau trên nhiều lĩnh vực và cả quan điểm về Triệu Đà.

Chúng ta đã đề cập quan điểm về Triệu Đà tại miền Nam ở thời kỳ trước năm 1975. Tuy rằng, có những tranh cãi nhưng quan điểm chính thống được ghi vào sách giáo khoa ở miền Nam trước 1975 vẫn coi nhà Triệu là triều đại của người Việt mà Triệu Đà chính là người lập ra nhà Triệu.

Nhưng ở miền Bắc trước 1975 thì chỉ có một dòng quan điểm chủ đạo coi Triệu Đà là giặc mà nhà Triệu thì không được tính là triều đại chính thống của người Việt. Người đầu tiên nhắc đến là học giả Đào Duy Anh – tác giả của Cổ sử Việt Nam (giáo trình đại học, 1956) và Lịch sử Việt Nam (giáo trình đại học, 1956).

Trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh đã trình bày rất rõ quan điểm của ông về nhà Triệu. Ngay trong phần tự ngôn, Đào Duy Anh đã nhận trách nhiệm phải làm rõ ràng lại các quan điểm sai trái xưa cũ ngày xưa. Ông khẳng định:

Sử học phong kiến duy thần cũng như sử học tư sản và thực dân duy tâm và phản động đều đã xuyên tạc ít nhiều và bôi nhọ sự thực lịch sử. Đặc biệt về cổ sử Việt Nam thì giới sử học phong kiến chỉ để lại cho chúng ta một mớ truyền thuyết hoang-đường và một ít sử liệu vụn vặt nhiều khi chống chọi nhau, rải rác trong các thư tịch xưa.

Để phục vụ ý chí xâm lược và thống trị, bọn thực dân đã dụng tâm nghiên cứu lịch sử của ta, nên họ đã sưu tầm được ít nhiều tài liệu về tiền sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học cùng là công bố được ít nhiều sử liệu trong thư tịch xưa. Song phần nhiều học giả của họ hay đứng trên lập trường của kẻ xâm lược, đã tự nhiên hay cố ý thuyết minh xuyên tạc mà bôi lọ tổ tiên ta.

Giới sử học tư sản Việt Nam thì lại đứng trên lập trường phản dân tộc của kẻ đầu hàng mà phụ hội những điều xuyên tạc của giới sử học thực dân, cũng như xưa kia giới sử học phong kiến Việt Nam đối với giới sử học phong kiến Trung Quốc. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta bây giờ là phải thanh toán tất cả những điều hoang đường, những điều sai lầm, những điều xuyên tạc mà xưa nay các nhà sử học phong kiến cùng các nhà sử học tư sản và thực dân đã đem ra mà huyễn hoặc nhân dân.

Nhưng để làm được công việc thanh toán ấy, chúng ta phải gắng sức xử lý thích đáng tất cả các tài liệu vụn vặt hiếm hoi mà sử học cũ còn để lại, lấy ánh sáng cùa phương pháp lịch sử mới, phương pháp lịch sử duy vật, và đứng trên lập trường nhân dân để thuyết minh, đặng khôi phục cái thực tế sinh hoạt và đấu tranh của nhân dân ở thời viễn cổ, tìm ra nguồn gốc chân xác của dân tộc và văn hoá Việt Nam“.

Trong phần vấn đề về nhà Triệu, Đào Duy Anh viết:

Trước hết, chúng ta hãy xem Triệu Đà là người thế nào và lập nước Nam Việt thế nào.

Chúng ta đã biết rằng sau khi chiếm được đất Bách Việt, nhà Tần đặt quận Mân Trung và ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, rồi năm 34 (213 TCN) sai quan Úy là Triệu Đà đem quân gồm những người tù bị đầy xuống đóng giữ đất Việt, cho ở lẫn với người Việt, rồi cử Nhâm Ngao làm Đô úy quận Nam Hải, Triệu Đà làm huyện lệnh huyện Long Xuyên thuộc quận Nam Hải.

Chúng ta lại cũng biết rằng do những cuộc dụng binh khố đố với Việt và đối với Hồ, nhân dân phẫn uất muốn nổi dậy, đặt nhà Tần vào thế nguy. Triệu Đà ý giả cũng muốn nhân cơ hội mà mưu lợi nên trong tình thế ấy, lại gửi thư về triều xin cấp cho 3 vạn đàn bà con gái không chồng để may vá quần áo cho binh sĩ. Tần Thủy Hoàng chỉ cấp được 1 vạn 5 ngàn người song vì đó mà “trăm họ ly tán, trong 10 nhà muốn nổi loạn có đến 7 nhà”.

Sang đến Tần Nhị Thế thì bùng nổ cuộc nông dân khởi nghĩa vĩ đại. Hào kiệt trong nước đều nổi lên đánh Tần. Các tù trưởng Đông Âu và Mân Việt trong quận Mân Trung cũng nổi lên theo các chư hầu mà đánh Tần. Bấy giờ, Nhâm Ngao đang đau nặng gần chết, cho mời Triệu Đà đến Phiên Ngung để khuyên Đà cát cứ và giao cho Đà thay mình mà trị quận Nam Hải.

Sau khi Tần bị diệt thì Triệu Đà đánh lấy cả Quế lam và Tượng quận, tự lập làm Nam Việt vũ vương. Trong sự lập quốc đó, Triệu Đà là người quan lại Hán tộc cát cứ, căn bản chỉ dùng tay chân mình cùng là người Hán tộc để cai trị nhân dân bản địa là người Việt tộc. Đối với nhân dân Nam Việt thì Triệu Đà cũng chỉ là kẻ thống trị ngoại tộc thôi. Sau đó, Triệu đà thần phục nước Âu Lạc, diệt An Dương Vương, chia đất Âu Lạc làm 2 quận, bắt thống thuộc vào nước Nam Việt, như thế thì đối với nhân dân Âu Lạc, Triệu Đà là kẻ ngoại xâm thôi”.

Rồi ông phê phán: “Thế mà, từ xưa các sử gia cũ nước ta, từ Lê Văn Hưu, trải qua Ngô Sĩ Liên đến Phạm Công Trứ đều nêu nhà Triệu làm một triều đại chính thống. Mãi đến cuối thời Lê mới thấy có một người phản đối quan điểm chính truyền ấy, tức là Ngô Thời Sĩ, tác giả sách Việt sử tiêu án.

Ông nói: ‘Sử cũ, sau khi An Dương Vương mất rồi, đem quốc thống trao cho họ Triệu tiếp nối, và viết lớn mấy chữ Vũ đế nhà Triệu. Người sau cứ theo vậy, không biết đó là lầm. Xét nước Việt ở miền Nam Hải, Quế Lâm không phải nước Việt ở miền Giao Chỉ, Cửu Châu và Nhật Nam. Đà Nổi dậy ở Long Xuyên, dựng nước ở Phiên Ngung, muốn mở mang bờ cõi mà gom chiếm nước ta để làm thuộc quán, đặt người giám chế để ràng buộc, thực chưa từng làm vua nước ta.

Nếu lấy lẽ làm vua nước Việt mà kể làm triều đại của nước ta thì sau đó có Lâu Sơ Hoẳng nổi ở Thẩm Dương, Lưu Nghiễm nổi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng có thể buộc vào sử ta mà kể làm triều vua được. Đà gồm Giao Châu cùng Ngụy gồm đất Thục. Nếu sứ Thục mà có thể cho rằng họ Ngụy nổi lên để nối họ Trần thì sử ta mới có thể cho rằng họ Triệu nổi lên để nối An Dương. Nếu không thế thì xin chép làm Ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy’.

Ở sau Ngô lại còn phản đối kịch liệt những nhà sử ta nhắm mắt tán dương Triệu Đà là một vị vua giỏi của nước ta mà cho rằng: “Nước ta hồi đó thuộc Trung Hoa từ Hán đến Đường, suy nguyên thủ họa chính là Triệu Đà”.

Có lẽ do ảnh hưởng của ý kiến ấy cho nên sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn không chép riêng nhà Triệu làm một kỷ chính thống nữa nhưng vẫn cứ chép cả lịch sử nhà Triệu vào phạm vi quốc sử nước ta. Các nhà sử học hiện đại của ta cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm phi dân tộc ấy, cho nên Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng chép kỹ càng về lịch sử nhà Triệu. Những trang sử vẻ vang của Nguyễn Lân thì biểu dương Lữ Gia là trung thần của nhà Triệu làm vị anh hùng dân tộc đầu tiên của chúng ta.

Chỉ có quan niệm lịch sử duy vật là lợi khí đấu tranh sắc bén của nhân dân ta và của dân tộc mới nhận thấy rành mạch rằng đối với dân tộc ta thì Triệu Đà là kẻ xâm lược mà lịch sử của nhà Triệu ở nước Nam Việt không thể nằm trong phạm vi lịch sử của Việt Nam”.

Đọc quan điểm của Đào Duy Anh thì chúng ta biết được giáo trình cổ sử Việt Nam mà ông biên soạn cho sinh viên thời đó đánh giá ra sao về Triệu Đà. Và quan điểm về Triệu Đà của Đào Duy Anh đã trở thành dòng chảy xuyên suốt ở miền Bắc.

Chẳng hạn, trong cuốn sách giáo khoa lịch sử lớp 5 năm 1967 (miền bắc khi đó chỉ có 10 lớp và lớp 5 là lớp đầu tiên của cấp 2) thì đã ghi rõ ngay tựa đề bài 8 là: Nước Âu Lạc bị nhà Triệu xâm lược và thống trị. Bài này trong chương 4 phần: Đất nước Âu Lạc buổi đầu thời Bắc thuộc. Quan điểm đó khác hẳn với sách giáo khoa miền Nam cùng thời kỳ.

Theo MỘT THẾ GIỚI 

Tags: , ,