Đại dịch COVID-19: Nước nào mạnh, nước nào yếu?

COVID-19 đã làm thay đổi gì trong cách đánh giá về sự mạnh yếu của các quốc gia và đối tác? Dịch bệnh chẳng khác gì đã làm cuộc tách bạch giữa vàng ròng và đồng thau trên nhiều phương diện.

Đại dịch COVID-19: Nước nào mạnh, nước nào yếu?

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona chủng mới gây ra bùng phát bất ngờ và nhanh chóng đưa lại cho thế giới những hình ảnh trước đấy không thể hình dung ra được và đưa lại cho con người trên thế giới những nhận thức mà trước đấy không thể ngờ được. Trong những hình ảnh và nhận thức mới ấy có cả hình ảnh và nhận thức về sức mạnh và thế mạnh thực sự của các quốc gia và đối tác.

Đánh giá thế nào về sự mạnh yếu của các nước?

Các quốc gia và đối tác với sức mạnh và thế mạnh của họ, với mưu tính lợi ích và việc thực thi lợi ích của họ, với những xung khắc và thoả hiệp của họ với nhau tạo nên cuộc chơi chung về chính trị và quyền lực thế giới, tạo nên trật tự thế giới và cục diện quan hệ quốc tế.

Ở thời trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc xác định và phân định quốc gia hay đối tác mạnh yếu thế nào thường được định lượng hoá và định tính hoá theo hai phạm trù là sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Dịch bệnh hiện tại buộc phải nhìn nhận tình trạng mạnh yếu của quốc gia và đối tác từ giác độ khác và theo hệ quy chiếu khác. Trong việc này, dịch bệnh chẳng khác gì đã làm cuộc tách bạch giữa vàng ròng và đồng thau trên nhiều phương diện nhất định.

Dịch bệnh này gây hại đồng thời cho tất cả các nước và các khu vực trên thế giới. Tất cả đều ở trong thảm cảnh chung và vì thế, hiện tại có thể nhận diện và so sánh được rõ nét hơn bao giờ hết cái mạnh yếu của quốc gia và đối tác trên những phương diện vốn luôn bị coi thường, sao nhãng hay thậm chí cả bỏ qua lâu nay.

Những quốc gia nhỏ, nghèo hay chậm phát triển đã đành bởi họ phải ‘liệu cơm gắp mắm’ trong công cuộc đối phó dịch bệnh và thành công hay thất bại của họ trong công cuộc này không động chạm gì nhiều đến cục diện quan hệ quốc tế và trật tự thế giới. Nhưng đối với những nước lớn và đối tác lớn thì không như thế.

Ngoài hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ trước, chưa có sự kiện nào đe doạ các nước lớn và đối tác lớn trên thế giới thật sự và nghiêm trọng như dịch bệnh hiện tại. Chưa khi nào các thành viên thuộc diện này phải trả lời câu hỏi về ‘Tồn tại hay không tồn tại’ như bây giờ. Dịch bệnh chỉ biết lây lan và tàn phá chứ không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo, địa lý hay lịch sử, ý thức hệ hay hệ thống chính trị nhà nước, quốc gia hiện đại hay lạc hậu, dư dả của cải hay chỉ đủ tiêu dùng, binh lính nhiều hay cư dân thưa thớt.

Thay đổi, cải tổ sau dịch bệnh

Dịch bệnh này đe doạ thật sự vai trò và ảnh hưởng của các tổ chức và thể chế đa phương cũng như các liên minh, liên kết khu vực trên thế giới. Lý do ở chỗ mỗi quốc gia phải có đối sách riêng thích hợp với điều kiện, tình hình và khả năng đặc thù của mình trong cuộc chiến chống dịch bệnh trong khi các tổ chức, thể chế hay liên minh liên kết kia đều trong tình trạng lực bất tòng tâm và không đảm trách được vai trò lãnh đạo và dẫn dắt cả thế giới hay châu lục hoặc khu vực đẩy lùi dịch bệnh để rồi ra khỏi dịch bệnh.

Hiện tại, chưa có tổ chức hay thể chế nào làm nổi việc này và vì thế, ở thời sau dịch bệnh, các nước thành viên sẽ phải cải tổ, chỉnh sửa và phát triển chúng để chúng có thể làm được việc ấy mỗi khi xảy ra khủng hoảng. Dịch bệnh làm bộc lộ điểm yếu của các tổ chức và thể chế này là không phòng bị gì cho tình huống cả thế giới đồng thời có thể bị ‘dừng lại’ như hiện tại và không chuẩn bị gì cho trường hợp những thành viên phát triển nhất và giàu có nhất lại bị khủng hoảng trầm trọng nhất và chưa biết dùng phương cách nào để có thể thoát được ra khỏi khủng hoảng.

Cho nên ở thời sau dịch bệnh, các tổ chức và thể chế này sẽ phải luôn chuẩn bị sẵn sàng về tài chính và nhân lực cho ứng phó với khủng hoảng, phải xây dựng sẵn cơ chế và quy trình vận hành việc xử lý khủng hoảng cũng như phải coi trọng đặc biệt việc trợ giúp và thúc đẩy nghiên cứu vaccine phòng ngừa và biệt dược chữa dịch bệnh, hoàn thiện hoá và tiêu chuẩn hoá y tế phòng ngừa.

Dịch bệnh giúp nhà nước quốc gia thể hiện được vai trò nổi bật. Ở thời sau dịch bệnh, các tổ chức và thể chế kia sẽ phải tìm cách gây dựng sự cân bằng vai trò bằng cải tổ và thay đổi trên mọi phương diện cần thiết để có giá trị và hữu ích thật sự trong tình huống khủng hoảng cho các thành viên.

Dịch bệnh này làm sa sút uy danh và tổn hại thể diện của tất cả các đối tác lớn. Nó phơi bày sự mất cân đối trong thực chất sức mạnh và thế mạnh của các đối tác này. Nó cho thấy điểm yếu tệ hại nhất đối với các đối tác ấy là những sức mạnh và thế mạnh này của họ không đủ khả năng hoặc không thích hợp để khắc phục những yếu kém và bất cập kia của họ.

Cục diện thế giới sẽ thay đổi ra sao?

Thời sau dịch bệnh sẽ là thời các đối tác ấy phải bận rộn với chính họ trước hết và nhiều nhất, phải điều chỉnh và định hướng lại toàn bộ chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại phục vụ cho ưu tiên ấy. Các đối tác lớn này sẽ phải hợp tác với nhau nhiều hơn sau khi nhận thức ra rằng, ai cũng dễ bị tổn thương và cũng đều có điểm yếu chết người. Chỉ có điều, sự hợp tác này sẽ thận trọng hơn để bất cứ khi nào cũng có thể độc lập hành động chứ không để bị ràng buộc vào sự lệ thuộc và tuỳ thuộc.

Cục diện quan hệ quốc tế và trật tự thế giới được hình thành và cấu trúc bao gồm nhiều trụ cột và dựa trên nhiều nền tảng. Dịch bệnh này động chạm đến thế mạnh và sức mạnh của các đối tác chứ không làm thay đổi cơ bản và đáng kể gì những trụ cột và nền tảng ấy. Một khi cục diện quan hệ quốc tế và trật tự thế giới thay đổi thì thế giới đương nhiên sẽ thay đổi. Còn dịch bệnh này chỉ làm thay đổi khía cạnh này hay phương diện nọ của cục diện quan hệ quốc tế và trật tự thế giới hiện tại.

Theo DỊCH DUNG / THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,