⠀
Đại dịch COVID-19: Cú sốc cần thiết cho ngành du lịch Việt Nam
Trong bối cảnh du lịch đã vươn mình trở thành một con quái vật trong hơn một thập kỷ qua, COVID-19 cũng là cơ hội để ngành này tự điều chỉnh và giải quyết những nghịch lý dai dẳng.
Bài viết của tác giả Louis Raymond, nhà báo người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Nantes. Sau khi tốt nghiệp École normale supérieure de Lyon, Raymond sang làm việc ở Việt Nam trong vài năm. Anh từng công tác tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM. Đây là bài viết riêng của anh cho Zing.
Vài năm trước, tôi đến Nha Trang tận hưởng kỳ nghỉ sau những ngày làm việc bận rộn ở TP.HCM. Tôi dự định đến thăm Tháp Bà Ponagar – một trong những địa danh của Nha Trang, cũng là di sản văn hoá Chăm.
Buổi sáng hôm đó khi tôi đến ngôi đền tháp, bãi đỗ đã chặt ních xe chở khách. Các đoàn du lịch Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và Anh cũng đổ về đây. Sau khi leo vài bậc thang, đột nhiên tôi bị một cơn đau thần kinh tọa. Vây quanh tôi là biển người chen chúc hỗn loạn, điển hình cho du lịch đại trà: Hướng dẫn viên vẫy cờ, hét vào loa trong khi đoàn khách của họ không mảy may quan tâm.
Cảnh tượng này khiến tôi rời đi sau chưa đầy 15 phút. Thật đáng buồn là tìm hiểu về nơi mình hằng mơ ước đến thăm qua sách vở lại thú vị hơn trực tiếp đến đây chiêm ngưỡng.
Mọi người có thể nói tôi tự phụ và đòi hỏi cao, nhưng thực tế tôi chỉ đang mắc kẹt trong nghịch lý của du lịch đại trà thế kỷ 21: Tại các điểm du lịch, du khách không còn khoảng không riêng tư nào. Ở những nơi như Tháp Bà Ponagar, đền Angkor Wat của Campuchia, Venice của Italy, tháp Eiffel của Pháp hoặc Machu Picchu của Peru, trải nghiệm hay thậm chí kỷ niệm của chúng ta về nơi đó cũng như bị “lập trình” hóa.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 trong những tháng vừa qua đã trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi. Trong bối cảnh biên giới đóng cửa và hàng loạt chuyến bay bị hủy cho tới khi tìm được vaccine cho COVID-19, Tháp Bà có thể sẽ không còn đông đúc như vậy trong vài năm tới.
Có thể nói, du lịch là ngành hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch. Thế nhưng, trong bối cảnh du lịch đã vươn mình trở thành một con quái vật trong hơn một thập kỷ qua, COVID-19 cũng là cơ hội để ngành công nghiệp không khói tự điều chỉnh và giải quyết những nghịch lý dai dẳng của mình.
“KHÁCH DU LỊCH HÃY BIẾN VỀ NHÀ ĐI!”
Có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng du lịch để lại hậu quả đáng kể cho môi trường, từ hoạt động giao thông vận tải cho tới cơ sở hạ tầng tiếp đón du khách.
Khí hậu biến đổi từng ngày, còn du lịch lại đang tạo ra thêm khí thải nhà kính. Năm 2019, Pháp đón gần 90 triệu khách du lịch, gấp gần 1,5 lần dân số nước này (66 triệu người). Con số khổng lồ khiến nền kinh tế phải gồng mình lên để đáp ứng.
Các thành phố du lịch trở thành những viện bảo tàng giả tạo, nơi người bản địa phải chật vật thích nghi. Tại Barcelona, người dân thậm chí còn sơn lên tường dòng chữ “Khách du lịch hãy biến về nhà đi”.
Khách du lịch ồ ạt đổ về là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát và tình trạng đầu cơ. Bất động sản, nhà hàng, giao thông, thậm chí giá cả hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Tất cả lĩnh vực đều muốn khai thác lợi ích từ du khách; hay nói cách khác, ngành du lịch là một con bò mà ai cũng muốn vắt sữa.
Đến cuối cùng, ai là nạn nhân? Chính là người lao động – những người phải chật vật mới trả được tiền thuê nhà nhưng giờ buộc phải chuyển ra ngoại ô, mỗi ngày phải đi xa gấp đôi mới đến được nơi làm việc.
Loại hình du lịch tệ nhất có lẽ là “du lịch nhanh”. Nhanh đến mức nào? Tới Paris, bay đến Barcelona, tới Rome, đi tàu đến Venice, bay đến Berlin, trở lại Paris, rồi về nhà. Khách du lịch kết thúc chuyến hành trình đó chỉ trong vòng 5 ngày.
Chẳng đọng lại gì nhiều. Khách du lịch tiêu cả đống tiền để rước mệt mỏi vào thân nhưng bù lại, họ cảm thấy vui vẻ khi có thể dùng những bức ảnh chụp để khoe với bạn bè về chuyến đi.
DU LỊCH “BỀN VỮNG HƠN” SAU ĐẠI DỊCH
Cho tới nay, du lịch đại trà đã phát triển ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng bản chất của du lịch đại trà có xấu không?
Đầu tiên, cần phải đặt câu hỏi “du lịch” là gì? Nếu hầu hết khách du lịch đều lên đường với mục đích giải trí, liệu họ có thôi tò mò về các nền văn hóa khác? Còn “đại trà” là như thế nào? Những người thuộc tầng lớp trung lưu có nên ra nước ngoài du lịch, hay thậm chí là “đi đây đi đó” nữa không?
Đấy là còn chưa kể đến tầm quan trọng của dòng vốn đối với nền kinh tế. Các thương hiệu xa xỉ của Pháp không cần đến khách du lịch Trung Quốc mới có thể phát triển được, nhưng du lịch là nền tảng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong 20 năm qua.
Vậy nên theo tôi, tốt nhất vẫn là học cách điều chỉnh. Trong 2-3 năm tới, lượng khách du lịch trên khắp thế giới sẽ giảm và sau đó mới có thể tăng trở lại như trước COVID-19. Trong thời gian đó, chúng ta cần phải làm gì? Có nên triển khai mô hình du lịch bền vững hơn hay không?
Về cơ bản, mô hình đó bao gồm việc giảm thiểu tác động lên môi trường, kiểm soát gia tăng nhu cầu đi lại, khuyến khích phát triển bền vững và nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi cá nhân. Trên lý thuyết, những “gạch đầu dòng” này nhìn có vẻ rất tuyệt. Nhưng trên thực tế thì sao?
Qua nghiên cứu, tôi rút ra được một vài kinh nghiệm hữu dụng cho ngành du lịch của Việt Nam:
1. Phát triển chậm mà chắc, và tạo ra dấu ấn cho từng vùng miền. Đại dịch COVID-19 khiến cả nhân loại nhận ra sự sống mong manh đến mức nào. Vì vậy trong tương lai, khách du lịch cần phải nhận thức được tầm quan trọng của môi trường tự nhiên.
Tôi biết “khách hàng là thượng đế”, nhưng thay vì gợi ý tour “du lịch nhanh” xuyên Việt, hãy thử thuyết phục họ mua tour du lịch trải nghiệm văn hóa và đời sống ở một vùng miền nào đó, với những địa điểm độc đáo không được đề cập trong hàng loạt sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet. Tôi nghĩ họ sẽ thích thú hơn nhiều.
2. Khuyến khích các khách sạn, nhà nghỉ nhỏ phát huy tính độc đáo để thu hút du khách. Sự thành công của những khách sạn loại này trong thời gian qua đã chứng minh được rằng khách du lịch đã thấy nhàm chán với những quy chuẩn lỗi thời. Sau đại dịch, Việt Nam nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển hơn nữa, để những chủ khách sạn này tiếp tục duy trì và phát huy “cá tính” của mình.
3. Đa dạng hóa trải nghiệm của du khách đối với văn hóa và người dân địa phương. Đối với nhiều người nước ngoài trẻ tuổi ở Việt Nam, niềm vui khi đi du lịch không chỉ có trong vài cốc bia giá rẻ trên phố Tạ Hiện của Hà Nội hay Bùi Viện của Sài Gòn.
Tôi dám chắc rằng nhiều người trong số họ thích được nghe thử dân ca hơn. Hay nói cách khác, họ muốn được tiếp xúc nhiều hơn với người dân địa phương, nhưng không phải theo cách thương mại hóa. Đó là khi du lịch mang lại cơ hội cho mọi người vượt qua rào cản ngôn ngữ và học được những kỹ năng mới.
Dù viễn cảnh trước mắt của ngành du lịch Việt Nam có vẻ khá ảm đạm, nhưng tôi tin chắc rằng trong cái rủi sẽ luôn có cái may, và cái khó mới ló cái khôn. Chúng ta vẫn có thể tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để nâng tầm các dịch vụ, đáp ứng hiệu quả với xu hướng sống xanh và sạch hơn trong tương lai.
Những tháng ngày tươi đẹp sẽ sớm quay trở lại với ngành du lịch của Việt Nam. Vì vậy tôi nghĩ không việc gì phải bi quan vào lúc này.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Du lịch, Dịch bệnh COVID-19