Đặc điểm của các phong trào phục hưng Hồi giáo trong lịch sử

Thế giới đang có những thay đổi lớn lao trong khung cảnh của toàn cầu hóa. Điều đó cho thấy, mong muốn trở lại với Hồi giáo thời Nhà Tiên tri và giai đoạn bốn vị Caliph đầu tiên là điều bất hợp lí. Những tư tưởng luật pháp cơ bản của Hồi giáo là đúng đắn, nhưng chúng cũng cần phải được điều chỉnh cho thích hợp với hoàn cảnh đã thay đổi hiện nay.

Đặc điểm của các phong trào phục hưng Hồi giáo trong lịch sử

Đến thế kỉ XVIII, thế giới Hồi giáo đã mất đi vầng hào quang của những thời đại hoàng kim trước đó. Đếquốc Ottoman, trung tâm thống trị của thế giới Hồi giáo khi đó, do chính trị suy vi, kinh tế đình đốn, đã thất bại liên tiếp trong các cuộc chiến tranh với bên ngoài và bất lực trước sự tan rã của chính quyền các cấp. Syria, Iraq, Ai Cập,… trở thành các lãnh địa độc lập hoặc bán độc lập của các lãnh chúa phong kiến. Từ giữa thế kỉ XVIII trở đi, Đế quốc Ottoman rơi vào tình trạng suy sụp. ở Iran, vương triều Safavi bị vương triều Khar thay thế, và đến đầu thế kỉ XIX, trở thành đối tượng tranh giành của các nước Nga, Anh, Pháp. ở ấn Độ, thực dân Anh lợi dụng sự tan rã của vương triều Moghul để xâm chiếm đất đai ấn Độ.Năm 1798, để giành quyền kiểm soát tuyến đường thương mại quan trọng đi sang ấn Độ với Anh, Napoleon đưa quân đổ bộ lên cảng Alexandria, xâm nhập Ai Cập, mở đầu cuộc chinh phục bằng vũ trang của các nước thực dân phương Tây đối với các quốc gia Hồi giáo. Cũng bắt đầu từ đây mở ra thời kì đấu tranh trong lịch sử cận đại của nhân dân các nước Hồi giáo chống lại thực dân phương Tây. Từ giữa thế kỉ XIX, thế giới Hồi giáo từ Marốc ở phía tây tới Indonesia ở phía đông lần lượt bị các nước tư bản phương Tây xâm lược, chia cắt và nô dịch. Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan và Arập Saudi, tất cả các quốc gia Hồi giáo khác đều có một thời nằm dưới sự cai trị của thực dân. Thậm chí những quốc gia kể trên không nằm trong chế độ thuộc địa thì cũng không tránh khỏi bóng tối của chủ nghĩa thực dân: Arập Saudi, Iran, Afghanistan là những nước bị bảo hộ, nếu không cũng phải có sự nhượng bộ đáng kể về chủ quyền với người Anh hoặc người Nga; Thổ Nhĩ Kỳ – thủ phủ của Đế quốc Ottoman – có mối quan hệ mật thiết với các cường quốc Tây Âu qua các vùng lãnh thổ ở Đông Âu và Bắc Phi vẫn phải nhẫn nhịn với các cường quốc đó trong suốt thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX.

Dưới sự xâm nhập và thống trị của các thế lực thực dân phương Tây, cơ sở chính trị kinh tế và văn hóa tư tưởng của xã hội Hồi giáo bị thách thức và lung lay. Người bảo hộ về danh nghĩa của cộng đồng Hồi giáo – Đế quốc Ottoman, không những không có sức chống lại các cường quốc phương Tây mà bản thân nó cũng lâm vào tình trạng tan rã. Sự xâm nhập và thống trị của các cường quốc làm cho thế giới Hồi giáo lâm vào tình trạng khủng hoảng xã hội, chính trị chưa từng có, đồng thời cũng dẫn tới khủng hoảng về tôn giáo và tinh thần.

Những tác động của phương Tây đối với Hồi giáo có thể được tính từ thời điểm đầu thế kỉ XIX khi Napoleon tiến quân vào Ai Cập nhằm cắt đứt con đường thương mại của Anh tới ấn Độ. Nhưng sự can thiệp và tác động của phương Tây đạt Đến đỉnh điểm ở nửa đầu thế kỉ XX khi Anh và Pháp giành được một loạt các vùng đất ủy trị hoặc bảo hộ ở Trung Đông sau Thế chiến thứ Nhất. Điều này có nghĩa rằng, hầu hết lãnh thổ Bắc Phi, Trung Đông và ấn Độ nằm dưới quyền cai trị của các cường quốc Châu Âu. Nhiều tín đồ Hồi giáo (dưới đây gọi là người Hồi giáo) không thể lí giải nổi quyền bá chủ của phương Tây trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, bởi vì đó là lần đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo, đại đa số người Hồi giáo không có quyền điều hành các công việc của riêng họ (trừ một giai đoạn ngắn ở thế kỉ XIII khi người Mông Cổ xâm chiếm Trung Đông). Người Hồi giáo tự hỏi làm thế nào để lấy lại sức mạnh và uy thế mà họ đã có được dưới các vương triều như vương triều Moghul ở ấn Độ (1526 – 1858), hoặc vương triều Safavi ở Iran (1501 – 1738). Vấn đề này, đến nay, vẫn còn giá trị thời sự, và có một số quan điểm Hồi giáo đương đại vẫn bộc lộ sự phản ứng với phương Tây và quá trình hiện đại hóa.

Từ nửa sau thế kỉ XIX, một số trào lưu tư tưởng xã hội có tính tôn giáo bắt đầu nổi lên trong thế giới Hồi giáo. Các trào lưu này do các tinh anh tri thức trong tín đồ Hồi giáo khởi xướng sau khi đã trải qua ách thống trị của những kẻ thực dân Châu Âu đối với các nước Hồi giáo. Họ cảm nhận được sự thách đố mạnh mẽ cũng như những nguy cơ đe dọa sự sinh tồn của Hồi giáo từ ưu thế vượt trội của phương Tây về khoa học kĩ thuật, thực lực kinh tế và kĩ thuật quân sự. Chủ nghĩa chính thống (Fundamentalism), chủ nghĩa hiện đại (Modernism) và chủ nghĩa truyền thống (Traditionalism) là những trào lưu tư tưởng xã hội chủ yếu nhằm phục hưng Hồi giáo trong bối cảnh thế giới hiện đại, nhưng mỗi trào lưu thực hiện mục tiêu đó bằng những biện pháp khác nhau.

Để đơn giản hóa vấn đề và để nhận biết rõ hơn về Hồi giáo đương đại, cần phân biệt ba trào lưu phục hưng Hồi giáo nói trên, mặc dù cũng cần phải lưu ý, ranh giới giữa các nhóm không thật sự rõ ràng vì thành viên của các nhóm có thể có cùng một số đặc điểm.

Chủ nghĩa chính thống Hồi giáo

Cuối thế kỉ XX, chủ nghĩa chính thống Hồi giáo được các phương tiện thông tin và các nhà chính trị nhắc tới rất nhiều để gắn cho các nhóm Hồi giáo khác nhau. Hiện nay, thuật ngữ “chủ nghĩa chính thống” cũng vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng(1). Nhiều học giả cố gắng phân tách hiện tượng chủ nghĩa chính thống Hồi giáo. Trong cuốn Sự thống nhất và đa dạng trong chủ nghĩa chính thống, Arjomand S. A. cho rằng, khẳng định tính bất biến của kinh thánh Hồi giáo là đặc điểm chung của các phong trào theo chủ nghĩa chính thống; hoặc chủ nghĩa chính thống thường được đặc điểm hóa bằng mục đích thi hành những hình phạt hudud(2), mặc dù chi tiết chính xác những hình phạt ấy như thế nào không được đề cập trong kinh Koran; một điểm yếu khác của cách lập luận này được dẫn chứng bằng quan điểm của Mawdudi – người ủng hộ việc thành lập một nhà nước thần quyền ở Pakistan, phản đối việc thực hiện hình phạt chặt tay những tên trộm trong mô hình nhà nước Hồi giáo lí tưởng của ông. Chỉ ra nguyên nhân nảy sinh chủ nghĩa chính thống là việc rất khó khăn vì ở mỗi quốc gia khác nhau lại có những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, cũng có thể đưa ra một vài điểm khái quát về chủ nghĩa chính thống Hồi giáo.

Trước hết, chủ nghĩa chính thống là một trong những biểu hiện phản ứng đối với ưu thế về kinh tế, chính trị và văn hóa phương Tây. Những nguy cơ của kiểu phản ứng này được Edward Said nêu trong cuốn Phong cách phương Đông xuất bản năm 1978. E. Said xác định Phong cách phương Đông là lối suy nghĩ dựa trên sự khác biệt về nhận thức luận và bản thể luận giữa phương Đông và phương Tây. Ông cũng dẫn lại lời phát biểu của Lord Cromer, thống đốc Ai Cập từ năm 1882 – 1907, rằng: Nói chung, người phương Đông hành động, nói và suy nghĩ hoàn toàn tương phản với người ÂuNgười Châu Âu có lập luận chặt chẽ và giỏi về lôgích học một cách bẩm sinh trong khi người phương Đông kém cỏi về khả năng này một cách khác thường(3). Cách nhìn nhận định kiến như vậy vẫn còn kéo dài đến nửa cuối thế kỉ XX. Thái độ của những nhà Đông phương học ở phương Tây đã khơi gợi sự giận dữ của nhiều cá nhân và nhiều nhóm xã hội ở các nước chậm phát triển (bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội và các phong trào giải phóng), cũng như những người Hồi giáo đang tìm cách duy trì bản sắc của họ trong thế giới hiện đại. Vì thế, chủ nghĩa chính thống là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa thực dân/chủ nghĩa Đế quốc về kinh tế và chính trị của phương Tây, đồng thời những người theo chủ nghĩa chính thống phẫn nộ với những vấn đề mà phương Tây đặt ra cho các quốc gia Hồi giáo núp dưới những chuẩn mực của phương Tây áp dụng cho toàn thế giới.

Thứ hai, cũng có thể coi chủ nghĩa chính thống là phong trào phản kháng quá trình hiện đại hóa – một quá trình mang lại những thay đổi về kinh tế và xã hội. Các mẫu hình văn hóa bị tác động và nhiều người tìm thấy sự an nhàn từ những thay đổi trong cách ứng xử truyền thống có trong di sản Hồi giáo. Những di sản này bị suy giảm do sự xuất hiện các chế độ thế tục (quân sự hoặc dân sự) ở Trung Đông sau Thế chiến II. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, những quốc gia này bị coi là yếu kém đối với các nước phương Tây và không đáp ứng được sự mong đợi của các công dân.

Thứ ba, có nhiều chế độ ở Trung Đông đã trải qua những ảnh hưởng của quá trình phát triển bất bình đẳng ở nửa cuối thế kỉ XX. Đó là, sự phát triển kinh tế không kéo theo sự biến chuyển tương xứng về chính trị, thể hiện ở việc tầng lớp tri thức không có cách nào để biểu đạt quan điểm chính trị của họ. Hơn thế nữa, những đợt suy thoái kinh tế đã tạo cơ hội cho những người theo chủ nghĩa chính thống tận dụng để kêu gọi “Trở lại với Hồi giáo”.

Phản ứng lại phương Tây và quá trình hiện đại hóa không phải là đặc trưng riêng biệt của Hồi giáo, vì các tôn giáo và các nền văn hóa khác cũng chống lại những thay đổi do hai tác nhân trên đem lại. Tuy nhiên, học giả Ernest Gellner cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện và tính bảo thủ của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo không chỉ liên quan tới phương Tây và quá trình hiện đại hóa, mà còn liên quan tới yếu tố riêng biệt của Hồi giáo. E. Gellner nhận thấy căn nguyên gốc rễ nằm ở sự biện chứng giữa “Hồi giáo bác học” (High Islam) và “Hồi giáo bình dân” (Folk Islam). Hồi giáo bác học là tôn giáo của thương nhân, tầng lớp trung lưu và học giả nơi đô thị – những người ưa thích một Hồi giáo đúng mực, phục tùng kỉ luật ở nơi khuyến khích việc nghiên cứu tôn giáo và Thượng Đế là Đấng Tối cao. Hồi giáo bình dân là tôn giáo của thị dân nghèo, nông dân và các bộ lạc, nơi mà hình thức thần bí, xuất thần của Hồi giáo chiếm ưu thế và Thượng Đế ở khắp mọi nơi hoặc có thể thấu tới được qua vật trung gian, chẳng hạn như qua các thầy tu Sufi. E. Gellner thừa nhận, ranh giới giữa Hồi giáo bác học và Hồi giáo bình dân thường không rõ ràng, nhưng ông cũng khẳng định, đôi khi chúng liên minh với một lực lượng khác để chống lại chính quyền đương thời.

Chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo

Ngay khi sự khác nhau giữa những tiến bộ về công nghệ, khoa học và vật chất ở phương Tây so với sự yếu kém của các khu vực Hồi giáo trở nên rõ ràng ở thế kỉ XIX, nhiều người Hồi giáo cho rằng cách duy nhất để bắt kịp những tiến bộ ấy là thay thế những kẻ cai trị chuyên quyền và mục ruỗng bằng hình thức dân chủ như ở Anh và Pháp. Vì vậy, những người theo chủ nghĩa hiện đại (tiêu biểu là Muhammad Abdul) đưa ra một khối lượng các tài liệu luận giải tôn giáo để khẳng định Hồi giáo thực sự không có gì khác so với các khái niệm dân chủ Tây Âu. Các tài liệu như vậy đã được Hourani biện giải. Ông kết luận: Theo cách suy luận này, nguyên tắc maslaha dần trở thành những ngành phục vụ công cộng, shura trở thành dân chủ nghị viện, ijma thành công luận(4); bản thân Hồi giáo đã là văn minh và năng động.

Husein Nasr, nhà Hồi giáo học nổi tiếng đương đại, từng chỉ ra rằng, nghĩa của hai chữ hiện đại trong chủ nghĩa hiện đại hoàn toàn không có ý chỉ khái niệm về thời đại, mà ý nghĩa đích thực của nó là trái ngược với tính thần thánh siêu nghiệm và nguyên tắc vĩnh hằng, nó chỉ “con người ở cõi đời này”(5).

Chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo có rất nhiều nhân vật tiêu biểu, dù họ ở vào những bối cảnh xã hội và điều kiện lịch sử khác nhau, nhưng tư tưởng chủ đạo của họ là sự nhất trí, tức là vận dụng nguyên tắc sáng chế (ijtihad) trong giáo pháp học (Fiqh) để giải thích lại ý nghĩa của kinh Koran và truyền thống Hồi giáo với mong muốn truyền tính khoa học vào Hồi giáo, làm cho diễn biến của Hồi giáo có thể thích ứng với nhu cầu của xã hội đương thời và thuận theo sự biến đổi của lịch sử. Điều này tạo nên đặc điểm chung của các nhà hiện đại chủ nghĩa.

Nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo ở thế kỉ XIX phải kể đến Kamaluting Afghani, người Iran. Afghani cho rằng, Hồi giáo là một hệ thống tín ngưỡng và lối sống bao trùm mọi thứ, vì chỉ có như vậy tính khoa học mới có thể được đưa vào trong một tín ngưỡng tôn giáo như Hồi giáo. Nhận thức của Afghani về Hồi giáo chủ yếu thể hiện ở sự quan tâm của ông đối với triết học và sự tôn sùng khoa học. Ông từng chỉ ra rằng, ngu dốt là nguyên nhân quan trọng khiến cho cộng đồng Hồi giáo suy vi, mà muốn phục hưng thì phải đề xướng thái độ khoa học. Ông còn cho rằng, phàm những sự việc đã biết đều nhờ khoa học, phàm các dân tộc nổi tiếng đều nổi tiếng nhờ khoa học. Người Hồi giáo không nên bài xích khoa học vì Hồi giáo là một tôn giáo gần khoa học nhất(6).

Ahmuh Khan của ấn Độ mong muốn kiến lập một hệ thống lí luận Hồi giáo hiện đại, dựa vào đó để điều chỉnh mối quan hệ giữa khoa học hiện đại và Hồi giáo truyền thống. Ông tin tưởng một cách sâu sắc rằng, giữa ngôn ngữ của Allah – kinh Koran và tạo vật của Allah – thế giới tự nhiên hoàn toàn không có mâu thuẫn; giữa thiên khải của Thượng Đế và khoa học có mối quan hệ bổ sung cho nhau, điều hòa thống nhất. Còn Muhammad Abdul của Ai Cập cho rằng, tôn giáo và khoa học bổ sung cho nhau: một mặt, sự thiên khải là siêu nghiệm, do đó cao hơn lí trí của con người, mặt khác, tính thật giả, đúng sai trong tôn giáo lại cần đến phán đoán khoa học; tương tự, giữa tôn giáo và khoa học cũng có sự đồng thuận: khoa học là nhận thức về tự nhiên, còn tự nhiên là tạo vật của Thượng Đế, tôn giáo là sự thiên khải của Thượng Đế, chúng đều bắt nguồn từ Thượng Đế. Muhammad Abdul nhấn mạnh tính thống nhất giữa Hồi giáo và tiến trình hiện đại, nhằm làm cho Hồi giáo thoát khỏi sự giải thích cứng nhắc. Về truyền thống, làm cho nó thích ứng với sự biến đổi của điều kiện lịch sử, nhưng đồng thời lại không nhất thiết vứt bỏ những tín điều cơ bản lấy kinh Koran làm cơ sở.

Một hình thức khác của chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo được những người ưa thích tính chính xác của lịch sử ủng hộ chú trọng vào những thông điệp có trong kinh Koran và sử dụng phép loại suy để đưa ra những kết luận thích hợp với tình hình hiện tại. Fazlur Rahman, một học giả người Pakistan, cho rằng điều cần thiết đối với người Hồi giáo là phải đảm trách việc phân tích có phương pháp từng tiết (aya) trong kinh Koran. Việc làm này sẽ cung cấp cho người Hồi giáo một quan điểm lịch sử tổng thể về sự thiên khải, thể hiện thông điệp chung của kinh Koran hơn là việc diễn giải các tiết cụ thể. Cho đến nay, người Hồi giáo vẫn tiếp tục phân tích kinh Koran, nhưng chỉ nhằm phát hiện sự mâu thuẫn giữa các tiết, và dẫn tới khuynh hướng cụ thể hóa chứ không phải khái quát hóa. Mục đích của F. Rahman nhằm tỏ rõ ở thời gian thiên khải, kinh Koran đã thể hiện sự tiến bộ và tự do, đồng thời đó cũng chính là tinh thần chung của kinh Koran phải được người Hồi giáo ứng dụng trong thời hiện đại. F. Rahman hướng sự chú ý tới vị trí của người phụ nữ trong Hồi giáo, vì nhiều học giả khẳng định việc diễn giải tự do các đoạn trong kinh Koran phủ nhận người phụ nữ có các quyền tương tự như của nam giới đối với vấn đề thừa kế và sự bình đẳng trong các tranh chấp pháp lí. Ông cho rằng, trên thực tế kinh Koran cải thiện vị trí của người phụ nữ rất nhiều so với thời kì trước khi Hồi giáo ra đời, vì tục lệ giết bé gái sơ sinh đã được ngăn cấm, và người phụ nữ ít nhất cũng được đảm bảo một số lợi ích về thừa kế và được thừa nhận về pháp lí, trong khi ở thời tiền Hồi giáo tình hình không phải như thế. Bởi thế trong thời đại hiện nay, người phụ nữ nên đòi thêm những quyền lợi khác ngoài việc đọc kinh Koran.

Một học giả người Angiêri theo chủ nghĩa hiện đại là Muhammad Arkoun cũng khuyến khích người Hồi giáo chấp nhận những cách chú giải kinh thánh phù hợp để hiểu về Hồi giáo. Quan điểm có tính chất học thuật của ông bác bỏ khuynh hướng của những người theo chủ nghĩa duy lí được đại diện bởi trường phái thần học Mu‘tazilites, các triết gia Hồi giáo và chân lí phổ quát, vĩnh cửu của F. Rahman dưới hình thức tinh thần của kinh Koran. M. Arkoun không chấp nhận bất cứ sự nhấn mạnh nào vào nguyên bản gốc hoặc vào bản chất không thay đổi. Nói cách khác, ông ủng hộ việc giải thích mở về Hồi giáo.

Trong việc phân loại các nhà hiện đại chủ nghĩa Hồi giáo, Husein Nasr cũng tính đến những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc trong thế giới Hồi giáo ở nửa đầu thế kỉ XX chịu ảnh hưởng của các mô hình thế tục phương Tây. Những người theo chủ nghĩa dân tộc nhận được sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran từ những năm 1920 cho đến khi nổi lên phong trào phục hưng Hồi giáo ở cuối thế kỉ XX là những đối thủ chủ yếu của Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng có những hình thức khác của chủ nghĩa dân tộc mà ở ngay trong bản thân Hồi giáo, trường hợp Pakistan, được thành lập năm 1947, tách ra từ tiểu lục địa ấn Độ, là một minh chứng rõ ràng. Chủ nghĩa dân tộc cũng có sức mạnh trong thế giới ảrập, và ở giữa thế kỉ XX cũng có người ủng hộ cho cái gọi là chủ nghĩa ảrập bao gồm các quốc gia Ai Cập, Syria, Iraq, Libi và Yêmen (thực tế còn có Cộng hòa ảrập Thống nhất thành lập năm 1958, tồn tại trong một thời gian ngắn giữa Ai Cập, Syria và Bắc Yêmen). Husein Nasr cũng gộp những người theo chủ nghĩa xã hội Hồi giáo và chủ nghĩa Mác vào trong nhóm những người theo chủ nghĩa hiện đại. Đó là trường hợp của Tổng thống Nasser của Ai Cập, là đảng Ba’ath ở Syria và Iraq trong những năm 1960, 1970. Hình thức chủ nghĩa xã hội này, nhìn chung, gặp phải nhiều tai tiếng và phản đối của các dân tộc trong khu vực này.

Chủ nghĩa truyền thống Hồi giáo

Những người theo chủ nghĩa truyền thống Hồi giáo được xác định là những người Hồi giáo chấp nhận di sản của Hồi giáo là một phần thế giới quan của họ, bao gồm kinh thánh, truyền thuyết về Nhà Tiên tri Muhammad, giáo luật, thần học, triết học, Sufi và cách thức cụ thể nhìn nhận thế giới tự nhiên. Theo Husein Nasr, chủ nghĩa truyền thống có điểm khác so với cách diễn giải Hồi giáo của những người theo chủ nghĩa hiện đại, bởi vì ông nhận thấy nhiều người trong số những người theo chủ nghĩa hiện đại chịu ảnh hưởng của triết học phương Tây (mặc dù, ông thừa nhận những người theo chủ nghĩa hiện đại như M. Arkoun và F. Rahman cũng có những yếu tố tích cực trong các tác phẩm của họ). Chủ nghĩa truyền thống Hồi giáo cũng khác với chủ nghĩa chính thống Hồi giáo vì chủ nghĩa chính thống có chiều hướng phủ nhận nhiều truyền thống Hồi giáo trong những nỗ lực của họ để lấy lại cách giải thích “ban sơ” về Hồi giáo mà họ tin tưởng đã tồn tại dưới thời Nhà Tiên tri Muhammad và bốn vị Caliph đầu tiên.

Thật khó ước đoán tỉ lệ những người theo chủ nghĩa truyền thống so với các nhóm khác, nhưng có khả năng nhóm này đông hơn nhóm theo chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa chính thống. ở mức độ nhất định, cả chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo và chủ nghĩa chính thống Hồi giáo đều nổi lên ở thời đương đại như một phản ứng đối với quá trình hiện đại hóa và phương Tây. Chủ nghĩa truyền thống Hồi giáo cũng là một dạng phản ứng đối với những thách thức mới, nhưng theo cách riêng của nó. Chủ nghĩa truyền thống Hồi giáo cũng là sự kết hợp của nhiều nhóm khác nhau. Một số nhóm hi vọng có thể trở lại Hồi giáo thủa sơ khai bằng phương pháp hòa bình, nhóm khác lại cho rằng cần phải dùng các biện pháp đấu tranh chính trị. Ví dụ, ở ấn Độ, một nhóm những người theo chủ nghĩa truyền thống, nổi danh với cái tên Deobandis(7) (nhóm này thuộc trường phái Hanafi), khẳng định bản sắc của họ bằng cách lờ đi lề thói của người Anh và đưa ra sự hưởng ứng với thời hiện đại từ trong truyền thống của Hồi giáo. Phái Deobandis đã thành lập một cơ sở đào tạo giáo sĩ và trường học ngay bên ngoài Delhi sau cuộc binh biến năm 1857, nhằm đào tạo người Hồi giáo ấn Độ trở thành những giáo viên, hướng dẫn cầu nguyện, bảo vệ thánh mộ, bác sĩ, v.v… Cơ sở đào tạo giáo sĩ này đã thống nhất hai dòng tư tưởng Hồi giáo: thần học truyền thống và sự trang nghiêm của Sufi; Không khuyến khích đụng độ với người Anh vì sự thay đổi sẽ dần dần đến thông qua việc cải thiện cộng đồng, bằng tinh thần của mỗi cá nhân và những nỗ lực tôn giáo. Sự chỉ đạo cộng đồng Hồi giáo được đưa ra dưới dạng fatawi(quan điểm của tòa án), tức là người lãnh đạo trường học phải thực hiện phép loại suy (ijtihad) trong phạm vi của trường phái Hanafi.

Việc nhấn vào fatavi giải thích cho mong muốn cải cách cộng đồng Hồi giáo và cũng là để phá vỡ hệ thống tòa án của người Anh. Người Hồi giáo được khuyến khích đưa các tranh chấp tới trường học hơn là đệ trình tới người Anh, và bằng cách đó mới bảo vệ được văn hóa và luật Hồi giáo. Cùng với sự di cư của người Hồi giáo ấn Độ và Pakistan tới Anh, phái Deobandis đã thành lập được chi nhánh ở đó. Phái Deobandis đang nỗ lực giành quyền lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở cả Anh và Pakistan vì phải đấu tranh với tổ chức Jamaat-i-Islami – một tổ chức theo chủ nghĩa chính thống do Abu al-Alâ Mawdudi sáng lập đầu những năm 1940 với mục đích biến Pakistan thành một nhà nước Hồi giáo chính trị thần quyền, và phái Barelwis ở ấn Độ do Ahmad Rizâ Khan (1856 – 1921) sáng lập, tín đồ của phái này trải khắp Nam á và có nhiều môn đồ ở Anh.

Trước những sự kiện gây ảnh hưởng tới tình hình thế giới của phong trào chấn hưng Hồi giáo nói chung, học giả người Mỹ, S. Huntington đã viết trong Xung đột văn minh với việc xây dựng lại trật tự thế giới: “Phong trào phục hưng Hồi giáo ít ra cũng là một sự kiện lịch sử quan trọng tựa như cuộc cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp hay cách mạng Nga vậy”(8). Các nhà nghiên cứu còn nhận định rằng, phong trào phục hưng Hồi giáo rất có thể trở thành đối tượng mà cả thế giới phải chú ý và quan tâm đúng mức trong thế kỉ XXI. Phong trào phục hưng Hồi giáo giờ đây không còn là công việc nội bộ thế giới Hồi giáo, mà ảnh hưởng của nó liên quan đến cục diện quan hệ quốc tế, đến sự phát triển kinh tế và chính trị thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần đề cập đến các vấn đề mà Hồi giáo đang phải đối mặt. Sự thực có thể đúng là cuộc sống du mục trên bán đảo ảrập đã thay đổi ít nhiều kể từ thời đại của Nhà Tiên tri Muhammad, nhưng cũng rõ ràng rằng, thế giới đang có những thay đổi lớn lao trong khung cảnh của toàn cầu hóa. Điều đó cho thấy, mong muốn trở lại với Hồi giáo thời Nhà Tiên tri và giai đoạn bốn vị Caliph đầu tiên là điều bất hợp lí. Những tư tưởng luật pháp cơ bản của Hồi giáo là đúng đắn, nhưng chúng cũng cần phải được điều chỉnh cho thích hợp với hoàn cảnh đã thay đổi hiện nay. Điều thiết yếu là người Hồi giáo nên học cách chung sống với những đổi thay của thế giới, trong khi vẫn duy trì được đức tin cơ bản.

Người Hồi giáo cũng cần phải suy xét nhiều hơn về vị trí của Hồi giáo trên thế giới. Để Hồi giáo có vị trí thích đáng trong một thế giới đa tôn giáo, người Hồi giáo cần có sự đánh giá rộng rãi sự chân thực ở các tôn giáo khác. Đối thoại giữa các tôn giáo là xu thế chung trên thế giới hiện nay dù ở các cấp độ chính thức hay không chính thức. Sự hợp tác giữa các tôn giáo có thể cải thiện các vấn đề quốc tế.

————————————–

Chú thích:

1. Gordon D. Newby, A Concise Encyclopedia of Islam, Oneworld Oxford, England, 2002, pg 63. Nguyên gốc, thuật ngữ này được áp dụng cho những tín đồ Tin Lành Mĩ ở thế kỉ XIX, những người phản ứng một cách mạnh mẽ đối với những hiểm họa của quá trình hiện đại hóa. Dần dần thuật ngữ này được áp dụng cho các nhóm tôn giáo phản đối một cách khắt khe những thay đổi trong thế giới hiện đại. Khi áp dụng cho Hồi giáo, thường được hiểu đồng nghĩa với sự khủng bố, và vì sự hiểu sai lệch này cùng với các nghĩa tiêu cực khác, nhiều học giả phản đối việc áp dụng thuật ngữ này đối với Hồi giáo. Một số học giả nhìn nhận chủ nghĩa chính thống là một phần hành động của những người cải cách vẫn đang tiếp diễn trong lịch sử Hồi giáo, trong khi một số học giả khác lại cho rằng, đó chỉ là một phong trào của những người theo chủ nghĩa hiện đại. Dù có nguồn gốc từ phương Tây, thuật ngữ này đã được dịch sang tiếng ảrập: Usuliyyah hoặc Salafiyyah.
2. Gordon D. Newby. A Concise Encyclopedia of Islam. Oneworld Oxford, England, 2002, pg 69. Thuật ngữ dùng để chỉ hình phạt cho các loại tội nhất định được đề cập trong kinh Koran hoặc trong giáo luật (Shariah), chẳng hạn như tội cướp giật, trộm cắp, uống chất gây say, tố cáo sai sự dâm ô, tội ngoại tình hoặc gian dâm. Hình phạt được chia thành các khung bậc khác nhau, từ xử tử tới phạt roi.
3. Said E. Orientalism. London, 1978, pg 39.
4. Maslahah: nguyên tắc trong Shariah về lợi ích hoặc công bằng xã hội, tùy theo hoàn cảnh và yêu cầu mà có thể được sửa đổi để đáp ứng nhu cầu của người Hồi giáo ở bất cứ thời đại nào; shura: thuật ngữ để chỉ một ủy ban cố vấn. Đó cũng là cái tên để chỉ ‘Ban’ lựa chọn Uthman làm Caliph; ijma: sự đồng thuận – một yếu tố để tiến hành phép loại suy (ijtihad) tạo nên nguồn giáo pháp học. Theo luật Hồi giáo kinh điển, sự đồng thuận của tất cả các luật gia tạo nên một trong những nguồn chủ yếu của giáo luật. Xem cuốn A Concise Encyclopedia of Islam, … Sđd.
5. Husein Nasr. Traditional Islam in the Modern World Islam. NewYork, 1987, pg 98. Dẫn theo cuốn Tôn giáo và đời sống hiện đại, Viện Thông tin khoa học xã hội, tập II, 1997, tr 44.
6. Tôn giáo và đời sống hiện đại. Viện Thông tin khoa học xã hội, tập II, 1997, tr 47.
7. Đặt theo tên ngôi trường ở Deoband, cách Delhi 90 dặm về phía đông bắc, được thành lập năm 1867 để cải cách Hồi giáo ở ấn Độ
8. Trích theo: Nguyễn Đức, Thế Trường, Lê Yên. Hồi giáo, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2002, tr 92.

Theo TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO

Tags: ,