‘Đá lai nhựa’ Plastiglomerate – ‘quái vật môi trường’ con người đã vô tình tạo ra

Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, ‘đá lai nhựa’ Plastiglomerate là hồi chuông cảnh báo sự ô nhiễm đại dương và ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường chung.

Các nhà nghiên cứu thuộc hội địa chất Mỹ vừa qua đã công bố một phát hiện về một loại đá mới – “đá lai nhựa” với tên khoa học là plastiglomerate.

Loại đá plastiglomerate này được phát hiện lần đầu tiên một cách tình cờ bởi nhà hải dương học Charles Moore tại bãi biển Kamilo – đảo lớn của Hawaii vào năm 2006. Tuy nhiên, ông chưa thể giải thích cơ chế cũng như nguyên nhân hình thành loại đá kỳ lạ này. Moore đã kể phát hiện này với bà Patricia Corcoran – một nhà địa chất học tại ĐH Western Ontario (Canada).

Cảm thấy vô cùng hứng thú về những chia sẻ của Moore, bà Corcoran quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu và tiến hành tới Hawaii để thực địa. Ban đầu, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, loại đá mà Moore kiếm được là một loại mới sinh ra từ dung nham núi lửa đang hoạt động ở Hawaii. Nhưng sau đó, họ phát hiện hầu hết các mẫu đá lạ nằm gần bên khu lửa trại bên bờ biển.

Quá trình thực địa sau đó đều chỉ ra, loại đá plastiglomerate trên bãi biển Kamilo chính là từ các mảnh vụn nhựa kết hợp với đá qua sức nóng của lửa trại. Khi những người cắm trại hay ngư dân đốt lửa trại, đã làm chảy rác bằng nhựa dẻo. Chất này sau đó lẫn vào những thứ trên bãi biển như đá núi lửa, cát hay vỏ ốc biển.

Khi sóng biển kéo “chất dẻo kết thành cụm” này vào nước, chúng chìm xuống và trở thành một phần cấu tạo địa chất của hành tinh. Các nhà nghiên cứu ước tính, đá plastiglomerate có khả năng tồn tại một thời gian rất dài, rất khó bị phá hủy và có thể trở thành một loại vật chất không bị biến đổi của Trái đất.

Một số đá plastiglomerate còn mang trong mình nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng vô cùng xấu cho thực vật, động vật và con người. Đá plastiglomerate chính là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm tại các bờ biển. Điển hình như ở bãi biển Kamilo, trước đây là một nơi vô cùng sạch và là điểm đến thú vị tại Hawaii.

Thế nhưng tới nay nó là một trong những khu vực bẩn nhất thế giới. Nguyên nhân một phần do ý thức của khách du lịch, một phần do các dòng chảy của đại dương đã mang theo rác, các mảnh vụn nhựa và các chất ô nhiễm từ khắp nơi trên thế giới.

Khi khảo sát biển Kamilo, Corcoran và đồng nghiệp còn tìm thấy các mảnh đá plastiglomerate bên trong chứa nhiều rác nhựa xuất phát từ những khu vực rất xa như châu Á và Nga. Đây là một dấu hiệu xấu cho thấy, tình trạng ô nhiễm ở đại dương đang lên tới mức đáng báo động.

Thậm chí khi khảo sát ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Iceland, nhóm của Corcoran còn tìm thấy đá plastiglomerate với một sự phong phú đáng lo ngại. Nó xuất hiện với mật độ dày trên nhiều bờ biển.

Ước tính rằng, nếu không có biện pháp thay đổi, đá plastiglomerate sẽ tràn ngập trên các bờ biển, đáy đại dương trong tương lai không xa. Và đương nhiên, loại đá này sẽ ảnh hưởng tới môi trường toàn Trái đất và làm diệt vong nhiều thảm thực vật dưới đáy biển.

Bà Corcoran đã nói với tờ The Huffington Post: “Trong tương lai, khi mọi người nhìn thấy plastiglomerate trên những phiến đá, họ sẽ hối hận về việc đã gây ô nhiễm hành tinh nặng nề như thế nào”.

Phát hiện này còn làmột dấu hiệu cho thấy Trái đất đã bước vào một kỷ nguyên địa chất mới, được gọi là kỷ nguyên Anthropocene. Đây là khoảng thời gian trong đó con người chính là tác nhân chính thay đổi đáng kể và lâu dài đối với cảnh quan của hành tinh và bầu khí quyển.

Bà Corcoran còn chia sẻ rằng, việc bắt tất cả các quốc gia trên hành tinh không sử dụng chất dẻo là một điều vô cùng khó. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể làm những việc nhỏ như dọn dẹp bãi biển, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khi đi du lịch sẽ giúp số lượng đáplastiglomerate chỉ tồn tại ở một mức thấp nhất, đảm bảo an toàn cho môi trường sống.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: