Cuộc đời nhiều công lắm tội của thân phụ ông Ngô Đình Diệm

Ngô Đình Khả chính là cha của Ngô Đình Diệm – Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa trước những năm 1975 tại Sài Gòn. Từ một người được định hướng trở thành linh mục, Ngô Đình Khả đã có những bước rẽ để rồi đảm nhận các vị trí quan trọng trong nhiều đời vua nhà Nguyễn. Cũng chính những vị trí đó đã đưa Ngô Đình Khả vào con đường quan lại – tội ác…Cuộc đời nhiều công lắm tội của thân phụ ông Ngô Đình Diệm

Gia đình ông Ngô Đình Khả, Thượng Thư bộ Lễ kiêm Phụ Đạo Đại Thần và cũng là Cố Vấn của vua Thành Thái. Từ trái qua: Con gái lớn Ngô Đình Thị Giao, bà Ngô Đình Khả (nhũ danh Phạm Thị Thân) bế con gái nhỏ Ngô Đình Thị Hiệp, ông Ngô Đình Khả, các con trai Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm (4 tuổi) và Ngô Đình Khôi. Hình chụp khoảng 1905.

Ông Ngô Đình Khả sinh năm 1857 trong một gia đình công giáo ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ngô Đình Khả có tên đạo là Micae. Ngô Đình Khả lúc bé được cha đẻ là Giacôbê Ngô Đình Niêm cho đi giúp lễ với một vị linh mục Pháp ở họ đạo Mỹ Duyệt Hạ.

Đến năm 1870, Ngô Đình Khả được linh mục Caspar cho đi học tại Đại chủng viện của dòng Thừa sai Paris tại đảo Paulo Pinang, Malaysia cùng với Nguyễn Hữu Bài.

Sau một thời gian học đạo, Ngô Đình Khả trở về nước và được phân dạy môn triết tại Đại chủng viện giáo phận Huế trong thời gian thử thách để được chọn lên chức linh mục. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, Ngô Đình Khả vẫn không được bề trên ngó ngàng tới. Nên đến năm 1878, Ngô Đình Khả rời tu viện làm giáo dân bình thường và lấy vợ.

Do có khả năng ngoại ngữ tốt nên Ngô Đình Khả được linh mục chính xứ Phú Cam là Eugène Marie giới thiệu cho công việc thông dịch tài liệu tiếng Latinh và tiếng Pháp cho lính Pháp.

Do được làm thông ngôn cho các quan chức thực dân với triều đình Nguyễn nên Ngô Đình Khả cũng có thêm nhiều mối quan hệ với các quan lại trong triều. Đến năm 1885, Ngô Đình Khả được cử giữ chức An phủ sứ Quảng Bình lo việc bình định và chiêu an lực lượng nghĩa quân, văn thân dưới quyền đại tá người Pháp Duvillier.

Thế nhưng, do không có năng lực về mặt quân sự nên Ngô Đình Khả sớm phải rời bỏ chức vụ này. Để có thể “ra đi” một cách nhẹ nhàng mà không xấu mặt, Ngô Đình Khả đã “mượn cớ” mẹ mình bị bệnh để xin từ chức.

Sau khi vua Thành Thái lên ngôi, Ngô Đình Khả mới tiếp tục bắt đầu sự nghiệp làm quan của mình. Với danh tiếng của một người có học, lại đã từng học trong trường dòng ở nước ngoài nên Ngô Đình Khả đã được giao giữ các chức vụ liên quan đến giáo dục trong đời vua Thành Thái.

Năm 1896, Ngô Đình Khả làm Quản giáo Quốc gia học đường – đây là trường trung học Pháp Việt đầu tiên ở Trung Kì dạy từ tiểu học đến bậc tú tài chuyên khoa. Chức vụ này của Ngô Đình Khả tương đương với vị trí hiệu trưởng của Trường Quốc Học Huế.

Chính quyền thực dân Pháp cũng ủng hộ việc Ngô Đình Khả đảm nhận chức vụ hiệu trưởng của trường quốc học Huế vì Ngô Đình Khả vốn được đào tạo văn hóa và theo đạo Thiên Chúa.

Hai năm sau khi nhận chức hiệu trưởng trường Quốc học Huế, Ngô Đình Khả được vua Thành Thái phong chức Thượng thư phụ đạo đại thần.

Có thể nói, với kiến thức được học tập tại nước ngoài cùng với sự tâm huyết dành cho giáo dục, Ngô Đình Khả đã góp phần kết hợp được văn hóa phương Tây và phương Đông trong giáo dục ở trường Quốc học Huế.

Đến năm 1902, vua Thành Thái lại tiếp tục phong cho Ngô Đình Khả hàm Hiệp tá đại học sĩ. Cũng trong năm này, Ngô Đình Khả thôi không giữ chức vụ hiệu trưởng trường Quốc học nữa.

Năm 1905 Ngô Đình Khả được thăng chức Tổng quản Cấm thành, bảo vệ vua Thành Thái. Năm 1907, lúc ông đương kim phụ chánh tại triều, vua Thành Thái có hành vi chống Pháp nên bị thực dân bày trò các đại thần triều đình kí thỉnh nguyện thư yêu cầu viện Cơ mật và Pháp truất quyền và đày vua Thành Thái sang châu Phi, lấy cớ nhà vua bị bệnh tâm thần.

Lúc đó tại triều hầu hết các đại thần đều ký vào thỉnh nguyện đó. Chỉ riêng có quan phụ đạo đại thần Ngô Đình Khả không biểu đồng tình kí vào tờ biểu đó. Cũng chính vì thế mà sau này, dân gian mới có câu: “Đày vua không Khả, Đào mã không Bài”.

Sau biến cố này, Ngô Đình Khả bị người Pháp nghi ngờ đứng sau vua Thành Thái với sự ủng hộ cho Kì Ngoại hầu Cường Để, Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu.

Chính vì thế, chính quyền thực dân Pháp đã tạo cớ, buộc Ngô Đình Khả nghỉ hưu sớm. Mãi đến khi, vua Khải Định lên ngôi, Ngô Đình Khả mới quay lại đảm nhận các chức vụ trong triều đình.

Tuy nhiên, trong quãng đời làm quan của mình, Ngô Đình Khả cũng đã gây ra nhiều tội ác, đặc biệt trong giai đoạn làm phó tướng cho Nguyễn Thân. Nguyễn Thân là võ quan của nhà Nguyễn song cũng là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp.

Cha của Nguyễn Thân là Nguyễn Tấn, một võ quan triều Tự Đức, nhờ dùng mưu kế, thu phục được các sắc dân ở Đá Vách, Quảng Ngãi. Tương truyền Nguyễn Tấn ăn đường Phèn, người Đá Vách tưởng ông ăn đá cuội, nên tôn ông làm thần tướng.

Sau, các bộ tộc này lại nổi dậy, triều đình sai Nguyễn Thân đi đánh dẹp. Biết Nguyễn Thân là con của “thần tướng” nên các bộ tộc này đều thu quân. Nguyễn Thân trở nên nổi tiếng. Khi vua Hàm Nghi ban bố chiếu Cần Vương, Nguyễn Thân tham gia Nghĩa hội Quảng Ngãi.

Nhưng sau khi suy tính thiệt hơn, Nguyễn Thân lại phản lại Nghĩa hội để làm cộng sự cho thực dân Pháp. Người Pháp bèn sai Nguyễn Thân đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân chỉ huy; cuộc khởi nghĩa ở Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo.

Cũng từ đây, Nguyễn Thân trở thành một cộng sự đắc lực, rất được Pháp tin cậy. Năm 1895, Nguyễn Thân lĩnh chức Khâm mạng tiết chế quân vụ, đem ba ngàn quân ra Hà Tĩnh lùng diệt cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

Ở đây, Nguyễn Thân đã cho quật mồ Phan Đình Phùng, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La. Cũng chính bởi việc làm độc ác này mà Nguyễn Thân được cử làm phụ chính đại thần, được phong tước Diên Lộc Quận công.

Sau này, Phan Bội Châu đã viết về Nguyễn Thân rằng: “Nguyễn Thân, người Quảng Ngãi, trước cũng dự tên Nghĩa hội, sau phản Nghĩa hội theo Pháp… Đây là tay đầu sỏ nhất trong bọn nộ lệ Pháp…(dù) Hiệu, Phiến ở đâu, tất nó hết sức dò la cho ra…”.

Chính trong thời gian làm phó tướng cho Nguyễn Thân, Ngô Đình Khả đã thực hiện lệnh của viên quan khét tiếng độc ác này đào mộ lấy xác cụ Phan Đình Phùng, trộn thuốc súng, bỏ vào súng thần công, bắn xuống sông.

Không những vậy, các nhà nghiên cứu lịch sử cũng cho rằng, Ngô Đình Khả phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực dân Pháp biến khu vực Trấn Bình Đài ở Huế thành nhà thờ.

Chuyện là vào đầu thế kỷ 19, khi xây dựng kinh thành, nhà Nguyễn lập Trấn Bình Đài để bảo vệ Kinh đô từ phía Đông Bắc. Những đơn vị lính Pháp đã tìm rất nhiều cách chiếm lĩnh khu vực trọng yếu này trong quá trình đánh thành Huế.

Trong Hiệp ước Giáp Thân được kí kết vào tháng 6/1884, thực dân Pháp ép nhà Nguyễn phải nhượng Trấn Bình Đài cho lính Pháp đóng quân. Cái tên Đồn Mang Cá có từ đó. Khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, lính Pháp đã đánh chiếm khu vực Linh Hựu Quán và một số công trình khác của triều đình.

Tới năm 1886, viên toàn quyền Paul Bert được Trương Vĩnh Ký tư vấn, lại ép vua Đồng Khánh nhượng tiếp khu đất nằm giữa trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để chúng xây dựng thêm doanh trại, đồn bốt, nhà thương, kho hậu cần… Linh Hựu Quán bị triệt giải từ đó.

Và cũng từ đó người dân ở Huế gọi khu nhượng địa mới này là Mang Cá Lớn, khu Trấn Bình Đài cũ là Mang Cá Nhỏ. Lúc bấy giờ có một số người dân theo đạo Thiên Chúa ở thôn Cự Lại, vùng Thuận An lên tá túc xung quanh doanh trại Pháp ở khu Mang Cá, kiếm kế sinh nhai bằng nghề bồi bếp, buôn bán…

Lấy lý do giúp đỡ con chiên, linh mục Joseph Allys, vốn là người quen biết với Ngô Đình Khả đã xin xây một nhà thờ trên đất Linh Hựu Quán để giáo dân có nơi đọc kinh sớm tối, lễ lạt Chúa nhật.

Nhưng vì luật lệ của nhà Nguyễn lúc đó cấm xây dựng nhà thờ trong khu vực kinh thành nên việc này đã không được chấp thuận. Nhưng khi Ngô Đình Khả đảm nhận chức chỉ huy thị vệ dưới triều vua Thành Thái đã tâu với vua nên xây một nhà thờ Thiên Chúa giáo mới trên đất của Linh Hựu Quán.

Trong cuộc đời của mình, Ngô Đình Khả kết hôn hai lần. Người vợ đầu của Ngô Đình Khả là một giáo dân, tên là Madelena Chĩu. Tuy nhiên, không lâu sau khi cưới bà Chĩu phận bạc, mất sớm.

Tới năm 1889, Ngô Đình Khả tục huyền với một nữ giáo dân khác tên là Anna Phạm Thị Thân, quê ở Phú Cam, Hương Thủy. Hai người đã sinh ra được 9 người con, gồm 6 người con trai và 3 người con gái.

Chín người con theo thứ tự là Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thị Hiệp, Ngô Đình Thị Hoàng, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện.

Ngô Đình Khả qua đời năm 1923 vì bệnh phổi trong khi bà Phạm Thị Thân qua đời tại Sài Gòn ngày 2/1/1964. Trong số 9 người con của Ngô Đình Khả thì Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu sau này trở thành những người đứng đầu chế độ Việt Nam cộng hòa trước năm 1975.

Theo ĐINH MINH / PHỤ NỮ VIỆT NAM

Tags: , ,