Chuyện nhà Trần bốn lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội ‘uốn lưỡi cú diều’

Giữa thế kỷ 13, thời điểm quân Mông Cổ còn chưa diệt được nhà Tống nhưng đã nhăm nhe muốn khuất phục Đại Việt khi ấy do nhà Trần lãnh đạo. Phép chiếm đất của quân Mông Cổ thời đó bao giờ cũng là đánh trước bằng ngoại giao rồi mới dùng binh.

Chuyệ nhà Trần bốn lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội ‘uốn lưỡi cú diều’

Về ngoại giao, chúng thường cử sứ giả sang dùng lời lẽ dọa nạt, bắt đối phương khuất phục, trở thành chư hầu. Khi trở thành chư hầu thì sẽ phải cho chúng đặt quan Đạt Lỗ xích hoa trong nước đẻ giám sát mọi mặt của chư hầu. Chưa hết, chư hầu phải cống vàng lụa, phải có trách nhiệm nộp thuế và cử quân đội đi đánh nước khác theo sự sai khiến của chúng. Như thế thì việc chấp nhận trở thành chư hầu không khác gì đánh mất sự độc lập và trở thành một tỉnh bị người Mông Cổ quản lý toàn diện.

Rất nhiều nước đã không chấp nhận việc đầu hàng người Mông Cổ và khi ấy chúng mới kéo quân sang vây thành diệt nước, thực hiện chính sách gần như diệt chủng để khỏi nỗi lo bị phản kháng sau này, đồng thời làm gương dọa các nước khác phải đầu hàng. Chính vì thế, chỉ với một đội quân viễn chinh dù không lớn nhưng vó ngựa Mông Cổ có thể tung hoành khắp lục địa Á – Âu và khuất phục rất nhiều vương quốc. Ngay cả nhà Kim hùng mạnh, nước Tống người đông cũng không phải đối thủ.

Sau khi khuất phục được Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc hiện giờ) năm 1253, quân Mông Cổ muốn khuất phục tiếp Đại Việt để từ đó tạo bàn đạp vừa đánh tiếp xuống phía Nam, vừa đánh thốc lên nhà Tống.

Như thói quen, quân Mông cử sứ giả sang dọa dẫm nhà Trần với niềm tin Đại Việt ngoan ngoãn làm chư hầu. Tháng 9 năm 1257, sứ của Ngột Lương Hợp Thai tới trước cửa ải nước ta. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng tám năm Đinh Tỵ (khoảng tháng 9 năm 1257), chủ trại ở Quy Hóa là Hà Khuất cho chạy trạm về triều tâu là có sứ Nguyên tới”.

Được tin báo, triều đình nhà Trần lệnh cho sứ nhập cảnh và đưa sứ vào triều. Sử cũ không ghi chi tiết gì về việc sứ Nguyên, tức sứ Mông Thát tới Thăng Long. Nhưng chúng ta có thể hiểu theo thói quen thì sứ Nguyên sẽ tung lời dọa dẫm để khủng bố tinh thần nước khác phải khuất phục chúng. Trừ giai đoạn đầu có sự kháng cự ở các vương quốc Trung Á thì mấy chục năm đánh xuống phía Nam mỗi khi quân Mông cho sứ đi tới đâu thì nơi đấy thường khiếp sợ, cúi đầu dâng đất xin hàng hoặc xưng thần nộp cống.

Nhưng ở Đại Việt thì không có chuyện đó. Đại Việt sử ký toàn thư không ghi lại việc sứ ta sang chầu đáp lễ Ngột Lương Hợp Thai mà chỉ chép vắn tắt như sau: “Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên theo sự tiết chế của Quốc Tuấn (tức Trần Hưng Đạo). Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí. Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải xâm phạm Bình Lệ Nguyên”.

Như vậy, tháng 8 (âm lịch) sứ Nguyên sang, tháng 9 nhà Trần đã cho quân ra biên giới ngăn ngừa, tháng 11 thì chuẩn bị vũ khí và tháng 12 thì quân Mông kéo sang. Với tốc độ thông tin bằng ngựa như thời xưa thì có thể thấy các hoạt động lúc đó rất khẩn trương. Từ đấy có thể hiểu rằng trong cuộc đấu ngoại giao, ta cự tuyệt hoàn toàn lời đe dọa của người Mông và chủ động nghênh đón một cuộc chiến quân sự trong dự tính.

Người Mông có vẻ không hiểu tinh thần bất khuất của Đại Việt. Họ tưởng chỉ dùng mấy lời dọa dẫm của sứ giả và tăng dần cường độ là khiến vua tôi nhà Trần khiếp sợ. Chính vì vậy, trong thời gian ngắn trước khi quân của Ngột Lương tiến vào nước ta thì người Mông đã cử 3 lượt sứ giả đến “chiêu an”.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn tham khảo từ sách Nguyên sử loại biên và sách Cương mục tục biên (Trung Quốc) đều chép rằng: “Năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai đã bình được nước Đại Lý, kéo quân sang nước ta, ba lần sai sứ đến dụ nhà vua đầu hàng, đều không thấy sứ thần trở về, bấy giờ mới chia đường tiến quân, nhân thế thắng, kéo vào đô thành nước ta, khi vào, thấy ba người sứ sai sang trước còn bị giam ở trong ngục, người nào cũng bị những thanh tre bó chặt vào mình sát hẳn đến da, khi cởi trói ra, thì một người đã bị chết, họ liền giết hết cả dân trong thành. Đóng quân ở đây được 9 ngày, vì không chịu được nóng nực, phải rút về. Lại sai sứ giả đến chiêu an, vua Thái Tông giận họ tàn phá, nên lại sai trói hai sứ giả đưa trả lại”.

Còn thực tế thì quân Mông rút về không phải do sợ nóng mà mắc phải kế vườn không thành trống, không có lương ăn. Đóng quân ở Thăng Long, lương ăn năm bảy ngày đã cạn mà không tìm được quân Trần ở đâu để quyết đấu. Cùng đường, Ngột Lương Hợp Thai phải từ bỏ mọi mưu đồ quân sự, phải vận dụng ngoại giao cầu hòa, để được đem quân an toàn trở về nước. Triều đình nhà Trần không chấp nhận lời cầu hòa của giặc, cho trói sứ đuổi về trại giặc. Quân ta tổ chức một trận tập kích lớn, đánh vào toàn bộ quân giặc. Giặc không chống đỡ nổi, thiệt hại nặng, phải dồn toàn lực đem tàn quân chạy về nước. Như vậy, trước và sau cuộc kháng Nguyên Mông lần thứ nhất, ta đã 4 lần trói sứ giả giặc, điều mà chưa nước nào khi ấy dám làm. Cũng phải hiểu rằng sứ giả quân Mông không hề cư xử theo nghi lễ ngoại giao mà chỉ là những kẻ khiêu chiến, coi thường nước khác nên cần bị trừng trị. Chẳng trách khi viết Hịch tướng sĩ thì Hưng Đạo vương có viết sứ giả Nguyên Mông là lũ “uốn lưỡi cú diều sỉ mắng triều đình”.

Theo MỘT THẾ GIỚI

Tags: ,