Chùm ảnh: Vẻ đẹp của ngôi đền trấn Tây kinh thành Thăng Long

Cảnh quan ấn tượng của đền Voi Phục – một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long – khiến du khách phương xa ghé thăm đền một lần sẽ nhớ mãi.

Tọa lạc tại số 362 phố Kim Mã, cạnh công viên Thủ Lệ, đền Voi Phục là ngôi đền trấn giữ hướng Tây trong bốn ngôi đền thuộc Thăng Long Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Theo sử sách, đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) trên địa phận làng Thủ Lệ. Đền thờ hoàng tử Linh Lang, theo chính sử là con vua Lý Thái Tông, còn theo truyền thuyết là con của Long Quân, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống.

Vì trước cửa đền có đắp tượng hai con voi quỳ gối nên quen từ xưa dân gian đã gọi đền là đền Voi Phục. Và vì đền ở phía Tây kinh thành nên còn được gọi là Tây trấn từ hoặc trấn Đoài (Đoài thuộc hướng Tây trong quan niệm phong thủy).

Trong một thiên niên kỷ tồn tại, đền Voi Phục đã nhiều lần được trùng tu, tái thiết. Năm 1947 đền bị thực dân Pháp phá hủy, nhưng sau đó được khôi phục dựa trên kiến trúc cũ có từ thời nhà Nguyễn. Vào thập niên 2000 đền được trùng tu trên quy mô lớn.

Ngày nay, đền Voi Phục là một trong những ngôi đền có không gian kiến trúc đẹp nhất Hà Nội. Sau cổng nghi môn ở sát mặt đường, một khoảng không gian khoáng đạt được mở ra với con đưởng lát gạch rợp bóng cây xanh, lộng gió hồ Thủ Lệ.

Đi qua hai lớp cổng, khu đền chính nằm trên nền cao hiện ra. Có ba lối lên sân đền, trong đó lối chính giữa có 12 bậc đá rộng, chỉ để rước kiệu trong ngày lễ, còn bình thường khách thập phương đi bằng hai lối hai bên.

Khu điện thờ của đền Voi Phục có dạng chữ Công, gồm tòa Tiền tế năm gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ, tòa Trung đường một gian chạy dọc vào phía trong nối với tòa Hậu cung. Hậu cung cũng 5 gian, là nơi có tượng đức Linh Lang.

Không gian thờ tự trong đền được bài trí tôn nghiêm. Ngoài các pho tượng thờ được tạo tác sinh động còn có nhiều hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Nằm ở nền đất thấp hơn, đối diện với lối đi chính có một giếng nước mang ý nghĩa tụ thủy tụ phúc, là nơi xưa kia dùng lấy nước cúng. Đây cũng là công trình tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan của đền.

Một nét hấp dẫn của đền Voi Phục là khuôn viên đền có nhiều cây cổ thụ cành lá xum xuê, soi bóng xuống mặt hồ Thủ Lệ. Cảnh quan này mang vẻ đẹp kỳ ảo khiến du khách phương xa ghé thăm đền một lần sẽ nhớ mãi.

Lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai Âm lịch. Từ xa xưa, lễ hội này đã được tổ chức theo nghi thức quốc lễ với các đoàn khách hành hương đến từ nhiều địa phương quanh Hà Nội.

Vào năm 1962, đền Voi Phục đã trở thành một trong 12 di tích đầu tiên được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia của Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,