Chùm ảnh: Vẻ tuyệt mỹ của cung An Định ở Cố đô Huế

Có quy mô đồ sộ cùng cách thức trang trí hết sức hoa mỹ, cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc tân – cổ điển ở Việt Nam.

Tọa lạc bên bờ sông An Cựu, địa chỉ số 97 đường Phan Đình Phùng, TP Huế, cung An Định là cung điện điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua.

Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này) đã lập phủ riêng, đặt tên là phủ An Định.

Sau khi lên ngôi, vào năm 1917, vua Khải Định đã dùng tiền riêng để cải tạo lại công trình theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi.

Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định.

Cung An Định nằm trên một khu đất có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có tường gạch bao bọc.

Khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình, từ trước ra là bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước… Đến nay cung còn lại ba công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

Cổng chính xây hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đỉnh mái tầng trên gắn biểu tượng một viên trân châu lớn.

Toàn bộ cổng được đắp nổi sành sứ, thủy tinh với các đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam. Dòng chữ Hán ghi tên cung và các câu đối ở cổng đều được ghép bằng các mảnh sứ màu.

Qua cổng chính là đình Trung Lập với kết cấu hình bát giác, mái có hai lớp theo dạng cổ lầu. Lớp mái dưới có 8 cạnh, lớp trên 4 cạnh.

12 bờ quyết của mái đình Trung Lập đắp nổi 12 con rồng, trên nóc chắp thiên hồ.

Trong đình có đặt bức tượng đồng vua Khải Định tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920.

Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung An Định.

Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành) trong tên lầu là do vua Khải Định đặt.

Lầu có ba tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, có diện tích mặt bằng tới 745m2.

Toàn bộ mặt trước của tòa nhà được trang trí công phu, tỉ mỉ các mô típ kiến trúc Roman cận đại (bắc đẩu bội tinh, thiên thần…) xen lẫn các đề tài trang trí phương Đông truyền thống (rồng, phượng, bát bửu, hoa văn cách điệu…).

Tầng một có 7 phòng, được trang trí rất lộng lẫy, trong đó nổi bật nhất là đại sảnh. (Hình ảnh nội thất được thực hiện với sự đồng ý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).

Điều đặc biệt ở gian phòng này là bộ 6 bức tranh sơn dầu được vẽ trực tiếp lên tường mô tả các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định.

Những bức tranh này từng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đã được các chuyên gia của CHLB Đức phục chế theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên và sử dụng các chất bảo quản nhằm ngăn chặn những tác hại của môi trường.

Giữa đại sảnh có tượng đồng của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, người sau này là vua Bảo Đại.

Phòng khách nằm bên phải của đại sảnh khi đi vào từ cổng chính.

Phòng ăn đối diện với phòng khách qua đại sảnh.

Bàn ghế trong phòng khách.

Một chiếc ghế sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo trong phòng ăn.

Bình pha lê kiểu châu Âu trong phòng ăn.

Họa tiết trang trí trên trần phòng ăn.

Hai căn phòng ngoài cùng nằm ở hai bên của tầng một được dùng làm phòng thông tin và trưng bày hình ảnh tư liệu.

Cầu thang dẫn lên tầng hai nằm phía cuối đại sảnh.

Tầng hai và ba của cung An Định trước đây là chỗ ở của bà Từ Cung (thân mẫu của hoàng đế Bảo Đại) và nơi thờ thần linh. Tầng hai có 8 phòng; tầng ba có 3 phòng lớn và 4 phòng nhỏ.

Các phòng của tầng hai hiện được dùng làm phòng thông tin và trưng bày các hiện vật từng được sử dụng tại cung An Định.

Bộ bàn ghế vua Bảo Đại sử dụng để chơi mạt chược nằm ở trung tâm một căn phòng.

Chiếc giường của vua được trưng bày tại một phòng khác.

Tay nắm cửa nhập từ Pháp của một căn phòng.

Phía sau lầu Khải Tường là nền móng của nhà hát Cửu Tư Đài. Đây là nơi diễn tuồng, cải lương phục vụ Hoàng gia dưới thời vua Bảo Đại.

Mặt sau của lầu Khải Tường nhìn từ nhà hát Cửu Tư Đài.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, cung An Định đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây.

Các công trình kiến trúc trong cung An Định đều mang phong cách kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam với các đề tài trang trí của châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.

Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn… cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc tân – cổ điển (Néo – Classique) ở Việt Nam.

Ngay nay, cung An Định là một công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , , , ,