Chùm ảnh: Sự đa dạng của các loài chim sáo ở Việt Nam

Mặc dù sáo là loài chim cảnh rất quen thuộc, sự phong phú của các loài chim thuộc họ Sáo (Sturnidae) ở Việt Nam vẫn khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.Chùm ảnh: Sự đa dạng của các loài chim sáo ở Việt Nam

Ảnh: eBird.org

Sáo mỏ vàng (Acridotheres grandis) dài 24-27 cm, là loài định cư không phổ biến đến tương đối phổ biến trong cả nước. Loài chim này được ghi nhận ở các khu vực trống trải, thành thị, nơi canh tác, gần cánh đồng lúa.

Sáo mỏ ngà (Acridotheres cristatellus) dài 25-27 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Bộ. Sinh cảnh của chúng là các khu vực trống trải, thành thị, cây bụi, nơi canh tác, chủ yếu là các vùng thấp, hay bị bẫy làm chim cảnh.

Sáo nâu (Acridotheres tristis) dài 24-27, là loài dc phổ biến trong cả nước. Chúng sống ở các khu vực trống trải, thành thị, cây bụi, nơi canh tác.

Sáo sậu đầu trắng (Acridotheres burmannicus) dài 22-23 cm, là loài định cư tương đối phổ biến đến phổ biến tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ (dễ gặp ở VQG Chư Yang Sin, Bidoup Núi Bà, Cát Tiên). Chúng sống ở các khu vực khô hạn trống trải, bán sa mạc, cây bụi, nơi canh tác.

Yểng (Gracula religiosa) dài 27-31 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước, (dễ gặp hơn tại miền Nam). Chúng sống ở rừng thường xanh, rừng rụng lá, bìa rừng, nương rẫy, hay đậu tại các cành trống trải trên cây cao. Đây là một trong các loài chim bị bẫy làm chim cảnh phổ biến.

Sáo đá má trắng (Spodiopsar cineraceus) dài 23-24 cm, là loài trú đông hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc. Chúng được ghi nhận ở khu vực trống trải, cây bụi, nơi canh tác, các vùng đất thấp, thường di chuyển theo đàn lớn, đôi khi chung đàn với các loài sáo khác.

Sáo đá đầu trắng (Spodiopsar sericeus) dài 23-24 cm, là loài trú đông hiếm đến tương đối phổ biến tại Đông Bắc, lang thang tại Trung Bộ (dễ gặp tại VQG Bái Tử Long, Xuân Thủy vào mùa xuân). Chúng sống ở khu vực trống trải, cây bụi, nơi canh tác, các vùng đất thấp, thường di chuyển theo đàn lớn, có thể chung đàn với loài sáo khác.

Chùm ảnh: Sự đa dạng của các loài chim sáo ở Việt Nam

Sáu sậu (Gracupica nigricollis) dài 27-30 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước, trừ Tây Bắc. Sinh cảnh của loài này là khu vực trống trải, thành thị, nơi canh tác, nương rẫy, cây bụi.

Sáo đá lưng đen (Agropsar sturninus) dài 17-19 cm, là loài di cư không phổ biến tại Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở rừng thứ sinh, bìa rừng, các khu vực trống trải, nơi canh tác, chỉ ghi nhận ở vùng đất thấp, thường di chuyển theo đàn lớn.

Sáo đá vai trắng (Sturnia sinensis) dài 18-20 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Đông Bắc và Bắc Trung Bộ, trú đông hiếm đến tương đối phổ biến trong cả nước, ghi nhận di cư qua Đông Bắc. Chúng sống ở khu vực trống trải có cây rải rác, cây bụi, nơi canh tác, ven biển.

Sáo đá đuôi hung (Sturnia malabarica) dài 18-20 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của chugns là các khu vực trống trải, thành thị, thường kiếm ăn trên các cây có hoa.

Sáo đá xanh (Sturnus vulgaris) dài 20-23 cm, là loài lang thang và di cư trú đông hiếm tại Đông Bắc và Trung Trung Bộ. Chúng sống ở các khu vực trống trải, khu canh tác tại các vùng đất thấp.

Sáo vàng (Ampeliceps coronatus) dài 22-24 cm, là loài định cư không phổ biến đến phổ biến tại Đông Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ (VQG Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên). Sinh cảnh của loài chim sáo này là rừng lá rộng thường xanh và rừng hỗn giao rụng lá, bìa rừng, khu vực trống trải trong rừng, thường di chuyển theo đàn lớn.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Tags: , ,