Chùm ảnh: Ông Hổ nằm bẹp giữa sân chùa nổi tiếng Phú Quốc

Tảng đá hình Ông Hổ ở chùa Sư Muôn là một dấu ấn rõ nét về tục thờ hổ, một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc ở miền Tây Nam Bộ xưa. Ngay từ buổi đầu đến vùng đất mới này, lưu dân đã phải đối mặt với rừng rậm hoang vu đầy thú dữ.

Nằm ở ấp Suối Đà, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, chùa Sư Muôn hay Hùng Long tự là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của hòn Đảo Ngọc phương Nam. Chùa được xây dựng năm 1932 bởi ông Nguyễn Kim Môn (1892-1946), một cựu nhân viên ngân hàng xuất gia tu Phật.

Một trong những điều độc đáo của ngôi chùa này là phía trước chính điện có một khối đá to nổi lên, và cư dân địa phương tưởng tượng ra rằng đó là một con hổ đang nằm.

Người ta dùng sơn vẽ lên tảng đá các vằn vàng và mặt, râu hổ lên cho ra dáng một ” Ông Hổ”. Trước mặt hổ là một bát hương luôn nghi ngút khói.

Trong dân gian có lời đồn rằng Ông Hổ đá này rất linh thiêng, cầu gì được đó, đặc biệt là trong chuyện con cái. Muốn có con trai thì sờ lên đầu hổ, muốn có con gái thì sờ phần đuôi.

Có thể nói, tảng đá hình Ông Hổ ở chùa Sư Muôn là một dấu ấn rõ nét về tục thờ hổ, một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc ở miền Tây Nam Bộ xưa.

Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được khai phá muộn của Việt Nam. Ngay từ buổi đầu đến vùng đất mới này, lưu dân đã phải đối mặt với rừng rậm hoang vu đầy thú dữ. Trong đó, hổ là con vật nguy hiểm nhất.

Là đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên, hổ đã được người dân tôn lên thành thần. Tục thờ hổ ở Nam Bộ gắn liền với những giai thoại ly kỳ, trong đó loài hổ không phải lúc nào cũng là thế lực hung bạo, mà đôi khi có mối liên hệ khăng khít với con người.

Điều này lý giải vì sao ở miền Tây Nam Bộ ngày nay có rất nhiều đình, miếu thờ hổ. Các công trình đó chính là chứng tích về một quá khứ rừng thiêng nước độc của vùng đất này…

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,