Chùm ảnh: Những nhà ga ‘ma ám’ của tuyến đường sắt cổ ở Đà Lạt

Hoạt động từ năm 1932 cho đến thập niên 1970, đường sắt Phan Rang – Đà Lạt từng được coi là một trong những tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới. Cùng khám phá một số nhà ga bỏ hoang của tuyến đường sắt này ở gần Đà Lạt.

Ga Eo gió

Nằm gần đỉnh đèo Ngoạn Mục, thuộc địa phận thị trấn D’ran, cách TP Đà Lạt khoảng 30km, ga Eo Gió từng là một nhà ga có vị trí đặc biệt của tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt xưa.

Ga Eo Gió có tên gọi tiếng Pháp là Bellevue. Nằm ở độ cao 991, đây là một trong hai ga chính của tuyến đường hiểm trở nhất trên toàn tuyến: Tuyến Krong Pha – Eo Gió, tuyến đường sắt răng cưa vượt đèo Ngoạn Mục.

Từng là một nhà ga nhộn nhịp gắn với bộ mặt của vùng đất D’ran, những gì còn lại của ga Eo Gió khiến du khách phương xa không khỏi chạnh lòng.

Công trình dễ nhận ra nhất của nhà ga xưa là khu nhà xưởng, nơi từng lưu giữ các đầu máy cổ của tuyến đường sắt răng cưa. Sau hơn 4 thập niên bị bỏ hoang, khu nhà bề thế một thời chỉ còn là một bộ khung bê tông cốt thép hoang tàn, đổ nát.

Mặt ngoài khu nhà bị bao phủ bởi các loài cây cỏ dại.

Bên trong trống trơn và u ám.

Các khung cửa rộng đã bị tháo hết cánh khiến không gian rất cô quạnh.

Tất cả các trang thiết bị đã bị tháo dỡ từ nhiều thập niên trước.

Dấu tích gợi nhớ về thời hoàng kim của nơi đây là những dòng chữ tiếng Pháp vẫn còn rõ nét trên tường.

Sau khi dừng hoạt động, ga Eo Gió từng có giai đoạn trở thành nơi cư ngụ của những người tha phương.

Hiện tại, khu nhà xưởng được người dân địa phương tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như ủ phân bón…

…Tập kết củi gỗ.

…Thậm chí là đổ rác thải, xà bần.

Những chú gà cũng chọn nơi này làm ổ.

Rêu mốc bám trên các mảng tường khiến không gian thêm phần ảm đạm.

Dấu hiệu xuống cấp xuất hiện trên nhiều bộ phận của công trình.

Mang dáng vẻ “ma ám”, có lẽ bối cảnh của nơi đây rất phù hợp với các bộ phim kinh dị.

Cách nhà xưởng không xa là ga hành khách, ngày nay đã bị các công trình xây dựng của người dân quây kín xung quanh.

Đáng buồn hơn, ga Eo Gió không phái nhà ga duy nhất của tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt rơi vào tình trạng bi đát như vậy.

Ga Trạm Hành

Nằm trên đỉnh đèo D’ran, thuộc địa phận xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, ga Trạm Hành nằm cách ga Đà Lạt 22km, theo lộ trình của tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt.

Ga được xây vào đầu thập niên 1930, nằm bên một sườn núi ở độ cao 1.514 mét so với mực nước biển. Tên gọi chính thức của ga lúc mới hoạt động là ga Arbre Broyé.

Lúc mới được xây dựng, ga Trạm Hành là một nhà ga có quy mô khá lớn, được xây bằng đá, kiến trúc độc đáo với những đường cong mềm mại ở hai đầu hồi.

Nằm trên sườn núi hướng ra một thung lũng rộng lớn, đây cũng là một nhà ga có tầm nhìn đẹp bậc nhất trong các nhà ga ở Đà Lạt.

Các chuyến tàu đã đi qua ga Trạm Hành từ năm 1932 – 1972 và cả một thời gian ngắn sau khi Đà Lạt được giải phóng năm 1975, trước khi chính thức ngừng hoạt động cùng tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.

Ngày nay, những dấu tích còn lại của ga Trạm Hành khiến người có tình cảm với tuyến đường sắt xưa không khỏi xót xa.

Nhà ga hoành tráng giữa núi rừng một thuở chỉ còn là một đống đổ nát.

Sau khi ga ngừng hoạt động, hầu hết các trang thiết bị của ga đã bị tháo dỡ để bán đồng nát, để lại những bức tường đá trơ trọi.

Nhiều hộ dân đã biến nhà ga cổ thành nơi sinh sống, tự ý xây dựng các công trình kiên cố đè lên kiến trúc cũ.

Mái nhà ga trơ những khung thép hoen gỉ theo thời gian.

Nền nhà ga biến thành sân sinh hoạt, bề bộn và nhếch nhác.

Các vòm cửa bị bịt lại để chiếm dụng diện tích trong ga làm “đất nhà”.

Một góc nhà ga biến thành bãi rác.

Những bức tường loang lổ, rạn nứt do sự tàn phá của thời gian và con người.

Cây dại bao trùm lên những bức tường cũ càng làm tăng thêm vẻ hoang tàn.

Khu vực sân ga và đường tàu cũ giờ đây đã mọc lên những dãy nhà gạch. Lối vào ga là một hẻm nhỏ xuyên qua nhà dân. Từ con đường chính, nếu không để ý thì rất khó để nhận ra nhà ga xưa.

Một số hình ảnh khác về hiện trạng của ga Trạm Hành.

Gà Cầu Đất

Nằm ở địa phận xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, ga Cầu Đất nằm cách ga Đà Lạt 18km.

Ga được xây dựng ở độ cao 1.466 mét, nằm giữa ga Trại Mát và ga Trạm Hành, có tên tiếng Pháp là Entrerays.

Tương tự như ga Eo Gió và ga Trạm Hành, ga Cầu Đất đã ngừng hoạt động hơn 4 thập niên. Dù vậy, hiện trạng của ga có phần tốt hơn so với hai ga nói trên.

Diện mạo của ga vẫn còn khá nguyên vẹn với những đường nét kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20.

Do nằm sát Quốc lộ 20, hiện tại ga được công an xã Xuân Trường tận dụng làm trụ sở.

Cũng như ga Trạm Hành, phần đất xung quanh ga Cầu Đất đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm, xây nhà bao quanh.

Lối vào sân ga len lỏi qua các công trình của người dân.

Sân ga đã trở thành sân sinh hoạt của một số hộ gia đình.

Không được tu bổ thường xuyên, nhiều mảng tường bong tróc, loang lổ rêu phong.

Dấu hiệu xuống cấp xuất hiện trên nhiều bộ phận của công trình.

Ống khói của nhà ga.

Bảng tên nhà ga sơn trên tường vẫn còn khá rõ nét.

Bảng ghi độ cao không còn đọc được số liệu.

Một bảng tên ga bằng tiếng Pháp (Entrerays) đã bị thời gian bào mòn.

Một số hình ảnh khác về hiện trạng ga Cầu Đất.

Ga Đa Thọ

Nằm ở xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, ga Đa Thọ nằm cách ga Đà Lạt khoảng 11km. Khi đi từ Đà Lạt xuống Xuân Thọ, có thể nhìn thấy nhà ga này từ con dốc ở trung tâm xã.

Lối vào ga Đa Thọ đi qua một số nương rẫy của người dân.

Nhà ga cổ này nằm giữa ga Trạm Hành và ga Cầu Đất, có độ cao so với mặt nước biển là 1.402 m. Tên tiếng Pháp của ga Đa Thọ là ga Le Bosquet.

Về kiến trúc, có thể coi ga Đa Thọ và ga Cầu Đất là “anh em sinh đôi” vì hai ga này có thiết kế giống hệt nhau.

Về hiện trạng, ga Đa Thọ dù không bị lấn chiếm nghiêm trọng như “người anh em” của mình nhưng mức độ xuống cấp thì nặng hơn rất nhiều.

Trong số các nhà ga bị bỏ hoang ở Đà Lạt, có thể coi đây là nhà ga có khung cảnh ma mị nhất.

Một phần mặt trước của ga bị bao phủ bởi nhiều loài cây cỏ dại.

Dương xỉ bám vào các vách tường.

Dây leo tràn lên mái ngói.

Mái ngói nhà ga có nhiều chỗ bị sụp lở.

Mặt trước ga vẫn còn lưu giữ những vết đạn từ thời chiến tranh Việt Nam.

Ống khói nhà ga cũng lỗ chỗ vết đạn.

Tấm bảng ghi tên ga đã bị thời gian xóa nhòa.

Các ô cửa sổ hình bát giác kiểu Á Đông đã bị đập vỡ hết song cửa bằng gốm men xanh.

Không gian bên trong ga trống hoác, u ám…

…Và trở thành nơi tập kết chất thải xây dựng, củi khô của người dân.

Một lò sưởi ngập trong các loại xà bần.

Khu nhà bếp với ống thông khói và bếp lò bị cây dại bao phủ.

Hai trụ cổng trơ trọi.

Rẫy trồng cà phê của người dân vươn tới sát nhà ga.

Một số hình ảnh khác về hiện trạng ga Đa Thọ.

Theo KIẾN THỨC

 

Tags: , , , ,