Chùm ảnh: Những gương mặt đình đám còn sót lại của họ nhà ngựa

Họ Ngựa (Equidae) bao gồm ngựa, lừa và ngựa vằn, còn bao nhiêu loài hiện hữu trên quả đất? Đây là câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời thấu đáo.

Ngựa hoang (Equus ferus) được coi là loài điển hình của họ Ngựa, từng phổ biến khắp lục địa Á – Âu thời tiền sử. Đây là tổ tiên của tất cả các giống ngựa nhà được biết đến ngày nay.

Hiện tại, chỉ có một phân loài ngựa hoang còn tồn tại trong tự nhiên là ngựa Przewalski hay ngựa hoang Mông Cổ, với số lượng dưới 2.000 con trong các khu bảo tồn. Phân loài khác là ngựa Tarpan đã tuyệt chủng năm 1909.

Ngựa nhà (Equus ferus caballus) được coi là một phân loài của ngựa hoang, phổ biến toàn cầu, có kích cỡ, màu sắc và kiểu hình đa dạng tùy thuộc vào các nòi. Chúng được thuần dưỡng từ khoảng năm 4.000–4.500 TCN. Một số tài liệu coi đây là loài riêng với tên khoa học Equus caballus.

Lừa hoang châu Phi (Equus africanus) sống trong các sa mạc và các khu vực khô cằn ở Eritrea, Ethiopia và Somali. Loài này có thể sống trong môi trường sống hết sức khô hạn. Chúng là tổ tiên của lừa nhà.

Có hai phân loài lừa hoang châu Phi, là lừa hoang Nubia và lừa hoang Somali, đều thuộc diện Cực kỳ nguy cấp. Phân loài Somali có sọc ở chân như ngựa vằn.

Lừa nhà (Equus africanus asinus) được thuần hóa khoảng năm 3.000-4.000 TCN, ngày nay phổ biến toàn cầu. Chúng có tính cách ương bướng và khả năng thồ hàng rất tốt. Lừa nhà có thể được coi là phân loài của lừa hoang châu Phi, hoặc loài riêng với tên khoa học là Equus asinus.

Lừa rừng (Equus hemionus) sinh sống ở các vùng sa mạc của Syria, Iran, Ấn Độ và Tây Tạng. Loài này lớn hơn lừa hoang châu Phi và nổi tiếng là khó thuần hóa. Chúng từng được người Sumer cổ đại sử dụng để kéo xe kể từ khoảng năm 2.600 TCN.

6 phân loài được công nhận của chúng gồm lừa hoang Mông Cổ, lừa hoang Syria, lừa hoang Gobi, lừa hoang Turkmenia, lừa hoang Ấn Độ và lừa hoang Ba Tư. Trong đó phân loài Syria tuyệt chủng từ năm 1927, phân loài Turkmenia và Ba Tư thuộc diện Cực kỳ nguy cấp.

Lừa hoang Tây Tạng, hay lừa Kiang (Equus kiang) là loài lớn nhất trong các loài lừa hoang dã, phân bố ở các vùng đồi núi, thảo nguyên ở Nepal và Tây Tạng.

Loài này có tập tính đứng thành vòng tròn để tự vệ trước những bầy chó sói và ăn tuyết vào mùa đông để bổ sung nước. Số lượng của chúng còn khá đông đảo trong tự nhiên, với ba phân loài được công nhận là phân loài Đông, Tây và Nam.

Ngựa vằn đồng bằng (Equus quagga) phân bố ở phía Đông và Nam châu Phi. Là loài ngựa vằn phổ biến nhất, chúng thường tụ họp thành đàn lớn khi di chuyển để tìm nguồn thức ăn. Bản thân chúng lại là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài ăn thịt như sư tử, báo và cá sấu.

Có 6 phân loài ngựa vằn đồng bằng, gồm ngựa vằn Quagga, ngựa vằn Burchell, ngựa vằn Grant, ngựa vằn Selous, ngựa vằn Chapman và ngựa vằn Crawshay. Trong đó, phân loài Selous đang ở diện Cực kỳ nguy cấp, phân loài Quagga đã tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 19.

Ngựa vằn núi (Equus zebra) được ghi nhận trong các khu vực miền núi hay đồi có nhiều đá ở Namibia. Chúng là những động vật leo trèo nhanh nhẹn, thích nghi với cuộc sống khô cằn, thường tụ tập thành nhóm nhỏ khoảng 7-12 con.

Có hai phân loài ngựa vằn núi, là ngựa vằn núi Cape và ngựa vằn Hartmann. Cả hai đều thuộc diện Sắp nguy cấp.

Ngựa vằn Grevy (Equus grevyi) là loài ngựa vằn lớn nhất, được ghi nhận ở Kenya và Ethiopia. So với các loài ngựa vằn còn lại, chúng có tai lớn, cao hơn và sọc trên da hẹp hơn.

Loài ngựa vằn này có thể tồn tại đến 5 ngày mà không uống nước. Chúng được xếp vào diện Nguy cấp với số lượng còn khoảng 3.000 con.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,