⠀
Chùm ảnh: Những chiến binh cuối cùng của bộ tộc săn đầu người Konyak Naga
Bộ tộc săn đầu người Konyak Naga sống ở làng Longwa, Nagaland, Ấn Độ. Trước đây, các chiến binh thường giết những kẻ đối địch với bộ tộc và đem đầu về làm chiến lợi phẩm.
Sống tại làng Longwa, thuộc tỉnh Nagaland của Ấn Độ, những cựu chiến binh của bộ tộc Konyak Naga có vẻ ngoài ấn tượng, với các hình xăm trên mặt và trang sức thể hiện số người họ đã giết chết.
Trước đây, việc đánh bại kẻ thù và mang đầu họ về được coi là một truyền thống của tộc Konyak Naga. Chiến binh đó sẽ được bộ tộc vinh danh bằng hình xăm trên mặt hoặc ngực. Bà Teihngam (ảnh phải) là em gái của tộc trưởng. Gia đình bà xăm hình cho các chiến binh này.
Tộc trưởng Panpha, 86 tuổi, đã từng lấy đầu 4 người. Hiện tại, ông đang gặp vất vả trong việc bắt kịp với sự thay đổi trong xã hội.
Ching Kum (ảnh trái) nổi tiếng trong bộ tộc là người săn chiếc đầu cuối cùng vào năm 1990, trong cuộc chiến với tộc Chang.
Phụ nữ ở bộ tộc Konyak thường địu con hoặc khoác các gùi trên lưng. Các ống tre lớn này được dùng để đựng nước.
Ngoài việc cầm lao, nam giới lớn tuổi còn đeo hoa tai làm từ sừng lợn rừng và đem theo dao rựa.
Thời xưa, lao là vũ khí dùng trong các cuộc săn đầu người, nhưng giờ được coi như trang sức, biểu tượng cho niềm tự hào.
Trước kia, những ngôi nhà được trang trí bằng sọ người. Sau đó, người Konyak chuyển sang theo Thiên Chúa giáo và chấm dứt truyền thống này.
Các thành viên bộ tộc sống theo quy củ. Mỗi người trong cộng đồng có các nhiệm vụ và trách nhiệm riêng.
Nếu một chiến binh đem bộ phận cơ thể của kẻ thù về, anh ta sẽ được xăm một hình lên người. Nếu đem đầu của kẻ thù về, người đó sẽ được xăm lên mặt. Khi đã có được 3 đầu, anh ta sẽ được xăm lên cổ để thể hiện chiến tích.
Ngày nay, tường nhà của người Konyak treo đầy xương sọ của trâu, hươu, lợn rừng…, chiến tích của những chuyến đi săn.
Thế hệ trẻ của bộ tộc đã tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, chuyển sang sử dụng điện thoại, xe cộ và máy móc.
Bộ tộc Konyak từng giết khoảng 4-5 người một tháng, nhưng điều này chấm dứt từ năm 1960. Họ cho biết lối sống của họ không nên bị chỉ trích, do hàng nghìn người trên thế giới vẫn bị giết mỗi ngày.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN (2016)
Tags: Ấn Độ, Dân tộc thiểu số, Văn hóa bản địa