Chùm ảnh: Nhà sàn cổ đẹp nhất Tây Nguyên của vua voi Ama Kông

Có kiến trúc tuyệt đẹp, nhà sàn cổ ở buôn Đôn của vua voi Ama Kông có tổng giá trị quy đổi bằng 12 con voi trên 60 tuổi có ngà dài. Đây cũng là nơi lưu giữ những kỉ vật vô giá về sự nghiệp của vị vua voi huyền thoại.

Nhà sàn cổ ở buôn Đôn của vua voi là một địa điểm rất nổi tiếng trên mảnh đất huyền thoại của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên. Đây chính là nơi ở của vua voi Khun Yu Nốp (1828 – 1938) và cháu ngoại là vua voi Ama Kông (1910 – 2012) trong thời kỳ hoàng kim của nghề săn voi.

Theo thư tịch cổ, ngôi nhà sàn được khởi công vào năm 1883 dưới sự giám sát của nghệ nhân người Lào Khavivôngsao. Vừa trực tiếp chỉ huy thi công, vừa làm “tổng thầu”, ông đã đích thân chọn ra 14 thợ chính có tay nghề cao và hơn 10 thợ phụ để giúp việc.

Ngôi nhà sàn gồm 3 gian được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Lào với đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng. Công trình làm hoàn toàn bằng các loại gỗ ở địa phương và có thể tháo rời từng phần để di dời khi cần thiết.

Ước tính, ngôi nhà sau khi hoàn thành tiêu tốn một số lượng gỗ trên 100m3, chủ yếu là các loại gỗ quý như: căm xe, cà chít, cẩm lai…

Đặc biệt, mái ngói của tòa nhà cũng được lợp bằng hàng nghìn tấm ngói đẽo gọt công phu từ 8m3 gỗ Cà Chít.

Hoạ tiết, hoa văn trang trí thể hiện những mô-típ quen thuộc của người Lào.

Bên cạnh các thợ mộc, quá trình xây nhà còn có sự tham gia gia đắc lực của 18 chú voi to khoẻ, chủ yếu trong công đoạn vận chuyển gỗ.

Sau một năm rưỡi thi công, ngôi nhà hoàn thành với tổng giá trị được quy đổi bằng 12 con voi trên 60 tuổi có ngà dài. Ngôi nhà được khánh thành vào ngày 19/2/1885 với buổi tiệc ăn mừng hết 22 con trâu lớn.

Trong quá trình tồn tại, ngôi nhà sàn cổ này đã trải qua nhiều biến cố lớn. Vào năm 1929, do khu nhà chung quanh bị cháy, căn nhà được chuyển địa điểm mới cách 1.000 mét, chính là địa điểm hiện tại.

Năm 1954, cây me già trong vườn bị đổ làm sập mất một gian của tòa nhà. Do chiến tranh và nhiều lý do khác mà đến nay gian nhà này không thể khôi phục, và ngôi nhà chỉ còn lại hai gian.

Những cấu trúc còn lại của ngôi nhà vẫn được giữ gìn nguyên vẹn như thuở ban đầu.

Ngày nay, nhà sàn cổ ở buôn Đôn vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi huyền thoại và những người kế tục.

Sợi dây da trâu này là dụng cụ chính của vua voi Ama Kông, dùng làm dây thòng lọng để bắt voi rừng. Mỗi sợi dây da trâu dài từ 90-120m, phải dùng 7 con trâu đực. Sau khi bện thành dây thừng, người ta buộc sợi dây phơi trên cây ròng rã 90 nắng, 90 sương, sau đó cất trên gác bếp đủ một mùa rẫy mới làm lễ cúng để sử dụng.

Chiếc mác G’ru (giáo dài) là vũ không kém phần quan trọng của thợ săn voi lành nghề. Khi voi nhà tấn công voi rừng, người thợ chính ngồi trên đầu voi dùng giáo này đâm những nhát chí mạng vào voi rừng để chúng bỏ chạy.

Tấm nệm lót bành voi làm từ da con min (bò tót). Chỉ có thợ săn có kinh nghiệm và săn được 72 con voi trở lên mới được dùng nệm này. Thợ săn voi thông thường chỉ được dùng nệm đan bằng vỏ cây lộc vừng.

Lọng che mưa nắng di động của thợ săn voi, dùng để đặt trên bành voi khi di chuyển và trú mưa khi ngủ đêm trong rừng.

Giỏ đựng gạo, mắm, muối của thợ săn voi mang theo mỗi khi đi săn.

Mu rùa dùng để đựng cơm và đồ ăn khô của thợ săn voi.

Tù và sừng trâu dùng để thổi báo hiệu sau mỗi chuyến săn voi thắng lợi trở về.

Hũ dùng để thống kê số lượng voi bắt được trong suốt cuộc đời đi săn của một thợ săn voi. Trong hũ đựng 10 thanh gỗ dài khoảng 20cm đẽo tròn như chiếc đũa, mỗi khí săn được một con voi con, người ta mở hũ lấy một thanh gỗ rồi khắc vào một vết như răng cưa. Đến khi giải nghệ, thợ săn voi mới bỏ hũ ra đếm xem trong đời mình đã săn được bao nhiêu voi căn cứ vào những vết khắc. Hũ của huyền thoại Ama Kông có 298 nấc khắc, một kỷ lục của nghề săn voi ở Tây Nguyên.

Cuộn dây này là dụng cụ để cột chặt những con voi trong quá trình bị động kinh vào cây rừng. Thông thường, một con voi cứ một năm lại bị động kinh một lần, kéo dài từ 2-4 tuần. Trong lúc động kinh voi rất dữ tợn, ai đến gần cũng bị nó tấn công, kể cả chủ.

Thòng lọng có gai dùng để kẹp cổ voi con khi đang trong quá trình thuần dưỡng.

Chiếc mâm đồng này là kỷ vật của ông tổ săn voi Y Thu Knul – Khun Ju Nốp (1828-1938), ông ngoại của vua voi Ama Kông để lại. Mâm được dùng để đặt các lễ vật cúng thần rừng trước mỗi chuyến săn voi và làm thủ tục nhập buôn làng cho những chú voi rừng đã được thuần dưỡng. Chiếc mâm được đưa từ Lào qua Việt Nam năm 1859.

Thanh kiếm này là quả tặng của vua Bảo Đại dành cho tù trưởng – thợ săn voi Ama Pợ Pho Khăm Súc vào khoảng năm 1942-1943. Trong một chuyến tháp tùng Bảo Đại đi săn bò tót, voi nhà của Ama Pợ Pho Khăm Súc đã bất ngờ bị một voi rừng tấn công. Người thợ săn voi đã phải dùng thanh kiếm của Bảo Đại để hỗ trợ voi nhà đánh trả voi rừng. Trong lúc hỗn chiến, thanh kiếm gãy mất 1/3 do chém trúng ngà voi rừng. Sau đó Bảo Đại tặng lại thanh kiếm cho vị tù trưởng và đặt tên cho nó là kiếm hộ mệnh.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,