Chùm ảnh: ‘Một bầy tang tình con xít’ – hóa ra con xít là con này

“Trống cơm” là bài dân ca nổi tiếng mà hầu như người Việt Nam nào cũng từng nghe. Trong bài này có câu “một bầy tang tình con xít, ớ mấy lội, lội, lội sông ớ mấy đi tìm em nhớ thương ai…”. Vậy con xít là con gì?

Đã có nhiều ý kiến được đưa ra để giải thích hình ảnh “con xít” trong bài hát “Trống cơm”, trong đó có một quan điểm nhận được sự tán đồng rộng rãi: Con xít chính là chim xít, còn có tên gọi khác là trích cồ, công nước.

Đây là một số loài chim có hình thái bên ngoài giống nhau thuộc chi Porphyrio, họ Gà nước (Rallidae). Ở Việt Nam, chim xít định cư phổ biến ở nhiều nơi, dễ dằng bắt gặp tại các Vườn quốc gia Xuân Thủy, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Đất Mũi…

Chim xít trưởng thành dài 28-29 cm, có ngoại hình khá bắt mắt. Phần đầu, cổ và phần dưới cơ thể chim xít màu xanh dương, phần còn lại phía trên màu xám, mỏ, mào và chân đỏ.

Trong tự nhiên, chim xít sống quanh những vùng ngập nước (“ớ mấy lội, lội, lội sông”). Trước đây chúng xuất hiện nhiều tại các vùng đất nông nghiệp nên rất quen thuộc với người nông dân.

Bàn chân chúng có những ngón rất dài, thuận tiện cho việc chạy trên lá các loài cây thủy sinh như sen, súng và các bề mặt bùn nhão.

Loài chim này có tính tập thể rất cao, thường sống thành bầy đàn (“một bầy tang tình con xít”). Khi có kẻ lạ mặt xâm phạm lãnh thổ, nhất là vào mùa sinh sản, quần thể chim xít sẽ hợp lực để đánh đuổi cho bằng được.

Thức ăn của chim xít khá đa dạng, từ sâu bọ, động vật thủy sinh cho đến các loài thực vật như cỏ và lúa.

Mua sinh sản của chim xít là tháng 11 đến tháng 8. Con mái đẻ 4-7 trứng mỗi lứa. Chim mới nở có màu đen.

Một số hình ảnh khác về chim xít:

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,