⠀
Chùm ảnh: Khu ổ chuột Guryong – góc khuất u ám của xã hội Hàn Quốc
“Parasite” đã sử dụng bối cảnh có thật của làng Guryong – nơi được mệnh danh là khu ổ chuột lớn nhất và nghèo nhất Seoul.
Ảnh: Reuters, Lens Culture, Cultura Colectiva.
Trong tác phẩm vừa đoạt giải Oscar – Parasite, gia đình ông Kim Ki Taek (Song Kang Ho đóng) sống trong một căn nhà bán tầng hầm tại khu phố nghèo của thành phố Seoul. Bối cảnh của phim được đặt tại một khu dân cư có thật có tên Guryong nằm bên cạnh “khu phố nhà giàu” Gangnam. Đây là khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung. Báo chí nước ngoài từng gọi Guryong là biểu tượng kinh điển của sự phân hóa giàu nghèo tại xứ sở kim chi.
Khu ổ chuột Guryong nằm núp dưới bóng các tòa cao ốc của khu Gangnam, cách “phố nhà giàu” của Hàn Quốc chỉ 20 phút đi bộ. Làng Guryong được thành lập cuối thập niên 1980, tới nay có khoảng 2.500-4.000 dân. Đa phần cư dân ở đây đều thuộc đối tượng được giải tỏa nhà đất để lấy không gian xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội Seoul 1988. Ngoài ra, một số cư dân khác tới đây sống sau khi bị phá sản, phải “trôi dạt” tới Seoul với hy vọng kiếm được công việc đổi đời.
Tất cả những căn nhà ở Guryong đều được dựng lên tạm bợ với chiều cao chạm đầu người. Vì môi trường ẩm thấp, nhiều rác thải nên không khí trong làng luôn có mùi khó chịu. Độ tuổi trung bình của người dân khu vực này khá cao, dao động từ 50-70. Không có công việc ổn định, phần lớn cư dân khu ổ chuột phải sống dựa vào nguồn trợ cấp chính phủ là 200.000 won/tháng. Đây là mức tiền vô cùng thấp, chỉ giúp mỗi cá nhân duy trì hoạt động sống cơ bản nhất.
Tại Guryong, các hộ gia đình hầu như không có nhà vệ sinh riêng. Cả khu phố phải sử dụng nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng. Khu vực công cộng này thường xuyên xuất hiện chuột và gián, không loại thuốc nào đủ khả năng tiêu diệt chúng. Vẻ lụp xụp, nhếch nhác của các căn nhà ở đây tương phản mạnh mẽ với các tòa nhà cao tầng tráng lệ của Gangnam (Seoul) phía sau. Điều này cũng được đạo diễn Bong Joon Ho thể hiện khá rõ trong bộ phim Parasite.
Nhà ở của các hộ dân thường xuyên rơi vào tình trạng sụt, lún, hở tường. Họ phải vá tạm bợ bằng các tấm bạt, biển quảng cáo. Rác thải ở các nơi khác trong thành phố được nhiều người nhặt về để tái chế làm vật dụng thường ngày. Những cư dân cao tuổi, không còn đủ khả năng lao động thường trông chờ các hoạt động trợ cấp của tổ chức từ thiện.
Làng Guryong không có đường đi rộng rãi, thông thoáng. Người dân đi lại giữa những con hẻm nhỏ, đôi khi không đủ không gian để hai xe máy tránh nhau. Vào mùa đông, cư dân khu ổ chuột này phải đốt than để sưởi ấm. Vì nguyên nhân trên, khu vực này thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Năm 2014, một vụ cháy đã thiêu rụi hàng chục căn nhà và khiến một người bỏ mạng.
Rác thải cứng không được xử lý chất đống cao như những ngọn núi luôn vây quanh khu vực sống của dân làng Guryong. Đường dây điện luôn ở tầm cao thấp hơn quy định, dễ gây nguy hiểm cho người dân. Bên cạnh đó, vì nằm ở khu vực trũng, Guryong thường bị ngập lụt mỗi khi trời đổ mưa, giống như một trường đoạn trong Ký sinh trùng.
Một trong những điểm nổi bật ở Guryong là các nhà thờ được dựng tạm bợ khắp vùng. Cư dân ở đây đặc biệt tôn thờ tín ngưỡng, họ lập nên nhiều nhà cầu nguyện ở các góc đường để tụ tập vào mỗi cuối tuần. Khi trò chuyện với truyền thông, những người dân lớn tuổi ở đây luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ, xen lẫn ghen tị với những người dân sống tại khu vực giàu có ngay bên cạnh. “Tôi luôn ước ao sau này con cháu mình có thể sống trong những căn nhà to như vậy”, một bà lão 80 tuổi nói với phóng viên Reuters.
Dù chính quyền hàn Quốc có chính sách trợ cấp cho người dân nghèo tại khu ổ chuột nhưng không phải ai cũng nhận được quyền lợi này. Tờ The Guardian từng đăng tải thông tin bà Lou In Soon (77 tuổi) không nhận được tiền trợ cấp dù thuộc vào đối tượng người già neo đơn. Thậm chí, phải tới năm 2011 – tức hơn 20 năm sau khi khu ổ chuột được hình thành, người dân tại đây mới được cấp thẻ cư trú tạm thời. Đó cũng là lần đầu tiên những người sống ở Guryong được bỏ phiếu bầu cử cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch giải phóng mặt bằng, đưa người dân làng Guryong tới khu tái định cư mới từ năm 2015. Tuy nhiên, tới nay, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện do những mâu thuẫn trong bộ máy nhà nước. “Chúng tôi cứ liên tục chờ đợi dù chẳng có quyền lợi gì. Tôi chỉ đành tin vào những điều chính quyền đã hứa”, một người đàn ông tên Ahn Young Chan chia sẻ với truyền thông quốc tế.
Khi nói về cuộc sống trong khu ổ chuột tạm bợ và đầy nguy hiểm Guryong, người phụ nữ họ Kim 80 tuổi cho biết: “Tôi thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc sẽ chết ở nơi đây”. “Tôi muốn chết ở một nơi có điều kiện tốt hơn”, bà tiếp tục tâm sự.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Hàn Quốc, Lao động - việc làm