Chùm ảnh: Khám phá ‘địa ngục trần gian’ giữa trung tâm Hà Nội

Trong suốt thời thuộc địa, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một “địa ngục trần gian” của hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Chùm ảnh: Khám phá ‘địa ngục trần gian’ giữa trung tâm Hà Nội

Cuối thế kỷ 19, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã xây dựng một mạng lưới nhà tù trên khắp Việt Nam nhằm tăng cường bộ máy đàn áp của mình. Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh – tổng Vĩnh Xương – huyện Thọ Xương – Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò làm ngục thất trung ương của cả hai xứ Trung và Bắc Kỳ.

Tên tiếng Pháp của nhà tù này lúc bấy giờ là Maison Centrale và tiếng Việt là Ngục thất Hà Nội. Có tổng diện tích hơn 12.000 m2, đây là một trong những nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Ngục Hỏa Lò được chia thành bốn khu: A, B, C và D. Khu A và B dành cho phạm nhân đang được cứu xét, phạm nhân quan trọng hoặc những tù nhân vi phạm kỷ luật nhà tù. Khu C giam giữ phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc. Khu D là nơi câu cấm phạm nhân bị án tử hình chờ ngày duyệt y hoặc giảm án. Bên cạnh đó là nhiều tòa nhà chức năng như nhà giám thị, khu văn thư, khu bếp…

Chùm ảnh: Khám phá ‘địa ngục trần gian’ giữa trung tâm Hà Nội

Trong suốt thời thuộc địa, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam.

Những tù nhân thông thường sẽ bị giam trong khu nhà giam tập thể, nơi họ bị cùm chân gần như cả ngày trong một không gian tù túng, ngột ngạt.

Các tù nhân đặc biệt sẽ bị giam trong xà lim hoặc cachot (ngục tối). Tại đây, người tù bị giam biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ. Người tù bị giam trong cachot chỉ sau một thời gian ngắn là bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở đầy người do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt tại nhà tù Hỏa Lò vô cùng hà khắc. “Cơm thường là gạo tấm trắng của miền Nam để quá lâu nên có mọt, ăn vừa nhạt, vừa đắng. Ăn gạo đó lâu ngày, nhiều người đã bị phù tim, có tháng số người chết lên đến 40 người…” – Trích hồi ký của một nữ tù chính trị được trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Bát và thìa làm bằng gáo dừa của tù nhân Hỏa Lò.

Bên cạnh hoàn cảnh sổng kham khổ, tù nhân còn phải lao động nặng nhọc với những công việc như sửa chữa nhà cửa, giã gạo, đi lao công tại các khu nhà ở của các giám ngục, đi lao dịch tại các chiến trường. Riêng tù chính trị thường xuyên bị tra tấn bằng những cách thức rất dã man. Ảnh: Máy quay điện dùng để tra tấn tù nhân ở Hỏa Lò.

Các máy chém trong nhà tù Hỏa Lò hoạt động liên tục, được dùng lưu chuyển từ nhà giam này tới nhà giam khác. Có thời gian, một vài máy chém của nhà tù còn được đưa lên tận Yên Bái để hành hình hơn 10 chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, trong đó có thủ lĩnh Nguyễn Thái Học.

Trong điều kiện ngăt nghèo, các chiến sỹ yêu nước vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi phổ biến lý luận cách mạng.

Có rất nhiều nhà cách mạng Việt Nam đã bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng…

Năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười cũng từng bị giam giữ ở nơi đây.

Các cuộc đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống và phản đối chính sách cai trị của thực dân Pháp đã diễn ra dưới nhiều hình thức, khiến bọn cai ngục phải đối phó rất vất vả.

Nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân, với tổ chức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ảnh: Cửa cống ngầm nơi 16 tù chính trị bị kết án tử hình tổ chức đào thoát ngày 24/12/1951.

Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hỏa Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật.

Từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài hước “Hà Nội Hilton”. Ảnh: Tư trang của tù binh Mỹ khi bị giam ở Hỏa Lò.

Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội.

Một Đài tưởng niệm đã được dựng trong khuôn viên khu di tích để tri ân các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,