⠀
Chùm ảnh: Khám phá các loài gà nước độc đáo của Việt Nam
Trong thế giới chim chóc, họ Gà nước (Rallidae) gồm các loài chim thích nghi với cuộc sống ở vùng đất ngập nước, thường có ngón chân rất dài để di chuyển trên thảm thực vật thủy sinh…
Ảnh: eBird.
Gà nước họng nâu (Rallina fasciata) dài 22-25 cm, là loài di cư sinh sản không phổ biến tại Nam Bộ. Sinh cảnh của loài chim này là suối và vùng ngập nước bên trong rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, bìa rừng, thỉnh thoảng ghi nhận tại đất nông nghiệp ẩm ướt.
Gà nước họng trắng (Rallina eurizonoides) dài 26-28 cm, là loài di cư sinh sản tại Đông Bắc, di cư trú đông không phổ biến qua Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở suối và vùng ngập nước bên trong rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, khu vực cỏ bụi trong vườn trồng, đầm lầy và công viên trong mùa di cư.
Gà nước vằn (Gallirallus striatus) dài 26-31 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (trừ Nam Trung Bộ), di cư qua Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Chúng sống ở đầm lầy, rừng ngập mặn, đồng lúa nước, nơi canh tác, trồng trọt gần nước, thỉnh thoảng ghi nhận tại các sinh cảnh trống trải và khô.
Cuốc ngực trắng (Amaurornis phoenicurus) dài 28-36 cm, là loài định cư, phổ biến, ghi nhận trong cả nước. SInh cảnh của chúng là đất ngập nước, ao hồ, sông suối bên trong rừng trồng trải, rừng ngập mặn.
Cuốc lùn (Porzana pusilla) dài 19-21 cm, , là loài di cư không phổ biến qua Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trú đông không phổ biến tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở đầm lầy nước ngọt, các khu vực rừng ngập nước.
Cuốc ngực nâu (Porzana fusca) dài 21-27 cm, là loài định cư không phổ biến tại Tây Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ, trú đông tương đối phổ biến tại ĐÔng Bắc, Nam Bộ, di cư phổ biến của Đông Bắc, Trung và Nam Trung Bộ. Chúng sống ở đầm lầy nước ngọt, rừng ngập nước, ruộng lúa nước, cây bụi, nơi canh tác khô ráo và rừng ngập mặn trong mùa di cư.
Gà nước mày trắng (Porzana cinerea) dài 18-22 cm, là loài định cư không phổ biến tại Nam Bộ, trú đông không phổ biến tại Đông Bắc. Sinh cảnh của chúng là đầm lầy, hồ nước ngọt, thỉnh thoảng gặp tại ruộng lúa nước, chỉ ghi nhận ở vùng đất thấp.
Gà đồng (Gallicrex cinerea) dài 31-43 cm, là loài định cư không phổ biến tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, di cư sinh sản không phổ biến tại Đông Bắc, trú đông phổ biến tại Nam Bộ, di cư tương đối phổ biến qua Đông Bắc. Chúng sống ở vùng đầm lầy, bãi bùn nước ngọt, đồng lúa nước, đồng cỏ ngập nước, rừng ngập mặn trong mùa di cư.
Xít (Porphyrio indicus) dài 28-29 cm, là loài định cư hiếm đến tương đối phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc). Sinh cảnh của loài này là hồ và đầm lầy.
Kịch (Gallinula chloropus) dài 30-35 cm, là loài định cư không phổ biến đến phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc), trú đông tương đối phổ biến tại Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở hồ ao, đầm lầy nước ngọt, đồng lúa nước.
Sâm cầm (Fulica atra) dài 40-42 cm, là loài trú đông hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc, Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở hồ, đầm lầy nước ngọt.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Chim