Chùm ảnh: Hình tượng hổ trên hàng chục cổ vật vô giá của Việt Nam

Hình tượng hổ có lịch sử lâu đời và mang tầm quan trọng đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Cùng cảm nhận điều này loạt cổ vật mang hình hổ đặc sắc.

Mở cửa từ trước Tết Nguyên Đán Nhâm Dần đến hết ngày 31/8/2022, trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam giới thiệu với công chúng nhiều cổ vật đặc sắc mang hình tượng hổ, trải dài từ thời kỳ Đông Sơn đến thế kỷ 20.

Thạp đồng Vạn Thắng, có niên đại cách ngày nay 2.000-2.300 năm, là cổ vật mang tạo hình hổ tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Nắp thạp trang bí bốn khổi tượng hổ cắp mồi. Chiếc thạp này được khai quật ở Vạn Thắng, Phú Thọ năm 1962, là hiện vật của Bảo tàng Hùng Vương.

Một chiếc qua đồng Đông Sơn có niên đại 2.000-2.500 năm, cả hai mặt trang trí hình hổ trên với vằn trên thân và nhấn mạnh vào tính đực. Qua là loại binh khí cổ có dạng lưỡi ngang, mũi nhọn, cán gỗ, dùng để đâm, móc.

Bích đồng có tử thời Bắc thuộc, niên đại thế kỷ 1-3, trên mặt có trang trí bốn thần thú: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Bích là loại đồ vật cúng tế cổ xưa, hình tròn, dẹt, có lỗ ở giữa.

Bình “hổ tử”, thế kỷ 1-3. Đây là loại bình có hình giống con hổ với quai xách trên lưng, một loại “bô tiểu” của nam giới xưa. Hiện vật thuộc bộ sưu tập An Biên.

Tượng hổ lăng Trần Thủ Độ, có niên đại khoảng năm 1264, được đưa về từ lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở Thái Bình. Đây là tác phẩm điêu khắc tượng tròn điển hình của thời Trần với phong cách hiện thực khỏe khoắn.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ 13-14, trang trí hình hổ đang đuổi bắt ngựa, trên lưng ngựa có cắm cờ hiệu. Hiện vật nằm trong bộ sưu tập của Nguyễn Văn Dòng.

Tượng hổ đá thế kỷ 17 (trái) và 15 (phải), hiện vật của các lăng mộ cổ ở Việt Nam. Từ thời Trần, hổ xuất hiện với tạo hình chắc khỏe, sinh động, được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ.

Kendy bằng gốm nhiều màu vẽ hình hổ, thuộc lò gốm Chu Đậu, Hải Dương, thế kỷ 15. Hiện vật thuộc bộ sưu tập Cao Xuân Bình.

Đĩa gốm Chu Đậu có hình hổ trong một tư thế thú vị, niên đại thế kỷ 15. Hiện vật nằm trong bộ sưu tập Nguyễn Văn Dòng.

Hộp gốm hoa lam Chu Đậu, thế kỷ 15. Nắp hộp trang trí hình hổ bước đi bằng hai chân sau, một tay cầm mũi tên, tay kia xách con thỏ vừa săn được.

Hình tượng hổ trên đĩa gốm Chu Đậu, thế kỷ 15. Hiện vật thuộc bộ sưu tập Nguyễn Văn Dòng.

Gạch trang trí hình hổ, sóng nước thời Trần, niên đại thế kỷ 13-14.

Gạch trang trí hình hổ, thế kỷ 16.

Tượng hổ của làng gốm Bát Tràng, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786).

Bức chạm hổ trên ô thoáng cửa thế kỷ 17, hiện vật thuộc một công trình cổ ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Hổ trong bộ tượng 12 con giáp (Thập nhị chi) bằng đá ngọc (thiếu tượng Tuất), thuộc về hoàng cung triều Nguyễn xưa.

Chân đèn trang trí hình hổ – voi mang ảnh hưởng phương Tây, đồ đồng pháp lam thời Nguyễn, thế kỷ 19.

Hình hổ trên một tấm bổ tử thời nhà Nguyễn. Bổ tử là tấm vài hình vuông được đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của quan lại phong kiến. Quan chế triều Nguyễn quy định bổ tử thêu hình hổ được gắn trên phẩm phục quan võ hàm tứ phẩm.

Cận cảnh đôi hổ trên bức tranh thêu đề chữ “Cương tỏa phong thanh” (ý tả vẻ uy dũng của hổ khiến gió cũng phải lặng tiếng), vật phẩm cung tiến năm 1952.

Một bức tranh thêu hình hổ săn hươu, niên đại đầu thế kỷ 20.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,