Chùm ảnh: Đình Giảng Võ – nơi thờ Bà Chúa Kho của thành Thăng Long

Lý Châu Nương vừa lo sơ tán kho tàng xong thì giặc ập đến và bà bị giặc giết. Nhân dân nhiều nơi tôn bà làm Bà Chúa Kho và lập đền thờ phụng. Tại quê ngoại là làng Giảng Võ, bà được tôn làm Thành hoàng và thờ trong đình.

Nằm trong ngõ 612 đường Đê La Thành, cạnh UBND Phường Giảng Võ, đình Giảng Võ là một ngôi đình linh thiêng nổi tiếng của mảnh đất Hà thành. Nơi đây thờ bà Lý Châu Nương, dân gian gọi là Bà Chúa Kho.

Theo các sử liệu cũ, bà Châu Nương có bố là người làng Cổ Pháp (nay là làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh), mẹ người làng Giảng Võ. Thưở nhỏ Châu Nương được bố mẹ cho ăn học, có chí lớn. Về sau bà kết duyên với ông Thái bảo họ Trần làm Đốc bộ Hoan Châu (Nghệ An).

Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, Đốc bộ Trần giao cho bà Châu Nương giữ thành, còn mình thì đến Diễn Châu để bổ sung quân số. Châu Nương tổ chức chiến đấu giữ thành khéo léo khiến quân địch không thể tiến vào được.

Giặc tan, hai ông bà trở về Thăng Long. Bà Châu Nương được giao nhiệm vụ giữ kho tàng trong thành. Năm 1287, khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ ba, triều đình phải rời khỏi Kinh thành. Lý Châu Nương vừa lo sơ tán kho tàng xong thì giặc ập đến và bà bị giặc giết.

Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi, vua Trần phong cho bà là “Quản chưởng quốc khố công chúa”. Nhân dân nhiều nơi tôn bà làm thần nhân và lập đền thờ phụng. Tại quê ngoại là làng Giảng Võ, bà được tôn làm Thành hoàng và thờ trong đình.

Đình Giảng Võ xưa kia có khuôn viên rộng đến 10.000 m², quy mô xây dựng bề thế. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đình đã bị hủy hoại nặng nề và diện tích ngày nay thu hẹp còn 1.700 m² do quá trình đô thị hóa.

Sau những đợt trùng tu lớn, đình đã lấy lại được phần nào diện mạo xưa. Trước sân đình là nghi môn nhìn ra một hồ nước hình vuông, ở giữa có hòn non bộ, xung quanh cây cối xanh tốt.

Sau sân đình có tòa nhà phương đình xây hai tầng tám mái trên nền phương đình cũ bị quân Pháp đốt phá năm 1946. Hai bên phương đình có hai nhà tả, hữu mạc, hai ngôi miếu nhỏ thờ hai nàng hầu của Bà Chúa Kho và hai nhà bia.

Sau phương đình là tòa đại đình kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Công trình được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép với các bàn thờ, cửa võng, liễn đối, đồ tế khí… bằng gỗ sơn son thếp vàng, bài trí tôn nghiêm.

Gian hậu cung là nơi thờ bài vị Lý Châu Nương cùng long ngai và tượng của bà.

Trước tòa đại đình có hai con nghê đá, tương truyền có từ thời Lê Trung Hưng.

Những dấu tích khác của ngôi đình xưa là hai tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng để kê chân cột đình. Ngoài ra đình còn giữ được 13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến cấp cho bà Lý Châu Nương.

Hàng năm, người dân địa phương tổ chức lễ dâng hương thành kính vào ngày sinh (12/2 âm lịch), ngày hóa (20/7 âm lịch) của Bà Chúa Kho. Ngoài nơi thờ chính là đình Giảng Võ, gần đó còn một số nơi thờ vọng bà như đình Ngọc Khánh và đình Hào Nam.

Vào năm 1994, đình Giảng Võ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,