⠀
Chùm ảnh: Chùa Hưng Ký – ngôi chùa gốm sứ độc đáo của Hà Nội
Nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của chùa Hưng Ký là những mảng trang trí rất tinh xảo bằng gốm sứ, qua gần một thế kỷ vẫn còn bóng màu men.
Nằm trong ngõ Chùa Hưng Ký, quận Hai Bà Trưng, chùa gốm sứ Hưng Ký là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ rất độc đáo của Hà Nội.
Chùa còn có tên là Vũ Hưng Tự và mang hiệu là Võ Hưng Truyền Am, được ông Trần Văn Thành (tức Hưng Ký), nhà tư sản dân tộc chuyên sản xuất gạch, một tín đồ của Phật giáo xây dựng vào năm 1932.
Các công trình kiến trúc của chùa được bố trí hài hòa trong một không gian rộng rãi và thoáng đãng.
Tòa chính điện chia làm 7 gian gồm được chống đỡ bằng 12 cột vuông, mỗi cột cao 7 m. Tượng Phật ở chùa Hưng Ký không nhiều nhưng từng pho lại to lớn đồ sộ hơn các chùa khác. Chính giữa Phật điện là tượng Phật A Di Đà cao 3,86m. Nếu cộng cả bệ gạch cao 1,3m thì tượng cao 5,19m.
Tượng Ông Thiện và Ông Ác có quy mô lớn, được tạo tác cầu kỳ.
Hai gian đầu hồi chính điện còn có hai tòa Thập điện Diêm vương được cấu trúc theo kiểu động, miêu tả chân thực cảnh sống nơi trần gian và ngục tối.
Nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của Hưng Ký là những mảng trang trí bằng gốm sứ rất tinh xảo, qua gần một thế kỷ vẫn còn bóng màu men.
Trên nóc mái chính điện có một chiếc nậm đựng nước cam lồ, thứ nước mà nhà Phật dùng để cứu độ chúng sinh…
Các họa tiết trang trí khác trên nóc mái gồm linh vật, hoa quả, hình mây gió cách điệu…
Dưới nóc mái có nhiều ô trang trí tái hiện các cảnh trong Tây Du Ký – tiểu thuyết Phật giáo nổi tiếng Trung Hoa.
Nhà bia phía sau chính điện tập hợp nhiều tác phẩm gốc sứ đặc sắc, mô tả các câu chuyện Phật giáo.
Nhiều cảnh sinh hoạt của người xưa được tạo hình rất sinh động.
Một số tác phẩm còn được chú giải bằng chữ Quốc ngữ.
Một số hình ảnh khác về các tác phẩm ở chùa gốm sứ Hưng Ký:
Theo KIẾN THỨC
Tags: Địa điểm du lịch, Kiến trúc Phật giáo, Hà Nội, Di tích lịch sử