Chùm ảnh: Choáng ngợp với kỳ quan kiến trúc của đạo Baha’i ở Ấn Độ

Được mệnh danh là một kỳ quan của nền kiến trúc hiện đại, đền Hoa Sen của đạo Baha’i đã trở thành một trong những điểm tham quan thu hút khách nhất của đất nước Ấn Độ.

Nằm ở phía Nam thủ đô New Delhi của Ấn Độ, đền Hoa Sen của đạo Baha’i là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất của thế giới. Ảnh: Treasure Trip India.

Được khánh thành vào năm 1986, đền Hoa Sen được tạo hình giống như một bông hoa sen có 27 cánh được làm bằng đá cẩm thạch và 9 hồ nước bao quanh. Ảnh: Baha’i World News Service.

Nhìn từ trên cao, công trình thật sự gây cảm giác choáng ngợp với hình hài như một bông hoa sen khổng lồ đang nổi trên làn nước trong xanh. Ảnh: Abhinav Gauba.

9 cánh hoa bên ngoài có vai trò của 9 cánh cửa được mở theo các hướng khác nhau đã tạo cho ngôi đền một lối kiến trúc thật sự độc đáo và hoàn hảo. Ảnh: Reddid.

Đây là sản phẩm trí tuệ của kiến trúc sư người Canada, Fariborz Sahba. Ông đã mất 10 năm để lên kế hoạch thiết kế và thực hiện. Vật liệu để xây dựng ngôi đền bao gồm xi-măng, cát, đá cẩm thạch và đá trầm tích. Ảnh: Galvanized Rebar.

Khoảng 800 kỹ sư, kỹ thuật viên, nghệ nhân và công nhân đã giúp sức thực hiện công trình xây dựng có kết cấu đặc biệt phức tạp này. Ảnh: Lotus Temple.

Bên trong ngôi đền tráng lệ của đạo Baha’i không có các tranh ảnh hay tượng các thần thánh mà chỉ có bản sao các bộ kinh thánh và những băng ghế dài bằng gỗ, với sức chứa 2.500 người. Ảnh: Pinterest.

Được mệnh danh là một kỳ quan của nền kiến trúc hiện đại, đền Hoa Sen đã trở thành một trong những điểm tham quan thu hút khách nhất của đất nước Ấn Độ. Ảnh: Treasure Trip India.

Ngôi đền này cũng là địa điểm lý tưởng nhất để tìm hiểu về đạo Baha’i, một tôn giáo độc đáo chưa được nhiều người trên thế giới biết đến. Ảnh: Bahá’í Recollections.

Tôn giáo Baha’i hiện có khoảng 5-7 triệu tín đồ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Baha’i, theo cổ ngữ Ả Rập nghĩa là “người noi theo vinh quang (của Thượng đế)”, ra đời năm 1863 tại Ba Tư (nay là Iran). Ảnh: Jaypee Hotels.

Người sáng lập tôn giáo Baha’i là Baha’u’llah (1817-1892) (có nghĩa là vinh quang của Thượng đế). Đạo Baha’i bắt nguồn từ phong trào tôn giáo Babi ra đời ở Ba Tư, kéo dài từ năm 1844-1852. Ảnh: Fariborz Sahba.

Người theo đạo Baha’i tin rằng mục đích của đời sống là hiểu biết và tôn thờ Thượng đế, đồng thời xây dựng một nền văn minh tiến bộ không ngừng, thống nhất. Ảnh: Lotus Temple.

Sự thống nhất thế giới là giai đoạn cuối trong cuộc tiến hóa của nhân loại tới chỗ trưởng thành, và sẽ được thực hiện dựa trên sự nhìn nhận của cá nhân về nguyên lý nhân loại thống nhất này như là nguyên lý tâm linh chủ yếu của đời sống hiện đại. Ảnh: Lotus Temple.

Tín đồ Baha’i cũng tin rằng các tôn giáo lớn trên thế giới đều có nguồn gốc thiêng liêng chung, và tất cả đều do Thượng đế mặc khải ở những thời đại khác nhau tùy theo nhu cầu và khả năng tiến hóa của loài người. Ảnh: TheTravel.

Trong đạo Baha’i không có tu sĩ. Trách nhiệm học tập và thực hành tôn giáo thuộc về mỗi tín đồ. Họ được khuyến khích đọc các bài kinh thiêng liêng hàng ngày và cầu nguyện, suy ngẫm, để hiểu sâu hơn về giáo lý của Bahá’í. Ảnh: India.com.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,