Chùm ảnh: Cận cảnh từng chi tiết tượng Phật cổ tinh xảo nhất Việt Nam

Tạc năm 1656, tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp được đánh giá là tác phẩm điêu khắc xuất sắc hàng đầu của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam xưa.

Nằm ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Bút Tháp không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý giá, trong đó có một bức tượng Phật được đánh giá là tinh xảo bậc nhất Việt Nam.

Đó là bức tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn mà dân gian vẫn gọi là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay. Tác phẩm được làm bằng gỗ phủ sơn trên tòa sen với tổng chiều cao (cả phần bệ) là 3,7 mét, do nhà điêu khắc Trương Thọ Nam tạc năm 1656 (thời Lê Trung Hưng).

Bức tượng gần 400 tuổi được tạo hình trong tư thế ngồi thiền định với 42 cánh tay lớn và 952 cánh tay nhỏ. Trong các tay lớn, có hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi.

Các cánh tay lớn còn lại có tư thế đa dạng với bàn tay trong tư thế ấn quyết – tượng trưng cho sự hướng dẫn tinh thần trong Phật giáo.

Ở phía sau, hàng trăm cánh tay nhỏ tạo thành nhiều lớp vòng hào quang tỏa ra xung quanh pho tượng. Trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt, tượng trưng cho sự giác ngộ.

Nét mặt tượng toát lên sự thư thái như bao quát cả không gian vũ trụ.

Phía trên đầu tượng có 11 khuôn mặt chia thành 4 tầng, trên cùng là tượng Phật A Di Đà nhỏ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp là tác phẩm điêu khắc xuất sắc hàng đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung của Việt Nam thế kỷ 17 còn được lưu giữ đến nay.

Vào năm 1958, bức tượng này đã tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ và được vinh danh với giải đặc biệt.

Đến năm 2012, tượng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,