Chùm ảnh: Cận cảnh ‘loa phường’ gần 1.000 tuổi, cổ xưa nhất Việt Nam

Chiếc loa có từ thời nhà Trần đang được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long là một loại hình hiện vật bằng gốm rất hiếm gặp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Loa là thiết bị khuếch đại âm thanh có lịch sử từ rất xa xưa trong đời sống của con người. Một trong những chiếc loa cổ nhất từng được tìm thấy của Việt Nam hiện được trưng bày ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Chiếc loa này có từ thời Trần (thế kỷ 13-14), được tìm thấy trong quá trình khai quật khu vực Hoàng thành Thăng Long. Hiện vật làm bằng gốm men nâu, loại men đặc trưng thời Lý – Trần, có chiều dài khoảng 40 cm.

Mặt ngoài loa được trang trí bằng những hình khắc chìm hoa văn cánh sen, đơn giản nhưng cũng đầy vẻ tinh tế.

Chiếc loa được tìm thấy ở trạng thái không còn nguyên vẹn nhưng đã được các chuyên gia phục chế để trả về với hình dạng gần với nguyên gốc.

Về cơ bản, đây là chiếc ống rỗng có một đầu hẹp dùng để phát ngôn, một đầu loe ra là nơi âm thanh được truyền đi.

Vào kỷ nguyên mà khoa học công nghệ chưa phát triển, những chiếc loa thô sơ như thế này là công cụ truyền tin không thể thiếu trong xã hội.

Dù công năng không thể so sánh được với những chiếc loa phóng thanh hiện đại, chiếc loa gốm này vẫn có thể khuếch đại âm thanh lên đáng kể, giúp lời nói truyền xa hơn nhiều so với khi không dùng loa.

Trong không gian của Hoàng thành Thăng Long xưa, có thể chiếc loa từng được dùng để ban bố các thông cáo của triều đình hoặc đưa ra hiệu lệnh dành cho binh lính…

Đây là một loại hình hiện vật bằng gốm rất hiếm gặp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Dù có cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều, những chiếc loa phóng thanh thời nay vẫn có kiểu dáng khá gần gũi với chiếc loa tuổi đời gần 1 thiên niên kỷ của Kinh thành Thăng Long thời Trần.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,