Chùm ảnh: Cận cảnh kiệt tác đèn đồng 2 thiên niên kỷ của người Việt

“Cây đèn hình người quỳ” thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo và phản ánh thẩm mỹ cao của cư dân cổ ở Việt Nam cách đây 2 thiên niên kỷ.

“Cây đèn hình người quỳ” là tên gọi của một cổ vật hết sức độc đáo đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đây là một trong những hiện vật đầu tiên được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Năm 1935, nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Jane và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã tìm thấy cây đèn này tại một khu mộ trong cuộc khai quật ở Lạch Trường, Thanh Hóa. Hiện vật được xác định có niên đại khoảng 1.700-2.000 năm trước.

Đèn cao 40 cm, rộng 27 cm, nặng 1,9 kg, mang hình tượng một người đàn ông mình trần, đóng khố, hai tay nâng đĩa đèn trong tư thế quỳ. Trên đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm.

Hai vai và sau tượng gắn 3 cành chữ S, mỗi chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người đang quỳ, được cho là các vũ công.

Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Có nhiều cách lý giải khác nhau về tạo hình của hiện vật này.

Theo nhà nghiên cứu O.Jane, bức tượng thể hiện hình ảnh một vị thần. Ý kiến khác cho rằng cây đèn thể hiện văn hóa Hán và người đàn ông quỳ là một tù binh Hung Nô bị bắt và trở thành người hầu bê đèn. Theo quan điểm này, cây đèn hình người quỳ là hiện vật của sự tiếp biến văn hóa Việt- Hán. Còn theo nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, cây đèn thuộc nền văn hóa “Hậu Đông Sơn”, mang nguồn gốc và đậm chất Đông Sơn.

Đây là cây đèn hình người lớn nhất trong số ít cây đèn cùng loại, thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo và phản ánh thẩm mỹ cao của cư dân cổ ở Việt Nam cách đây 2 thiên niên kỷ.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,