Chùm ảnh: Cận cảnh cổ vật thời Trần có kích cỡ khó tin khai quật ở Hà Nội

Cổ vật đặc biệt này là một tư liệu quý phục vụ việc nghiên cứu về sinh hoạt và không gian kiến trúc của khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long giai đoạn vàng son.

Trong cuộc khai quật khu vực phía Đông Bắc của nền điện Kính Thiên, khu Di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2020-2021, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một cổ vật có kích thước gây choáng ngợp.

Đó là một chiếc chậu bằng đất nung khổng lồ, có đường kính miệng lên tới 1,27 mét, chiều cao 55 cm, đường kính đáy 77 cm, lớn nhất từng được phát hiện từ trước đến nay ở Việt Nam.

Chiếc chậu nằm trong lớp văn hóa thời Trần (thế lỷ 13-14), khi phát lộ đã bị vỡ một số mảnh. Sau đó hiện vật được phục chế, khôi phục lại diện mạo ban đầu.

Đặc điểm nổi bật của chiếc chậu khổng lồ này là vai trang trí bằng hoa văn cánh sen đắp nổi và hoa văn hoa chanh khắc chìm. Dưới các cánh sen có núi tròn nổi lên, khoảng 2 cánh có một núm.

Tại ví trí tiếp giáp đáy chậu có một lỗ nhỏ để thoát nước.

Chưa thể khẳng định chiếc chậu lớn này được sử dụng vào mục đích gì ở Hoàng thành Thăng Long thời Trần. Có thể phỏng đoán chậu được dùng để trồng cây cảnh hoặc chứa nước mưa, và cũng không loại trừ khả năng có vai trò như một chiếc bồn tắm.

Cùng với các hiện vật mới được phát hiện, chiếc chậu đặc biệt này là một tư liệu quý phục vụ việc nghiên cứu về sinh hoạt và không gian kiến trúc của khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long giai đoạn vàng son.

Một số hình ảnh khác về hiện vật:

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,