Chùm ảnh: Biểu tượng bất tử của Liên bang Xô viết ở Moskva

Dù Liên bang Xô viết không còn nữa, biểu tượng huyền thoại của siêu cường một thời vẫn đứng hiên ngang giữa lòng nước Nga thế kỷ 21.

Chùm ảnh: Biểu tượng bất tử của Liên bang Xô viết giữa nước Nga hiện tại

Trong nhiều thập niên, tượng đài Công nông, tên đầy đủ là tượng đài Công nhân và nữ nông trang viên (tiếng Nga là Рабо́чий и колхо́зница) đã được coi là một biểu tượng của Liên bang Xô viết.

Tượng đài có chất liệu là thép không gỉ, cao 24,5m, nặng 80 tấn, được Liên Xô làm để trưng bày tại Hội chợ quốc tế Expo tại Paris năm 1937. Đây là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Vera Ignatyevna Mukhina (1889 – 1953), nhà nữ điêu khắc lỗi lạc của Liên Xô.

Bức tượng được tạo hình theo lối tả thực với một nam công nhân dáng vóc lực lưỡng, tay cầm búa giơ lên cao, đứng bên cạnh một nữ nông trang viên khỏe khoắn, tay cầm chiếc liềm cong sát cùng chiếc búa trên không. Hai người ở tư thế cùng bước lên phía trước, một tay đánh ra phía sau. Các hình tượng được trau chuốt đến từng chi tiết với một kỹ thuật điêu khắc hoàn hảo trong việc thể hiện hình khối.

Bức tượng mang ý nghĩa tái hiện hình ảnh và tôn vinh giai cấp công nông, những con người lao động của thế giới. Hình tượng như đang chuyển động, với những bước sải rộng và đầy năng lượng, đang vượt rào lao tới, tạo cảm giác về chuyển động và nguồn sinh lực tiềm tàng.

Đây là một tác phẩm có kết cấu phức tạp, vì hình dáng tựa trên hai chân xoạc ra và tải trọng phân tán nhiều nơi so với diện tích chân đế, các lực xô bên trong mạnh hơn, các điểm góc mà lực gây gãy gập do đó cũng lớn hơn. Vì vậy việc thiết kế đòi hỏi những tính toán thật tỉ mỉ, tạo ra kết cấu thật vững chắc.

Sau triển lãm tại Paris, tượng đài công nông được chuyển về trưng bày tại cổng phía Bắc của Trung tâm triển lãm thành tựu quốc dân Liên Xô, ngày nay là Trung tâm triển lãm toàn Nga.

Từ năm 1947, bức tượng được chọn làm biểu tượng của hãng Mosfilm – hãng phim lớn, lâu đời nhất của Liên Xô cũ và nước Nga hiện giờ. Những bộ phim nổi tiếng Liên Xô như Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Kalina đỏ… đã gắn với biểu tượng này. Biểu tượng vẫn còn được Mosfilm giữ lại cho đến ngày nay.

Ngoài ra, hình ảnh bức tượng xuất hiện nhiều trong tem thư, bưu thiếp cũng như trong các văn hóa phẩm khác của Liên Xô.

Vào năm 1979, bức tượng đã được dỡ xuống để trùng tu. Trong thời kỳ bất ổn của Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Gorbachev, đã có ý kiến đề nghị bán bức tượng cho một công ty của Mỹ nhưng không được chấp thuận vì sự phản đối dữ dội của người dân.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, tượng đài Công nông vẫn được đặt tại vị trí cũ. Vào năm 2003, bức tượng được tháo ra thành 40 khối để đại tu.

Vào ngày 4/12/2009, Trung tâm Triển lãm Quốc gia ở thủ đô Moskva đã diễn ra lễ khánh thành bức tượng sau hơn 5 năm phục chế. Biểu tượng huyền thoại của Liên Xô lại đứng hiên ngang giữa lòng nước Nga.

Sau khi trùng tu, bệ tượng được dựng cao hơn trước gần 20 m và được bố trí thành một gian triển lãm với tổng diện tích hơn 8.000 m2, có sức chứa tới 5.000 người. Thân tượng giữ nguyên chiều cao ban đầu. Tổng chiều cao khối tượng và bệ tượng là gần 60 mét, trọng lượng của khối tượng là 189 tấn.

Mặt trước bệ tượng đài có gắn quốc huy Liên Xô khổ 3,5m x 3,5m, nặng 10,5 tấn. Đây cũng chính là Quốc huy được treo tại gian hàng của Liên Xô tại cuộc Triển lãm quốc tế ở Paris (Pháp) năm 1937.

Thị trưởng Moskva khi đó là ông Yuri Luzhkov đã nhận xét đây là “một sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa mang tính lịch sử đối với đất nước. Cụm công trình độc đáo tượng trưng cho sự vươn lên mạnh mẽ của quốc gia chúng ta đã trở về với Moskva”.

Những người tham gia trùng tu tượng đài Công nhân và nữ nông trang viên cho biết, tác phẩm sẽ đứng vững nhiều thế kỷ nữa bất chấp những khắc nghiệt của khí hậu.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , , ,